‘Vua tiêu’ Phúc Sinh: 15 năm và hàng chục tỷ đồng đầu tư chuyển đổi số
(DNTO) - Từ doanh số 60 triệu đồng/năm, đến nay, Phúc Sinh Group dẫn đầu Việt Nam về xuất khẩu tiêu với 8% thị phần toàn cầu, nằm trong top 8 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê lớn nhất nước ta. Thành công này có được nhờ nỗ lực chuyển đổi số từ cách đây hơn 15 năm trước.
Số hóa "toàn tập"
Trao đổi trong buổi trò chuyện trực tuyến về công nghệ nông nghiệp và thực phẩm, do Bambuup tổ chức ngày 2/7, ông Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group cho biết, dịch Covid-19 đặt ra yêu cầu cấp thiết buộc nhiều doanh nghiệp phải nghĩ đến việc chuyển đổi số. Thế nhưng, ngay từ 15 năm trước, Phúc Sinh đã bắt đầu số hóa doanh nghiệp. Từ đó đến nay, đơn vị này liên tục ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, quản trị và coi đây như một yếu tố quyết định sự sống còn của doanh nghiệp.
Nhận thấy khó khăn lớn nhất của một doanh nghiệp sản xuất là kết nối với các hộ nông dân, các bên trung gian hay truy xuất nguồn gốc, Phúc Sinh đã ứng dụng hệ thống phần mềm để giúp doanh nghiệp có thể tính toán, kiểm tra và thống kê được công việc cụ thể hàng ngày.
Để xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc, doanh nghiệp này phải làm việc với tất cả nông dân trong hệ thống, trang bị điện thoại thông minh và hướng dẫn nông dân nhập dữ liệu.
Cụ thể, cứ 5 hộ sản xuất sẽ có 1 tổ trưởng được trả lương chỉ để làm nhiệm vụ kiểm tra việc nhập liệu của các hộ này về quy trình trồng trọt như thời gian tưới, thời gian sản xuất, thu hoạch, tình trạng cây màu, số lượng thu hoạch… Những dữ liệu này sẽ được gửi về bộ phận văn phòng để tổng hợp và có hệ thống công nghệ xử lý, phân tích dữ liệu, đảm bảo làm sao đủ nguồn hàng cho sản xuất.
Đối với hệ thống văn phòng, nhờ áp dụng phần mềm hiện đại vào làm việc, doanh nghiệp này cũng giảm được từ 20 nhân sự xuống còn 4 người mà vẫn đảm bảo công việc.
Tháng 11/2020, Phúc Sinh Group cho ra mắt ứng dụng mua sắm và trang thương mại điện tử, phục vụ cho việc bán các sản phẩm nông sản, thực phẩm trong bối cảnh dịch Covid-19.
“Khi xây dựng trang thương mại điện tử, chúng tôi thấy bên cạnh việc bán sản phẩm của mình, nên bán thêm các sản phẩm khác. Vì vậy, chúng tôi kết nối với các nhà cung cấp để đa dạng hóa danh mục sản phẩm. Khi khách hàng mua hạt tiêu, cà phê thì cũng có thể mua thêm các sản phẩm khác như thịt bò, thịt lợn, bánh mứt… và ngược lại. Nhờ vậy, tỷ lệ khách hàng tiếp cận đến sản phẩm hồ tiêu, cà phê của Phúc Sinh tăng nhanh chóng” - ông Thông chia sẻ.
Mặc dù cũng thừa nhận, việc doanh nghiệp đầu tư chuyển đổi số là khá tốn kém, mất nhiều thời gian, công sức, tuy nhiên đổi lại, ông Thông cho biết, các giải pháp công nghệ đã giúp Phúc Sinh tăng trưởng ổn định, vượt qua nhiều thách thức, đặc biệt trong thời điểm dịch Covid-19 đánh gục hàng loạt doanh nghiệp.
“Chuyển đổi số đã giúp chúng tôi vượt qua đại dịch. Có những thời điểm trong mùa dịch, doanh số Phúc Sinh còn tăng gấp đôi. Từ doanh số chỉ có 60 triệu đồng/năm, đến nay, tổng doanh số các đơn vị Phúc Sinh lên tới 10.000 tỷ đồng/năm” - ông Thông cho hay.
Cần có tập đoàn nông nghiệp Việt đủ lớn
Chia sẻ những suy nghĩ về nền nông nghiệp Việt Nam, ông Phan Minh Thông cho biết, hiện nay, việc đầu tư nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam còn rất khiêm tốn và hiện có quá ít tập đoàn tầm cỡ trong lĩnh vực này. Đây là nguyên nhân khiến việc áp dụng công nghệ tiên tiến của nước ngoài vào Việt Nam gặp nhiều khó khăn.
“Chỉ những tập đoàn lớn mới có đủ tiềm lực xây dựng trang trại, nhà máy lớn. Trong khi đó, công nghệ tiên tiến của nước ngoài nếu áp dụng cho 10 nhà máy thì không đắt, nhưng chỉ áp dụng cho 1 nhà máy, chi phí rất đắt, rất khó cho doanh nghiệp nhỏ bỏ tiền đầu tư” - ông Thông cho hay.
Vị chủ tịch Phúc Sinh cho biết, trong 10 năm tới, nông nghiệp Việt Nam sẽ phải đi theo hướng chế biến sâu để có thể nâng cao giá trị nông sản và sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, để doanh nghiệp thuận lợi đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, cần có cơ chế hỗ trợ từ phía các cơ quan quản lý Nhà nước.
“Ngay cả với Phúc Sinh, khi tập hợp được nguồn nguyên liệu lớn, chúng tôi mới dám xây dựng nhà máy. Do vậy, cần có cơ chế hỗ trợ phát triển các tập đoàn nông nghiệp công nghệ hàng đầu tại Việt Nam để dẫn dắt thị trường nông nghiệp trong nước” - ông Thông nêu quan điểm.