Startup công nghệ Việt vẫn vật lộn với thị trường
(DNTO) - Dù đại dịch Covid- 19 và làn sóng chuyển đổi số được xem là động lực để thúc đẩy công nghệ phát triển mạnh mẽ, tạo nhiều cơ hội startup trong lĩnh vực này, nhưng thực tế, nhiều startup công nghệ Việt Nam vẫn khá vất vả để tìm đường ‘sống’.
Có một thực tế hiển nhiên rằng, muốn tiến hành chuyển đổi số, doanh nghiệp trước hết phải thay đổi tư duy; bởi chuyển đổi số không chỉ là ứng dụng công nghệ vào hoạt động doanh nghiệp, đó còn là sự thay đổi cơ bản về quy trình làm việc, thậm chí văn hóa doanh nghiệp. Việc chậm hoặc khó khăn trong thay đổi tư duy là rào cản cho các công ty muốn số hóa hay các công ty công nghệ khi cung cấp giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp.
Dẫn chứng từ doanh nghiệp của mình, ông Nguyễn Văn Vững - Sáng lập và Giám đốc Điều hành Bigbom cho hay, khi áp dụng một sản phẩm công nghệ mới vào vận hành doanh nghiệp, Bigbom cũng trong tâm thế rất hoài nghi, kể cả đội ngũ lãnh đạo cho đến nhân viên. Bigbom phải mất hàng năm trời thay đổi tư duy cho đội ngũ mới có thể đưa công nghệ ứng dụng rộng rãi và vận hành trơn tru trong doanh nghiệp.
“Thời gian đầu chúng tôi còn nghĩ, công nghệ đó không đáng để sử dụng. Tuy nhiên, sau đó nghĩ lại rằng, tại sao rất nhiều doanh nghiệp dùng thành công mà mình lại không áp dụng được. Lúc đó chúng tôi quyết định kiên nhẫn trải nghiệm thêm 2-3 tháng và nhận thấy thực sự hữu ích. Tuy nhiên, khi triển khai xuống nhân viên cũng phải mất rất lâu vì họ nghĩ đang sử dụng Excel cũng rất tốt, không nhất thiết phải dùng phần mềm mới” - ông Vững chia sẻ.
Tình trạng của Bigbom cũng giống với rất nhiều doanh nghiệp khác ở Việt Nam khi tiếp cận với nền tảng phục vụ chuyển đổi số.
Ông Nguyễn Trọng Thơ - Giám đốc điều hành iNET - người có hơn 16 năm làm trong lĩnh vực công nghệ và hỗ trợ công cụ cho các nhà bán hàng, chia sẻ, việc bán sản phẩm công nghệ cho người Việt rất khó vì đa phần mọi người quen sử dụng những ứng dụng đơn giản như Excel, Google Sheets… nên cần rất nhiều thời gian để thay đổi hành vi, thói quen hiện tại.
Ông Thơ lý giải, không giống bán sản phẩm quen thuộc như thời trang, giày dép vì những tính năng hiện rõ, các sản phẩm công nghệ, đặc biệt mới ra thị trường, khách hàng chưa bao giờ sử dụng nên việc bán hàng rất khó.
Lấy ví dụ về việc iNET ra mắt sản phẩm FChat (ứng dụng tích hợp với Messenger, Zalo, Instagram… để gửi tin nhắn hàng loạt cho khách cũ với nội dung chứa quảng cáo kèm ảnh, link) vào năm 2017, ông Thơ cho biết, khi quảng bá sản phẩm đến khách hàng cũ của công ty, đa phần mọi người không quan tâm vì họ không thể hiểu ứng dụng này. iNET khi đó phải liên tục tổ chức hội thảo, hướng dẫn “cầm tay chỉ việc” cho khách hàng để họ hiểu và sử dụng sản phẩm. Nhưng cũng phải mất đến 2 năm sau ngày ra mắt, FChat mới bắt đầu có lượng khách hàng mua ứng dụng.
Nhiều CEO của công ty công nghệ cho rằng, tư duy cố hữu của nhiều chủ doanh nghiệp là rào cản lớn nhất cho sự phát triển của startup công nghệ ở Việt Nam, bởi rất nhiều doanh nghiệp sẵn sàng làm theo cách cũ; kể cả khi được giới thiệu giải pháp công nghệ mới, họ cũng đòi hỏi phải nhìn thấy hiệu quả ngay lập tức.
“Kể cả khi khách hàng thấy lợi ích của công nghệ nhưng chưa chắc đã muốn thay đổi, chỉ đến lúc họ nhận ra việc cần thay đổi và thấy đối thủ áp dụng, phát triển lên, lúc đó mới cuống cuồng đổi mới tư duy và ứng dụng công nghệ” - ông Thơ chia sẻ.
Còn đối với các tập đoàn lớn, với tầm nhìn và chiến lược dài hạn, khi chuyển đổi số, doanh nghiệp lại ưu tiên sử dụng các sản phẩm công nghệ “ngoại”. Ông Phạm Ngọc Duy Liêm - chuyên gia công nghệ đã có 10 năm làm việc tại các tập đoàn lớn - cho biết, không phải các tập đoàn không muốn sử dụng các sản phẩm công nghệ của Việt Nam, mà do chiến lược phát triển của họ đòi hỏi phải có sản phẩm chỉn chu, hoàn chỉnh, với đội ngũ tư vấn chuyên nghiệp để hiệu quả triển khai tốt nhất.
Tuy nhiên, đa phần các doanh nghiệp công nghệ mới ở Việt Nam không đủ nguồn lực để tạo ra sản phẩm công nghệ xứng tầm, phục vụ cho quy mô của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, nên buộc họ phải mua sản phẩm công nghệ từ nước ngoài.
Mặc dù đại dịch Covid-19 đã thay đổi cơ bản hành vi của người tiêu dùng, thúc đẩy nhu cầu chuyển đổi số của nhiều doanh nghiệp, và startup công nghệ đang đứng trước cơ hội rất tốt để tấn công thị trường, thế nhưng, thị trường khởi nghiệp công nghệ Việt Nam vẫn còn rất khó khăn.
Theo nghiên cứu từ Hãng Đầu tư mạo hiểm Cento, năm 2020, startup công nghệ trong khu vực Đông Nam Á huy động được 8,2 tỷ USD nhưng gần một nửa số vốn “rót” vào các kỳ lân công nghệ (bao gồm Grab, Gojek, Bukalapak, Traveloka).
Trong khi startup Indonesia chiếm 70% vốn đầu tư tại Đông Nam Á và 64% thỏa thuận rót vốn dành cho startup Indonesia và Singapore, thì startup công nghệ Việt Nam chỉ chiếm 4% tổng vốn đầu tư trong khu vực, một con số rất khiêm tốn.
Trước việc công nghệ thay đổi như vũ bão, nhiều "gã khổng lồ" công nghệ hay startup kỳ lân đang vươn “vòi bạch tuộc” để chiếm lĩnh thị trường khu vực và thế giới, startup công nghệ Việt Nam đứng trước nguy cơ nhanh chóng bị đánh bại ngay cả ở thị trường nội địa nếu như không có hướng đi đột phá và sự hỗ trợ cơ chế, chính sách của cơ quan chức năng.