Doanh nghiệp xuất nhập khẩu 'cân não' với bài toán tiết giảm chi phí để trụ vững
(DNTO) - Trong bối cảnh giá dầu thế giới tăng phi mã, dẫn đến chi phí vận tải, logistics tăng cao, đẩy chi phí xuất nhập khẩu "nóng" từng ngày. Để tiếp sức cho doanh nghiệp, nhiều biện pháp kéo giảm chi phí xuất nhập khẩu đã được kích hoạt.
Chi phí bị đẩy lên cao, khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam giảm, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu chấp nhận hòa vốn, thậm chí bị lỗ để xuất khẩu hàng hóa nhằm duy trì mối quan hệ làm ăn với khách hàng.
Trong khi đó, gần đây, phí chuyên chở container tiếp tục được nhiều hãng tàu thông báo điều chỉnh tăng đến 20%, dù mức giá đã khá cao, tăng vài lần so với trước khi có dịch… Chi phí xuất nhập khẩu tăng cao làm nhiều doanh nghiệp chật vật bám trụ.
Cung cấp thực phẩm tiêu dùng trong nước và phục vụ xuất khẩu, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thực phẩm Duy Anh đang đứng trước sức ép tăng giá rất lớn, bởi hầu hết chi phí đầu vào đã tăng từ 10 - 20%. Ngoài việc tiếp tục tối ưu hoạt động sản xuất, doanh nghiệp đang cố gắng cắt giảm các khâu dôi dư nhằm giảm chi phí sản xuất, cố gắng chưa tăng giá bán của sản phẩm.
"Nguyên liệu mình chọn lọc kỹ, ký kết với đối tác với số lượng lớn để họ đưa ra một mức giá tốt nhất. Chất lượng sản phẩm giữ nguyên, nhưng điều chỉnh chi phí như marketing, tiếp thị giảm 50% so với trước", ông Lê Duy Toàn, CEO Duy Anh, cho biết.
Trước áp lực đầu vào ngày càng tăng, tìm đủ cách để bình ổn thị trường là điều nhiều doanh nghiệp phải xoay xở lúc này.
"Các doanh nghiệp phải tái cấu trúc lại để cắt giảm những chi phí không cần thiết. Việc đó giúp hoạt động sản xuất kinh doanh tốt hơn và đầu tư tiền ít hơn. Khi lượng hàng hóa nhiều hơn, tiền đầu tư ít thì đó chính là giải pháp để cân đối giữa phương tiện thanh toán với lượng hàng hóa và nó không tạo ra sức ép lạm phát", GS.TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, nhận định.
Lo ngại chi phí xuất nhập khẩu tăng cao làm nhiều doanh nghiệp không đủ lực để cạnh tranh, chia sẻ tại tọa đàm “Tìm giải pháp kéo giảm chi phí xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp”, ngày 6/4, ông Đào Duy Tám, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, cho rằng, vấn đề cấp bách hiện nay là cắt giảm thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp.
"Cần đẩy mạnh cải cách hành chính toàn diện nhằm giảm thời gian thông quan hàng hóa. Trong đó, tái thiết kế tổng thể hệ thống công nghệ thông tin ngành Hải quan, hướng tới Hải quan số, Hải quan thông minh", ông Tám nói.
Nêu quan điểm, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) cho rằng, ngành hải quan cần tiếp tục áp dụng thủ tục hải quan minh bạch, hiệu quả để giảm chi phí và tăng tính dự đoán. Nhanh chóng xây dựng và sử dụng các hệ thống trao đổi điện tử các dữ liệu giữa các doanh nghiệp hải quan và các cơ quan liên quan, trên nền tảng mạng một cửa quốc gia sẵn có và tiến tới trên nền tảng phần mềm hải quan miễn phí.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng, với hàng hóa vận chuyển qua đường hàng không có hơn 90% sản lượng hàng hóa quốc tế do các hãng hàng không nước ngoài đảm nhận việc vận chuyển. Nước ta chưa có đội máy bay chuyên chở hàng hóa, chỉ tận dụng vận chuyển hàng hóa cùng với máy bay chuyên chở hành khách... đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc vận chuyển hàng hóa của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
"Cần đa dạng hình thức vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu để tránh phụ thuộc, giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp. Trong xu thế chung của thế giới là phát triển chuỗi cung ứng toàn cầu, việc tăng thị phần vận chuyển hàng hóa quốc tế bằng đường hàng không tại thời điểm hiện tại là rất cần thiết", các chuyên gia nhìn nhận.