Doanh nghiệp ‘sống khỏe’ trong mùa dịch nhờ ‘vaccine’ chuyển đổi số
(DNTO) - Việc sớm đầu tư cho chuyển đổi số đã giúp nhiều doanh nghiệp có thêm sức đề kháng để chống chịu với những tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19.
Đại dịch Covid-19 tạo nên một khủng hoảng chưa từng có, không chỉ với các doanh nghiệp non trẻ, mà ngay cả những doanh nghiệp có tuổi đời 60 năm như Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông.
Tuy nhiên, nhờ bước tạo đà cách đây 2 năm bằng việc chuyển đổi số, một doanh nghiệp được coi là “già cỗi” và “cồng kềnh” như Rạng Đông đã nhanh chóng thích ứng với đại dịch và vẫn duy trì hoạt động kinh doanh giữa khủng hoảng.
Ông Phạm Anh Tuấn, Thành viên Ban Chuyển đổi số của Công ty Rạng Đông cho biết, Rạng Đông đã triển khai mô hình quản trị doanh nghiệp ERP, ứng dụng robotic, trí tuệ nhân tạo trong sản xuất nhằm giảm bớt sản phẩm lỗi… Với bộ máy tổ chức trải dài cả nước, từ lâu, Rạng Đông đã sử dụng thường xuyên phần mềm trực tuyến để họp và đào tạo nội bộ.
Hay trong quản lý hệ thống phân phối, công ty sử dụng phần mềm DMS, giúp dữ liệu kinh doanh của hàng nghìn điểm bán được cập nhật sau mỗi 30 phút, cung cấp cho lãnh đạo doanh nghiệp bức tranh thị trường toàn diện và rõ nét…
Rạng Đông hiện có khoảng trên 2.000 đại lý trên cả nước và 90% doanh thu đến từ các kênh truyền thống. Để đảm bảo đầu ra liên tục cho sản phẩm, duy trì dòng tiền trong bối cảnh chuỗi cung ứng bị đứt đoạn bởi dịch Covid-19, Rạng Đông đã liên tục tổ chức các buổi họp trực tuyến với các đại lý. Một mặt để động viên và truyền lửa tinh thần cho hệ thống đại lý, một mặt để đào tạo cho hệ thống đại lý sử dụng công cụ số và phương pháp kinh doanh online.
“Mỗi buổi livestream, các đại lý công ty có thể tạo ra doanh thu khoảng 10 tỷ đồng. Nhưng tôi cho rằng, điều quan trọng hơn là có thể thay đổi tư duy của các đại lý, giúp họ nhìn thấy giá trị kinh doanh trực tuyến, thay vì chỉ theo phương pháp kinh doanh truyền thống”, ông Tuấn cho hay.
Cũng trong đại dịch, Rạng Đông mạnh dạn tung ra các sản phẩm mới, thông minh hơn, giúp đóng góp 80% tăng trưởng doanh thu cho công ty trong mùa dịch; đồng thời đa dạng hóa các kênh truyền thông, tạo ra các nội dung livestream, video trên các mạng xã hội… “Chúng tôi đang tận dụng mọi phương tiện để kết nối với khách hàng”, ông Tuấn cho hay.
Tại Daikin Việt Nam, dịch bệnh bùng phát và lan rộng trên nhiều tỉnh thành trên cả nước khiến 80% nhân viên của Daikin tại hầu hết các chi nhánh ở các thành phố lớn đều phải làm việc tại nhà. Thách thức lớn nhất của doanh nghiệp lúc này là đối diện với sự bất định kéo dài, công ty bị đưa vào thế bị động, phải liên tục thay đổi các kịch bản vì không biết được dịch kéo dài bao lâu và việc giãn cách sẽ xảy ra ở những nơi nào.
Trước đây, Daikin Việt Nam là doanh nghiệp hoạt động theo mô hình B2B, tức bán hàng qua các đại lý. Tuy nhiên, dịch Covid-19 xảy ra thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, lên “online” của doanh nghiệp nhanh hơn.
Năm 2020, Daikin chính thức mở kênh thương mại điện tử riêng, đồng thời tận dụng các kênh thương mại điện tử sẵn có trên thị trường như Lazada, Shopee… để bán hàng và xây dựng app để hỗ trợ chăm sóc khách hàng.
Đối với nội bộ có khoảng 2.000 nhân viên, nhiều công việc phải đi qua các “lớp” phòng ban, Daikin đã tiến hành xây dựng hệ thống quản trị thông qua các ứng dụng online để điều hành công việc từ xa trong thời điểm giãn cách.
Bà Vũ Thị Thu Hà, Phó Giám đốc Kế hoạch và Thương mại điện tử tại Daikin Việt Nam cho biết, mặc dù doanh thu trên các kênh online vẫn còn khá khiêm tốn nhưng đây là một kênh tiếp xúc với khách hàng hiệu quả trong mùa dịch. Đặc biệt, việc ứng dụng các công cụ chuyển đổi số giúp doanh nghiêp vận hành hiệu quả, trơn tru hơn trong bối cảnh giãn cách.
Một cuộc khảo sát được Facebook thực hiện vào tháng 7-8/2021 với 35.000 nhà lãnh đạo doanh nghiệp vừa và nhỏ tại 30 quốc gia và vùng lãnh thổ cho thấy, có tới 88% doanh nghiệp cho biết họ đã sử dụng các công cụ số vào hoạt động kinh doanh, tăng 7% so với đầu năm.
Trong đó, hơn một nửa các doanh nghiệp cho biết sẽ tăng cường ứng dụng các công cụ kỹ thuật số vào trong hoạt động kinh doanh lâu dài. Tại Việt Nam, 46% doanh nghiệp vừa và nhỏ cho biết doanh số từ bán hàng online trong thời gian qua chiếm ít nhất 25% tổng doanh thu.
Ông Nguyễn Đình Thắng - Phó Chủ Tịch Hội Tin học Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Truyền Thông số Việt Nam cho biết, doanh nghiệp là đội ngũ tiên phong của chuyển đổi số và có thể chuyển đổi số nhanh vì liên quan đến chính lợi ích của họ. Khi đó, doanh nghiệp có thể sử dụng nguồn lực hiện có hoặc tạo ra nguồn lực mới, công nghệ mới, hay các sản phẩm hàng hóa và xây dựng hệ sinh thái kết nối trong nền kinh tế để phục vụ chính quyền, doanh nghiệp và người dân.
“Doanh nghiệp Việt Nam có đủ điều kiện cơ bản để có thể thực hiện ngay chuyển đổi số và là nhân tố thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số Quốc gia. Chuyển đổi số là một quá trình, tốc độ nhanh hay chậm, thành công hay thất bại tùy thuộc chủ yếu vào quyết tâm của tất cả mọi người tham gia và người lãnh đạo đóng vai trò tiên quyết”, ông Thắng nhấn mạnh.