Startup công nghệ sẵn sàng ‘trải chiếu, bưng mâm’ phục vụ doanh nghiệp chuyển đổi số
(DNTO) - Để tìm cách thích nghi với thị trường chuyển đổi số đang ở giai đoạn đầu, còn khó khăn như Việt Nam, các startup, doanh nghiệp công nghệ không chỉ là đơn vị bán sản phẩm mà đã tự chuyển mình thành nhà tư vấn, đơn vị cung cấp giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp.
Chia sẻ về những vướng mắc của doanh nghiệp thường xảy ra trong quá trình chuyển đổi số, ông Nguyễn Hải Triều, nhà sáng lập và là Chủ tịch Hội đồng quản trị PrimeData, chuyên gia với 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ, cho biết bài toán thường làm đau đầu các doanh nghiệp hiện nay là không biết xây dựng hệ sinh thái công nghệ như thế nào để hoạt động hiệu quả.
Cụ thể, doanh nghiệp mua rất nhiều giải pháp công nghệ nhưng lại không có khả năng đánh giá hiệu quả vận hành của các giải pháp đó, dẫn đến việc có giải pháp không phù hợp hoặc không thể mở rộng theo sự tăng trưởng của doanh nghiệp. Ngoài ra, sự xung đột giữa các giải pháp công nghệ với nhau hay thiếu đồng bộ giữa các công nghệ với quy trình làm việc của nhân sự hiện tại cũng dẫn đến quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp không thành công.
Theo ông Triều, đây cũng là lý do mà nhiều doanh nghiệp chưa sẵn sàng chuyển đổi số, do tại Việt Nam hiện mới chỉ có các startup, công ty cung cấp sản phẩm công nghệ, chưa có những công ty tư vấn chuyển đổi số đủ tầm để hỗ trợ doanh nghiệp.
Việc thiếu kiến thức, tâm lý e ngại của các doanh nghiệp khi chuyển đổi số cũng gây khó khăn cho các startup, công ty công nghệ cung cấp các phần mềm, ứng dụng chuyển đổi số. Vì vậy, để tìm đường “sống”, các startup, công ty công nghệ buộc phải chuyển mình để thích nghi với thị trường.
Ông Phạm Duy Liêm, Giám đốc công nghệ GoStream (startup về nền tảng livestream trên các mạng xã hội, vừa nhận được 1 triệu USD trong vòng gọi vốn Series A từ quỹ VinaCapital Ventures), cho biết mặc dù ở Việt Nam chưa có nhiều doanh nghiệp tư vấn về chuyển đổi số nhưng bản thân các doanh nghiệp công nghệ khi tạo ra các sản phẩm đều phải nghiên cứu thị trường và đối tượng khách hàng phục vụ, để sản phẩm đưa đến các doanh nghiệp có thể sáp nhập với hệ sinh thái mà họ đang có.
“Không thể bắt khách hàng chỉ dùng một mình sản phẩm của một doanh nghiệp. Chúng tôi thừa hiểu chuyện đó và linh hoạt để sản phẩm công nghệ của chúng tôi có thể tích hợp với phần mềm khác trong doanh nghiệp và hỗ trợ những tính năng phù hợp với từng doanh nghiệp”, ông Liêm nhấn mạnh.
Tư duy “mở” trong việc cung cấp các phần mềm công nghệ cũng là cách mà Công ty TNHH Một thành viên Phần mềm iNET đang phục vụ khách hàng.
Ông Nguyễn Trọng Thơ, Giám đốc điều hành iNET, cho biết hiện các doanh nghiệp đều có rất nhiều kênh để bán hàng, marketing… như trên nền tảng facebook, tiktok hay các sàn thương mại điện tử…; trong khi đó, các giải pháp công nghệ chỉ có thể hỗ trợ giải quyết một trong các hành trình bán hàng của doanh nghiệp ở một kênh nào đó.
Vì vậy, khi thiết kế sản phẩm công nghệ, iNET cũng hướng đến việc sản phẩm đó phải sẵn sàng kết nối với bất kì các nền tảng nào khách hàng hiện có, và sản phẩm iNET cũng luôn “mở” để tất cả các nền tảng khác có thể kết nối đến, nếu doanh nghiệp đó mở API (giao diện lập trình ứng dụng), tạo ra hệ sinh thái công nghệ sẵn sàng hỗ trợ cho nhau.
Ngoài ra, ông Thơ cho hay, không giống như các sản phẩm tiêu dùng thông thường sẽ “mua đứt, bán đoạn”, bán sản phẩm công nghệ đòi hỏi sự đồng hành rất lớn của đơn vị cung cấp công nghệ với khách hàng. Vì vậy, ông Thơ cho biết, iNET đã phải hướng đến việc trở thành nhà tư vấn về chuyển đổi số để giúp doanh nghiệp có giải pháp công nghệ tổng thể.
“Khi chúng tôi làm việc với khách hàng phải kiêm luôn nhà tư vấn để tham vấn cho doanh nghiệp nên dùng giải pháp nào, của những đơn vị nào. Trước đây, chúng tôi cũng giống như nhiều công ty công nghệ khác thường hay ‘tham’, tức khách hàng cần gì là chúng tôi sẽ bổ sung ngay tính năng đó vào phần mềm của mình. Sau đó chúng tôi nhận ra chỉ nên tập trung vào một số tính năng chính, còn lại những đơn vị nào đã có giải pháp tốt rồi thì chúng tôi sẽ giới thiệu khách hàng dùng sản phẩm của họ hoặc tích hợp với sản phẩm của iNET, tạo thành giải pháp tổng thể cung cấp cho khách hàng”, ông Thơ chia sẻ.
Ở một góc độ khác, ông Tình Nguyễn, chuyên gia tư vấn chiến lược và hỗ trợ doanh nghiệp mua sắm công nghệ marketing, cho biết các startup, công ty công nghệ cần thay đổi tư duy khi chào bán các sản phẩm công nghệ. Bởi hiện các công ty công nghệ thường chỉ chú trọng vào bán và giới thiệu tính năng sản phẩm, dẫn đến việc khách hàng chỉ biết đi mua tính năng công nghệ, không phải mua sự chuyển đổi.
“Đáng nhẽ công ty công nghệ phải chỉ ra được sự dịch chuyển hoạt động doanh nghiệp khi ứng dụng công nghệ sẽ như thế nào. Có thể cả doanh nghiệp chưa thấy sự biến đổi lớn nhưng chắc chắn một bộ phận nào đó sẽ biến đổi mạnh mẽ. Sự biến đổi này sẽ thiên về chất, hiệu năng”, ông Tình nêu quan điểm.
Do đó, theo vị chuyên gia này, startup, công ty công nghệ muốn tiếp cận với các doanh nghiệp có nhu cầu chuyển đổi số, cần xuất phát từ chính nhu cầu và trải nghiệm của khách hàng để cung cấp giải pháp công nghệ, chứ không chỉ là đưa một sản phẩm sẵn có đến “chào hàng” và vẽ ra những “bánh vẽ” để thuyết phục khách hàng.