Quy hoạch, bổ nhiệm lãnh đạo chưa đúng người, đúng việc sẽ cản trở doanh nghiệp phát triển
(DNTO) - Công tác cán bộ còn nhiều hạn chế, bất cập là một trong những điểm nghẽn cản trở sức phát triển, khiến các doanh nghiệp nhà nước chưa phát huy được hết tiềm năng.
Ngày 4/11, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tổ chức hội thảo “Xây dựng đội ngũ lãnh đạo chủ chốt tại các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) ngang tầm nhiệm vụ: Thực trạng và giải pháp”.
Tuyển chọn nhân lực cấp quản lý chưa đủ độ mở để “hút” được người tài
Tại hội thảo, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương - Nguyễn Thành Phong, nhấn mạnh việc tuyển chọn nhân lực của cấp quản lý, quản trị doanh nghiệp chưa đủ độ mở để tuyển chọn được người tài giỏi đáp ứng được yêu cầu cạnh tranh quốc tế hiện nay.
Ông Phong chỉ ra một số chủ trương đổi mới về vấn đề cán bộ của Đảng chưa được thể chế hóa để đưa vào cuộc sống, như thực hiện việc tách người quản lý doanh nghiệp nhà nước khỏi chế độ viên chức, công chức. Hay, việc triển khai rộng rãi cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm qua thi tuyển cạnh tranh, công khai, minh bạch đối với tất cả các chức danh quản lý, điều hành và các vị trí công việc khác trong doanh nghiệp; việc thu hút và trọng dụng nhân tài theo hướng không phân biệt đảng viên hay người ngoài Đảng, người Việt Nam ở trong nước hay ở nước ngoài.
Ông Chu Đình Động, Trưởng Ban Tổ chức Đảng ủy Khối doanh nghiệp trung ương, cho biết vẫn còn một bộ phận cán bộ chủ chốt chưa đáp ứng yêu cầu về năng lực quản lý, điều hành; tầm nhìn và khả năng hoạch định chiến lược sản xuất kinh doanh còn hạn chế, có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, thiếu tinh thần trách nhiệm, cố ý làm trái, vi phạm pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng đến mức phải xử lý theo quy định.
Trong khi đó, công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp còn hạn chế. Việc bổ nhiệm cán bộ còn nể nang, ngại va chạm; tiêu chí đánh giá cán bộ chưa được lượng hóa cụ thể nên chưa sâu, chưa kịp thời đưa ra cảnh báo, ngăn chặn vi phạm của cán bộ; công tác nhân sự mới chỉ tập trung ở nhiệm vụ trước mắt mà chưa tính đến tầm nhìn dài hạn...
Hãy tìm kiếm người tài về lạm việc, thay bằng quy hoạch
Về giải pháp, ông Hoàng Đăng Quang, Phó Ban Tổ chức Trung ương cho rằng cần nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng; xây dựng được đội ngũ cán bộ, quản lý đủ phẩm chất, năng lực, uy tín trong điều hành sản xuất, kinh doanh hiệu quả và đạt từ 70%-80% số cán bộ có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.
Vấn đề đặt ra là phải cụ thể hóa cơ chế kiểm soát quyền lực, hoàn thiện các quy định về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan trong phòng, chống tha hóa quyền lực, nhằm góp phần ngăn chặn hiện tượng tha hóa trong một bộ phận cán bộ, đảng viên được giao quyền quản lý, điều hành doanh nghiệp,” ông Quang nhấn mạnh.
Ở góc độ chuyên gia, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) bày tỏ: Việt Nam cần nghiên cứu, học hỏi bài học kinh nghiệm của các tập đoàn đa quốc gia, tập đoàn tư nhân trong việc bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cán bộ. Đặc biệt cần xem xét bỏ quy hoạch cán bộ với lãnh đạo chủ chốt doanh nghiệp nhà nước.
Bởi theo ông Cung, quy hoạch cán bộ là chọn người thay thế trong tương lai. Nên nếu cứ theo quy trình là quy hoạch, bổ nhiệm thì sẽ không chọn được người tài, không chọn được những người lãnh đạo đổi mới, sáng tạo, dám chấp nhận rủi ro, người giỏi, mà chỉ chọn được người biết tuân thủ. Nếu lựa chọn như vậy sẽ mất đi cơ hội lựa chọn người tài trong xã hội, lãng phí nguồn lực. Vì vậy, thay vì quy hoạch, hãy làm chương trình, kế hoạch tìm kiếm tài năng, tìm người tài về làm việc cho mình, như các tập đoàn, công ty đa quốc gia đang làm.
Ông Cung nhấn mạnh, cần có thay đổi mang tính bước ngoặt, dứt khoát chuyển đổi sang cơ chế thị trường và công tác cán bộ, quản trị doanh nghiệp nhà nước phải thực hiện đúng nguyên tắc theo thông lệ quốc tế. Ông nêu ví dụ, với hơn 100 tỷ tài sản của doanh nghiệp nhà nước hiện nay, nâng cao hiệu quả thì chắc chắn tăng thêm 2-3 điểm % tăng trưởng về kinh tế...