Doanh nghiệp sản xuất chuyển đổi số: Thời của 'cá nhanh thắng cá chậm'
(DNTO) - Theo ông Lê Văn Khương, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phía Bắc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong quá trình chuyển đổi số hiện nay, “cá nhanh sẽ thắng cá chậm”, doanh nghiệp nào có chiến lược chuyển đổi số bài bản, nhanh chóng, phù hợp sẽ giành ưu thế trên đường đua.
Covid-19 gần như đóng băng ngành sản xuất, nhưng theo các chuyên gia, nó lại là yếu tố thôi thúc các doanh nghiệp phải đổi mới để ứng phó với những thách thức trước mắt và lâu dài. Chuyển đổi số chính là bước đầu tiên giúp các doanh nghiệp có thể phục hồi sau thảm họa và định hình lại tương lai.
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với doanh nghiệp Việt Nam nói chung, đặc biệt với doanh nghiệp sản xuất. Ông khuyến nghị các doanh nghiệp cần có chiến lược chuyển đổi rõ ràng, xây dựng kế hoạch chi tiết cho từng giai đoạn và lượng hóa mọi tiêu chí để có một thước đo rõ ràng nhất.
“Chuyển đổi số trong ngành sản xuất không chỉ đơn thuần là việc tự động hóa dây chuyền sản xuất hay phân tích tốt hơn dữ liệu hiện có. Nó còn liên quan đến sự thay đổi trong suy nghĩ, cách tiếp cận và giải quyết vấn đề mới. Việc sẵn sàng thay đổi tư duy và ứng dụng những công nghệ mới sẽ giúp các nhà quản lý nâng cao hiệu quả sản xuất trong doanh nghiệp của mình”, Phó chủ tịch VCCI nói.
Nêu quan điểm về thực trạng chuyển đổi số của doanh nghiệp sản xuất Việt, ông Lê Văn Khương, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phía Bắc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, đa phần doanh nghiệp chưa có chiến lược chuyển đổi số phù hợp, có nhiều quan điểm sai lầm và lạc hậu về chuyển đổi số dẫn đến quá trình này chưa được thực hiện mạnh mẽ.
“Có quan điểm cho rằng, trong quá trình chuyển đổi số “cá lớn nuốt cá bé”, nhưng thực tế, “cá nhanh thắng cá chậm”, doanh nghiệp nào có chiến lược chuyển đổi số bài bản, nhanh chóng, phù hợp sẽ giành ưu thế trên đường đua”, ông Khương nói.
Ngoài ra, chuyển đổi số không phải chỉ chuyển đổi về công nghệ mà còn về tư duy, cách thức vận hành. Cùng với đó, chuyển đổi số không phải là vấn đề vĩ mô mà bắt đầu từ những điều nhỏ nhất.
Tại Hội thảo trực tuyến “Giải pháp thực tiễn hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp sản xuất”, diễn ra hôm nay, 27/8, ông Nguyễn Trung Kiên, Quản lý cấp cao kênh đối tác, Microsoft Việt Nam cho biết, trước mọi khó khăn, thách thức của thị trường do sự tác động tiêu cực của dịch Covid-19 như hiện nay, sự chủ động chính là chiến lược đúng đắn và kịp thời nhất. Khi hầu hết mọi doanh nghiệp đều đã đặt chân lên "con thuyền" số hóa, và việc chuyển đổi số đã trở thành một nhiệm vụ căn bản thì các nhà quản trị doanh nghiệp phải thay đổi tư duy, nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng tốc bứt phá. Từ đó mới mong đạt được sự tăng trưởng bền vững nhất.
Ông Kiên cho biết, hiện có 90% các doanh nghiệp liên quan đến chuỗi cung ứng sẽ đầu tư vào công nghệ để cải tiến quy trình nghiệp vụ; 30% doanh nghiệp xác định đầu tư vào những công nghệ quản lý trên nền tảng số. Vì thế, chuyển đổi số đã thực sự trở thành một yêu cầu tất yếu, nếu các doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển.
“Bất kỳ doanh nghiệp nào muốn thành công, mở rộng quy mô và phát triển đều có thể ứng dụng công nghệ số để đáp ứng nhu cầu của chính mình. Thông qua công nghệ, doanh nghiệp có thể lấy được thông tin về dữ liệu máy móc, dữ liệu về quá trình sản xuất hay về năng suất lao động, về nguồn nguyên vật liệu. Từ đó, đưa ra những quyết định phải tiết kiệm hay tăng thêm chi phí; tinh giảm nhân sự hay tăng thêm lao động; tăng cường năng lực sản xuất của công ty...”, ông Kiên nói.
Để chuyển đổi số thành công, theo ông Kiên, các doanh nghiệp sản xuất cần tập trung vào 5 định hướng quan trọng. Thứ nhất, phải chuyển đổi lực lượng lao động bằng cách triển khai những giải pháp và ứng dụng công nghệ giúp tăng năng suất lao động, từ đó thay đổi cách thức nhân viên giao tiếp, cộng tác và chia sẻ dữ liệu trong công việc.
Thứ hai, xây dựng các nhà máy linh hoạt bằng việc áp dụng công nghệ và IoT vào vận hành để đảm bảo chuỗi sản xuất, từ đó thúc đẩy chất lượng và năng suất lao động.
Thứ ba, kết nối với khách hàng theo những cách thức mới, đem lại những trải nghiệm khách hàng trên toàn bộ các kênh dịch vụ, bán hàng và marketing, ví dụ như thiết lập các trợ lý ảo giúp kết nối với khách hàng trên nền tảng số, các dịch vụ hỗ trợ từ xa và bán hàng trực tuyến.
Thứ tư, xây dựng các chuỗi cung ứng bền vững để nâng cao khả năng truy xuất, trong đó cần thiết lập những kế hoạch đánh giá rủi ro, xử lý khủng hoảng, và triển khai chuỗi cung ứng tự chủ.
Thứ năm, đổi mới và tạo ra những dịch vụ mới bằng việc khám phá các giá trị kinh doanh khác biệt với dịch vụ số và sản phẩm bền vững.