Chính sách hỗ trợ chung chỉ doanh nghiệp lớn được hưởng
(DNTO) - Mỗi chính sách phải áp dụng được cho từng đối tượng DN, nếu áp dụng chính sách chung thì chỉ có DN lớn, DN có điều kiện có thể được hưởng chính sách hỗ trợ.
"TP.HCM cần có chính sách thu hút người lao động trở lại thành phố làm việc". Đây là kiến nghị của nhiều doanh nghiệp (DN) tại buổi tiếp xúc cử tri DN của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM diễn ra cuối tuần qua.
Thu hút người lao động và tăng khả năng tiếp cận vốn vay
Theo Hiệp hội DN TP.HCM, do ảnh hưởng của dịch bệnh, đến nay chỉ có hơn 650 DN ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao hoạt động, chiếm gần 40% số DN ở đây với 1/3 số lao động làm việc. Còn DN ở bên ngoài phần lớn đều tạm dừng hoạt động, chỉ có 15% DN hoạt động cầm chừng. Đến tháng 8 vừa qua, thành phố có 24.000 DN rời thị trường, có gần 30% lao động mất việc...
Tại buổi tiếp xúc, nhiều DN đề nghị thành phố nên có chính sách thu hút người lao động đã về quê quay lại thành phố làm việc. Thành phố cần tăng độ phủ vaccine không chỉ cho người lao động ở thành phố, mà còn cho các tỉnh lân cận để tạo nguồn lao động cho DN. Thành phố nên cho phép DN chủ động tự triển khai, tự chịu trách trách nhiệm trong công tác phòng chống dịch bệnh và cơ quan chức năng chỉ cần hậu kiểm.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hiệp hội DN Lương thực thực phẩm TP.HCM kiến nghị, nhà nước nên miễn 100% phí đóng Bảo hiểm xã hội cho DN và người lao động trong lúc DN ngưng hoạt động do dịch bệnh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước.
“Hiện nay, giá nguyên liệu tăng, thiếu lao động, nhà nước cần hỗ trợ các chính miễn giảm thuế VAT, thuế thu nhập DN để DN sớm phục hồi sản xuất. TP nên cho DN hưởng gói hỗ trợ như gói an sinh của người dân”, bà Chi đề xuất.
Một vấn đề nữa được nhiều DN quan tâm là Ngân hàng Nhà nước cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc các ngân hàng thương mại thực hiện chính sách giãn, giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ, khoanh nợ, cho vay mới đối với DN bị ảnh hưởng của dịch bệnh. Vì hiện nay, nhiều DN rất khó tiếp cận vay mới và giảm lãi suất.
Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH thương mại xây dựng Lê Thành cho rằng, đến tháng 6/2022 toàn bộ số giãn nợ của DN cộng với số nợ của tháng 6/2022 thì DN sẽ cùng lúc trả gấp đôi, gấp ba nên DN không thể chịu nổi vào thời điểm đó. “DN đề nghị cho giãn nợ nhưng phải giãn luôn cả thời hạn vay”, ông Nghĩa mong muốn.
Cần thống nhất trong lưu thông hàng hoá
Một vấn đề mà nhiều DN lo lắng đó là việc lưu thông hàng hóa. DN đề nghị Chính phủ chỉ đạo các tỉnh, thành không tự ý đưa ra bất kỳ quy định nào để gây khó khăn, ách tắc cho lưu thông hàng hóa. Vì hiện nay, nhiều DN ở TP.HCM đang có vùng nguyên liệu, nhà máy sản xuất và khách hàng tiêu thụ hàng hóa ở các địa phương khác, nếu giao thông không thông suốt thì DN không thể khôi phục sản xuất.
Về vấn đề an sinh xã hội, nhiều DN kiến nghị có hành lang pháp lý thành lập các quỹ cộng đồng để huy động sức dân đóng góp hỗ trợ người khó khăn, vì dịch bệnh còn kéo dài. Quỹ này hoạt động công khai minh bạch và kịp thời hỗ trợ đến nhiều người khó khăn.
Theo ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, những chính sách về phục hồi kinh tế hiện nay rất khó áp dụng chung cho tất cả các DN, mà phải có từng chính sách cụ thể cho từng nhóm DN.
“Chúng ta phải có chính sách riêng cho các DN tạm thời đóng cửa và chính sách riêng cho DN đang hoạt động. Mỗi chính sách phải áp dụng được cho từng đối tượng DN, nếu áp dụng chính sách chung thì chỉ có DN lớn, DN có điều kiện có thể được hưởng chính sách hỗ trợ. Còn DN nhỏ, DN đóng cửa, không doanh thu thì khó mà được hưởng những chính sách đó”, ông Hoan quả quyết./.