Quá trình chuyển đổi số trong doanh nghiệp bảo hiểm: Tụt hậu, đáng thất vọng
(DNTO) - “Trước đây, chúng tôi đã làm khảo sát về các công ty bảo hiểm và rất thất vọng vì mức độ ứng dụng công nghệ thông tin rất thấp, nhiều công ty có trang web nhưng 3-4 tháng không cập nhật, số điện thoại tư vấn không đúng” - ông Lê Thanh Tâm, Tổng giám đốc IDG Việt Nam cho hay.
Doanh nghiệp bảo hiểm ì ạch chuyển đổi số
Trao đổi trong tọa đàm chuyển đổi số lĩnh vực bảo hiểm, chiều 23/7, ông Trần Vĩnh Đức – nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Minh, nguyên Phó chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết, việc áp dụng công nghệ thông tin trong ngành bảo hiểm hiện rất kém, so với những ngành khác có thể nói là tụt hậu.
Đối với các công ty bảo hiểm nhân thọ, do việc phân phối sản phẩm tốt và các hợp đồng đa số mang tính dài hạn nên muốn quản lý được hợp đồng khách hàng cần phải có phần mềm quản lý nghiệp vụ, thực hiện cấp đơn bảo hiểm bằng công nghệ. Vì vậy, đa phần các công ty này đã bước chân vào quá trình chuyển đổi số. Điển hình như Công ty Bảo hiểm Bảo Việt đã đưa phần mềm nước ngoài vào hoạt động.
Tuy nhiên, đối với các công ty bảo hiểm phi nhân thọ, hợp đồng bảo hiểm đa phần ngắn hạn (trong 1 năm), các khách hàng tham gia loại bảo hiểm này thường “đứng núi này, trông núi nọ” nên việc quản lý họ rất khó. Việc manh mún về dữ liệu khách hàng gây khó khăn cho các công ty bảo hiểm phi nhân thọ khi ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động.
Ngoài ra, các công ty bảo hiểm phi nhân thọ có chi nhánh hoạt động trên toàn quốc với sự phân cấp, phân quyền rất lớn trong việc khai thác bảo hiểm, nên việc quản lý phân tán, không tập trung. Vì vậy, xuất hiện tâm lý e ngại khi ứng dụng công nghệ số vì sẽ khiến dữ liệu công khai, minh bạch, các nhân viên và đại lý khó tự chủ trong hoạt động.
Nói thêm về thực trạng chuyển đổi số doanh nghiệp bảo hiểm, ông Lê Thanh Tâm - Tổng giám đốc IDG Việt Nam (đơn vị chuyên cung cấp giải pháp chuyển đổi số doanh nghiệp) cũng cho biết, so với ngành ngân hàng với nhiều sáng tạo, đổi mới trong việc ứng dụng công nghệ số cho khách hàng, ngành bảo hiểm vẫn dậm chân tại chỗ.
Hiện các công ty bảo hiểm có ứng dụng công nghệ cũng chỉ gói gọn trong việc phục vụ hoạt động của doanh nghiệp và đại lý, chưa chú trọng đến phục vụ khách hàng, từ việc thanh toán, theo dõi hợp đồng, tư vấn…
“Trước đây, chúng tôi đã làm khảo sát về các công ty bảo hiểm và rất thất vọng vì mức độ ứng dụng công nghệ thông tin rất thấp, nhiều công ty có trang web nhưng 3-4 tháng không cập nhật, số điện thoại tư vấn không đúng”, ông Tâm cho biết.
Chi phí lớn là rào cản?
Theo Vietnam Report, hiện 69,2% doanh nghiệp bảo hiểm tăng trưởng kênh phân phối số; 66,7% doanh nghiệp tăng trưởng kênh Bancassurance; 46,7% doanh nghiệp tăng trưởng kênh đại lý và 28,6% doanh nghiệp tăng trưởng kênh môi giới bảo hiểm.
Đối với việc ứng dụng công nghệ thông tin, hiện 90% doanh nghiệp bảo hiểm vẫn đầu tư ở mức độ giản đơn (app điện thoại và phân phối trực tuyến); 35% doanh nghiệp phát triển phần mềm lõi và xây dựng các sản phẩm bảo hiểm số; 30% doanh nghiệp chưa chú trọng trong các công nghệ cao (AI, Chatbox, Bigdata, Blockchain).
Mặc dù trong năm 2021, trong chiến lược hoạt động của mình, 100% các doanh nghiệp bảo hiểm cho biết sẽ tập trung cho chuyển đổi số. Tuy nhiên, mục tiêu này có thực hiện được hay không là một câu chuyện khác.
Ông Lê Thanh Tâm cho biết, có 3 gánh nặng chi phí khiến các doanh nghiệp bảo hiểm chưa áp dụng chuyển đổi số: Nguồn vốn đầu tư, vận hành và nhân lực.
Đồng tình với quan điểm về chi phí đầu tư lớn đang kìm chân các doanh nghiệp bảo hiểm chuyển đổi số, ông Trần Vĩnh Đức phân tích, hiện trong 31 công ty bảo hiểm phi nhân thọ tại thị trường Việt Nam, chỉ có khoảng 20 công ty có lãi, còn lại là thua lỗ. Ngoài ra, không giống như ngành ngân hàng, đối với ngành bảo hiểm, cơ quan quản lý Nhà nước không đưa ra yêu cầu về việc phải trang bị phần mềm trong hoạt động. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp chưa có động lực chuyển đổi số.
Là một trong những doanh nghiệp bảo hiểm hiếm hoi mạnh dạn đầu tư chuyển đổi số, ông Đặng Quốc Tiến - thành viên HĐQT, Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIC) cho biết, việc ứng dụng công nghệ thông tin phụ thuộc phần lớn vào con người.
Chia sẻ câu chuyện thực tế tại MIC, ông Tiến cho hay, cách đây 3-4 năm, khi công ty này tiếp nhận CEO mới, hội đồng quản trị đặt ra yêu cầu phải đưa kênh số vào hoạt động doanh nghiệp, buộc phải thành lập thêm khối số, mục tiêu đưa kênh số là một kênh hoạt động chính để giảm thiểu rủi ro trong dịch vụ. Vì vậy, công ty này đã nhanh chóng ký hợp tác với IBM (đơn vị cung cấp giải pháp số) để thực hiện chiến lược chuyển đổi số.
Dù không tiết lộ cụ thể mức đầu tư cho chuyển đổi số, nhưng ông Tiến cho biết đây là một con số khá lớn và cũng đi kèm một phần rủi ro mà doanh nghiệp phải chấp nhận. Tuy nhiên, sau 3 năm thay đổi chiến lược, MIC thấy rõ sự dịch chuyển trong hoạt động công ty. Trong đó, rõ ràng nhất là về lợi nhuận, khi ghi nhận mức tăng trưởng liên tục từ 30- 35%/năm.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, mặc dù doanh thu từ các kênh truyền thống vẫn chiếm đa số, nhưng doanh thu từ kênh số cũng chứng kiến sự tăng trưởng mạnh, từ 7% năm 2020 lên 16% và mục tiêu năm 2021 là tăng trưởng 24% doanh thu.
“Để doanh nghiệp có thể thực hiện chuyển đổi số thì điều quan trọng phải thống nhất ý chí trong cả hội đồng quản trị công ty cho đến toàn thể nhân viên”, ông Tiến nhấn mạnh.