Doanh nghiệp ‘trầy trật’ thuyết phục nhân viên chuyển đổi số
(DNTO) - Để nhân viên làm quen với các công cụ mới, phương thức làm việc mới khi doanh nghiệp chuyển đổi số là hành trình khá khó khăn, yêu cầu sự kiên trì của lãnh đạo doanh nghiệp.
Nhân viên sợ mất việc khi doanh nghiệp số hóa
Ông Đào Quang Dũng, Tổng Giám đốc Eastern Sun Việt Nam – đơn vị tư vấn chuyển đổi số cho các doanh nghiệp cho biết, khi tiếp xúc với các doanh nghiệp, đội ngũ của Eastern Sun thường phải làm việc với các phòng ban nhiều hơn là làm việc với lãnh đạo. Bởi, nhiều nhân viên thực sự không nhiệt tình khi doanh nghiệp chuyển đổi số, vì họ cho rằng, công nghệ sẽ khiến họ giảm bớt thời gian làm việc, đồng nghĩa với việc giảm lương.
“Chúng tôi phải thuyết phục họ rằng, chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp mở rộng kinh doanh, năng suất cao hơn thì sếp mới có quỹ để tăng lương. Còn về nhân sự, vẫn nguồn lực đó nhưng bớt khi quy mô mở rộng, công việc bớt đi nhưng năng suất tăng gấp 3-4 lần, hiệu quả tăng 3-4 lần và lương cũng tăng hơn. Như vậy nếu tham gia vào quá trình chuyển đổi số, nhân viên cũng được hưởng lợi chứ không phải mất việc”, ông Dũng chia sẻ.
Ngoài ra, việc áp dụng chuyển đổi số cũng khiến hoạt động nhân viên minh bạch hơn thông qua số liệu, từ đó quyết định thưởng phạt cũng công bằng hơn, hạn chế được những tiêu cực trong nội bộ.
Trong trường hợp của một công ty sản xuất, xuất một phiếu xuất kho chỉ mất vài giây nếu chuyển đổi số, duyệt online, thay vì đủ loại giấy tờ duyệt kí thủ công như trước. Trong khi nếu chậm 15 phút làm phiếu xuất kho, dây chuyền sản xuất có thể chậm đi 30 phút hoặc thậm chí 3 tiếng, có thể dẫn đến việc chậm đơn hàng giao hàng, chậm tiến độ thanh toán, mất uy tín và bị phạt hợp đồng…, như vậy sự mất mát của doanh nghiệp rất lớn.
“Đối với những nhân viên làm công ty sản xuất, khi áp dụng chuyển đổi số, ví dụ nhà có việc, con ốm, ngồi nhà làm việc vẫn có thể xuất được hóa đơn, đơn hàng vẫn chạy mà không ảnh hưởng”, ông Dũng chia sẻ.
Trường hợp nhân viên lo sợ khi doanh nghiệp áp dụng giải pháp số cũng xảy ra tại Công Ty TNHH Libra Việt Nam. Ông Lê Văn Thắng - Giám đốc kinh doanh toàn quốc Libra Việt Nam cho biết, khi doanh nghiệp này áp dụng phần mềm quản lý hệ thống phân phối cũng gặp sự phản ứng từ phía nhân viên bán hàng.
“Đa phần lúc đầu mọi người đều nghĩ công ty áp dụng công cụ này thì họ bị quản lý, đi đâu làm gì, đều bị công ty biết. Chúng tôi phải tích cực truyền thông, thay đổi tư duy của cả đội ngũ lãnh đạo lẫn nhân viên rằng đây là công cụ giúp hỗ trợ họ bán hàng, nâng cao doanh số, từ đó họ mới thay đổi và sử dụng công cụ một cách tích cực”, ông Thắng chia sẻ.
Trao thưởng để nhân viên chuyển đổi số
Là một doanh nghiệp lâu năm trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, trước sức ép cạnh tranh từ thị trường, Công ty Cổ phần Quốc tế Bảo Hưng thừa hiểu việc cần thiết phải áp dụng chuyển đổi số. Do vậy, cách đây 2 năm, doanh nghiệp này đã áp dụng giải pháp quản lý hệ thống phân phối để nâng cao hiệu quả của chuỗi bán hàng. Tuy nhiên, hành trình để đưa phần mềm số vào doanh nghiệp không dễ dàng.
Ông Nguyễn Thái Hiển - Giám đốc kinh doanh toàn quốc Công ty Bảo Hưng cho biết, thời gian đầu khi áp dụng công nghệ vào bán hàng, Bảo Hưng gặp rất nhiều phản ứng từ đội ngũ sale, bởi họ là những người thích làm theo bản năng, muốn được thoải mái trong công việc để chốt đơn được hiệu quả, không thích chịu sự gò bó của công nghệ.
Ngoài ra, mức độ nhận thức của đội ngũ nhân viên không đồng đều cũng khó khăn khi doanh nghiệp này áp dụng phần mềm DMS (giúp quản lý hệ thống phân phối, giám sát nhân viên bán hàng ngoài thị trường). Ví dụ những người lớn tuổi bán hàng, quan hệ khách hàng rất tốt nhưng rất khó thích nghi với các giải pháp công nghệ, hay nhiều người trẻ dù chơi game trên điện thoại rất nhanh nhưng sử dụng DMS lại chậm chạp...
Đối diện với những trở ngại này, ông Hiển cho biết, lãnh đạo doanh nghiệp cần thấu hiểu rõ vấn đề của doanh nghiệp, cũng như tâm tư nguyện vọng của nhân viên để áp dụng phương thức lãnh đạo cho phù hợp.
Theo đó, cách làm của Bảo Hưng là đưa yêu cầu về kĩ năng sử dụng công nghệ vào chính sách tuyển dụng của công ty để tìm ứng viên phù hợp. Tuy nhiên, ông Hiển cũng thừa nhận, ngay cả như vậy, thì tại thời điểm kí hợp đồng với ứng viên và khi vận hành thực tế rất khác. Do vậy, ngoài việc dùng các biện pháp bắt buộc, Bảo Hưng cũng thêm các biện pháp mang tính động viên hỗ trợ như coi việc cập nhật dữ liệu vào DMS là một KPI và có chế độ thưởng nếu nhân viên hoàn thành KPI đó.
“Đúng là để thay đổi thói quen của một con người là cả một vấn đề. Hiện tại với phương thức DMS, chúng tôi chưa dám đưa những khóa đào tạo quá chặt vì muốn nhân viên thích nghi dần dần. Việc quá thúc ép nhân viên, ngoài việc gặp phản ứng thì đôi khi lại ảnh hưởng đến doanh số công ty”, ông Hiển cho hay.
Bên cạnh vấn đề về con người, hành trình chuyển đổi số của doanh nghiệp phải đối diện với vô vàn khó khăn về chiến lược, tài chính, công nghệ… Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng, nếu quyết tâm vượt qua được những rào cản đó, doanh nghiệp chắc chắn sẽ hưởng “trái ngọt”.
“Sau hơn 2 năm tiến hành chuyển đổi số, chúng tôi thấy tích cực khi bất cứ lúc nào lãnh đạo cũng có thể kiểm soát được công việc của từng nhân viên. Về mặt số liệu, chúng tôi có thể biết được ngay việc tồn kho ở các nhà phân phối, các điểm bán hay bao phủ nhãn hiệu sản phẩm ở điểm bán khoảng bao nhiêu... Từ đó hỗ trợ cho lãnh đạo trong việc đưa ra quyết định quản trị tốt hơn”, ông Nguyễn Thái Hiển cho biết.