Cởi trói những 'rào cản' để khơi thông nguồn lực cho doanh nghiệp nhà nước
(DNTO) - "Để thúc đẩy doanh nghiệp nhà nước phát huy được thế mạnh, cần tháo gỡ những điểm nghẽn trong cơ chế, chính sách, từ đó đưa ra các định hướng, giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước trong phát triển kinh tế xã hội thời gian tới", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.
Nhận diện những điểm nghẽn
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp nhà nước về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội", ngày 24/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, hoạt động và đóng góp của khối doanh nghiệp nhà nước trong thời gian qua vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, nhất là nguồn lực đang nắm giữ và thị trường đang chi phối.
Cụ thể, các tập đoàn, tổng công ty về cơ bản chưa thực hiện được vai trò dẫn dắt, tạo động lực đối với nền kinh tế và năng lực cạnh tranh, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của các DNNN quy mô lớn vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu là lực lượng nòng cốt của kinh tế Nhà nước.
Bên cạnh đó, việc thực hiện các dự án đầu tư mới của doanh nghiệp nhà nước trong thời gian qua không được thúc đẩy. Việc tái cơ cấu toàn diện doanh nghiệp nhà nước mới chủ yếu tập trung sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn để có cơ cấu hợp lý hơn, mà chưa chú trọng thực hiện các định hướng, giải pháp đột phá về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao và một chiến lược kinh doanh dài hạn có tính khả thi cao.
Thủ tướng cũng đặt vấn đề về công tác quản trị doanh nghiệp nhà nước chậm được đổi mới, chưa theo kịp với quy mô tài sản doanh nghiệp quản lý. Thực tế cho thấy, cùng một chủ trương, cơ chế, chính sách nhưng có nơi thực hiện tốt, có nơi chậm trễ, có nơi làm không được, có nơi đùn đẩy trách nhiệm...Một số còn thiếu tầm nhìn chiến lược để phát triển doanh nghiệp nhất là tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu và vươn ra quốc tế.
Do đó, cần chỉ rõ nguyên nhân của tình trạng này, có phải do chính người đứng đầu tổ chức đó hay không? Hay do cơ chế, chính sách; hay sự phối hợp giữa các bộ, các ngành, hay do chỉ đạo? Những vấn đề yếu kém, vướng mắc chúng ta phải cố gắng tìm ra nguyên nhân để có giải pháp thích hợp.
"Rất cần nhận diện những điểm nghẽn trong cơ chế chính sách trong lĩnh vực này và tồn tại trong chính các doanh nghiệp để tìm giải pháp huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới”, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.
Để "kích hoạt" doanh nghiệp nhà nước phát huy hết tiềm năng?
Từ thực tiễn đó, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đề xuất một số định hướng để nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước.
Thứ nhất, nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn tới là tăng đầu tư, tăng đổi mới sáng tạo và áp dụng khoa học công nghệ, nâng cao hiệu quả hoạt động để doanh nghiệp nhà nước thực hiện vị trí, vai trò mở đường, dẫn dắt; cùng với khu vực tư nhân trong nước xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, có sức chống chịu tốt hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia hùng cường, thịnh vượng vào năm 2045 như Đại hội XIII đã xác định.
Thứ hai, cần gắn phát triển doanh nghiệp nhà nước với thực hiện chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Xác định rõ ngành, lĩnh vực then chốt cần có sự hiện diện của doanh nghiệp nhà nước phù hợp với định hướng phát triển bền vững của đất nước.
Thứ ba, cần thay đổi nhận thức, quan điểm về cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư nhà nước tại doanh nghiệp. Mục tiêu của cổ phần hóa, thoái vốn không phải là rút vốn nhà nước ra khỏi doanh nghiệp nhà nước, thu hẹp phạm vi, quy mô của khu vực doanh nghiệp nhà nước, mà tái cơ cấu lại danh mục đầu tư, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả và giá trị đầu tư của Nhà nước tại doanh nghiệp nói chung và của từng doanh nghiệp nhà nước nói riêng.
Thứ tư, xây dựng và phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia đồng bộ về doanh nghiệp nhà nước, tài sản Nhà nước để đánh giá, theo dõi và giám sát; qua đó, có định hướng phù hợp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước.
Thứ năm, các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cần phải thay đổi cách thức làm việc, chủ động thực hiện đầy đủ và hiệu lực các quyền chủ sở hữu tại doanh nghiệp theo quy định pháp luật và thông lệ quốc tế; không can thiệp vào quá trình điều hành, quản trị kinh doanh tại doanh nghiệp.
Thứ sáu, hoàn thiện công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước thông qua việc phân công một Bộ làm đầu mối quản lý nhà nước thực hiện giám sát hoạt động của cơ quan đại diện chủ sở hữu, xây dựng định hướng phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước.
Cùng với đó là xây dựng cơ chế giám sát và nâng cao hiệu quả giám sát hơn theo các phương thức; nghiên cứu cơ chế, chính sách tiền lương gắn với năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là đối với quản lý cấp cao của doanh nghiệp.
"Tôi hy vọng, sau hội nghị này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ có những quyết sách quan trọng, căn cơ để có thể "cởi trói", tạo động lực mạnh mẽ, khơi thông nguồn lực để doanh nghiệp nhà nước có thể đóng góp nhiều hơn nữa đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ mới", Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.