Thu và chi ngân sách nửa cuối năm 'căng như dây đàn' vì Covid-19
(DNTO) - Khả năng miễn dịch cộng đồng còn xa do đại dịch Covid - 19 vẫn phức tạp nên vấn đề thu chi ngân sách cuối năm căng như dây đàn...
Trong báo cáo Thẩm tra sơ bộ về tình hình thực hiện Ngân sách Nhà nước 5 tháng, dự báo 6 tháng đầu năm 2021 và các giải pháp trong 6 tháng cuối năm 2021, Ủy ban Tài chính–Ngân sách Quốc hội lo ngại đợt bùng phát của đại dịch Covid-19 từ tháng 4 ở các khu công nghiệp, khu đô thị của một số địa phương và thành phố lớn vẫn phức tạp.
“Nếu không có các biện pháp kiểm soát nghiêm, chặt chẽ hơn trong điều kiện tiêm vaccine phòng Covid-19 chưa được triển khai rộng rãi thì sẽ tác động bất lợi đến tình hình sản xuất kinh doanh và kết quả thực hiện các nhiệm vụ thu, chi ngân sách Nhà nước những tháng cuối năm 2021”, ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính–Ngân sách nêu rõ.
Thu "lạc quan" trên nền thấp của năm 2020
Theo báo cáo của Chính phủ, thực hiện ngân sách Nhà nước trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2021 cho thấy, tổng thu 5 tháng đạt 667,9 nghìn tỷ đồng, bằng 49,7% dự toán. Thu ngân sách Nhà nước 6 tháng ước đạt trên 55% dự toán, thể hiện sự cố gắng, nỗ lực lớn của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
Cụ thể, đối với thu nội địa, số thu nội địa 5 tháng đầu năm đạt 48,8% dự toán, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2020; ước 6 tháng đạt 53,5% dự toán. Tiến độ các khoản thu quan trọng từ hoạt động sản xuất - kinh doanh của 3 khu vực kinh tế trong những tháng đầu năm 2021 đều tăng hai con số và cao hơn cùng kỳ năm trước.
Đối với thu từ dầu thô, trước tình hình giá dầu thô thế giới tăng mạnh bất chấp ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, giá dầu bình quân 5 tháng cao hơn 12,5 USD/thùng so với giá dự toán dẫn đến thu ngân sách 5 tháng đầu năm từ dầu thô đạt 68,8% dự toán và ước 6 tháng đạt 83,9% dự toán.
Đối với thu cân đối từ xuất, nhập khẩu, theo báo cáo của Chính phủ, thu ngân sách Nhà nước 5 tháng đầu năm từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 55,2% dự toán, tăng 30,1% và dự báo 6 tháng đạt 66,1% dự toán, tăng 30,7% so với cùng kỳ năm 2020. Kết quả đạt được trên là do tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu 5 tháng tăng cao hơn 32% so với cùng kỳ, nhất là tăng nhập khẩu một khối lượng lớn mặt hàng có thu cao như thép, ô tô nguyên chiếc, máy móc, thiết bị,...
Về chi ngân sách Nhà nước, theo báo cáo của Chính phủ, chi ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm ước thực hiện đạt 43% dự toán. Trong đó, chi đầu tư phát triển ước đạt 34,1% dự toán, bằng 99,4% so với cùng kỳ năm 2020, chi thường xuyên ước đạt 48,5% dự toán, bằng 98,7% so với cùng kỳ năm 2020.
Thu cổ phần hóa đạt thấp, nan giải nợ đọng thuế
Chỉ rõ bất cập trong công tác thu ngân sách những tháng đầu năm, báo cáo phân tích: Thứ nhất, công tác đánh giá, dự báo kết quả thu ngân sách Nhà nước còn chưa tích cực, làm cho việc lập dự toán thu ngân sách Nhà nước năm 2021 chưa sát với thực tế.
Việc lập dự toán thu ngân sách Nhà nước năm 2021 dựa trên cơ sở thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước đến tháng 9/2020 khi dự báo thu ngân sách Nhà nước năm 2020 bị hụt thu khá cao, do ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, thiên tai, bão lũ.
Vì vậy, khi nền kinh tế bắt đầu phục hồi từ quý 4/2020 đến tháng 4/2021, nhiều khoản thu đạt cao so với dự toán, dù góp phần tăng thu ngân sách Nhà nước nhưng cũng cho thấy kết quả này chưa phản ánh đúng mức dự báo về tác động của đại dịch Covid-19 đối với sự phát triển và tăng trưởng của nền kinh tế .
PGS. TS Vũ Sỹ Cường, chuyên gia tài chính công từng lên tiếng về việc lập dự toán ngân sách chưa đảm bảo tin cậy, chưa sát với quá trình thực hiện thực tế. Việc lên kế hoạch lập dự toán cần được tính toán và xem xét một cách kỹ lưỡng và cẩn trọng hơn.
5 tháng, số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nộp về quỹ mới đạt 228 tỷ đồng. Trong khi đó, dự kiến thu từ cổ phần hóa, thoái vốn từ quỹ nộp vào ngân sách nhà nước năm 2021 là 40.000 tỷ đồng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2021.
Thứ hai, thu từ cổ phần hóa, sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước đạt kết quả rất thấp. “Đây là vấn đề đã kéo dài 4-5 năm qua nhưng chưa có giải pháp mạnh để đẩy nhanh tiến độ thực hiện mục tiêu theo Nghị quyết của Trung ương”, ông Nguyễn Đức Hải lo ngại.
Dịch bệnh bùng phát trong phạm vi rộng và số doanh nghiệp rút khỏi thị trường tăng cao cũng tác động đến sản xuất kinh doanh và làm giảm thu ngân sách Nhà nước ở nhiều địa phương.
Thứ ba, tình trạng nợ đọng thuế tiếp tục tăng cao do tình trạng thất thu thuế, buôn lậu, gian lận thương mại, chuyển giá, trốn lậu thuế vẫn còn diễn ra phổ biến. Vì vậy, nợ đọng thuế có khả năng thu vẫn tăng cao hơn so với cùng kỳ năm 2020.
Ủy ban Tài chính–Ngân sách đề nghị Chính phủ cần có biện pháp quyết liệt để xử lý nghiêm và ngăn chặn tình trạng trốn lậu thuế, chống tình trạng chuyển giá. Đồng thời, sớm có biện pháp để quản lý thuế đối với các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử và kinh doanh trên nền tảng số, đặc biệt là đối với các nhà cung cấp ở nước ngoài…
Giải ngân vốn đầu tư công ì ạch
Bên cạnh đó, chi ngân sách Nhà nước cũng còn 2 tồn tại cần khắc phục. Theo Ủy ban Tài chính–Ngân sách, một là, việc triển khai phân bổ ngân sách còn chậm. Tổng số vốn đầu tư chưa phân bổ còn khoảng 12% kế hoạch. Dự toán chi thường xuyên còn lại chưa phân bổ của các Bộ, cơ quan trung ương khoảng 2,4 nghìn tỷ đồng.
Đặc biệt, vốn đầu tư phát triển của các Chương trình Mục tiêu Quốc gia đã được Quốc hội phân bổ 16.000 tỷ đồng, nhưng đến nay chưa được giao kế hoạch, không có khả năng giải ngân trong những tháng cuối năm 2021. Một số nhiệm vụ chi của các Bộ, ngành thuộc 21 Chương trình mục tiêu cũng chưa được lồng ghép, rà soát đưa vào nhiệm vụ chi thường xuyên của các Bộ, ngành, địa phương, dẫn đến không có khả năng thực hiện.
Hai, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công rất thấp. 6 tháng, tỷ lệ giải ngân đạt 34,15% kế hoạch, thấp hơn cùng kỳ năm 2020, nhất là vốn ngoài nước ước đạt xấp xỉ 18,39% kế hoạch. Nhiều bộ, địa phương giải ngân rất thấp.
“Ngoài nguyên nhân khách quan do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại khiến giá nguyên vật liệu tăng, nhất là giá thép xây dựng, công trình tạm ngừng thi công do đại dịch Covid-19 thì nguyên nhân chính nhiều năm chưa được khắc phục là do khó khăn trong tổ chức thực hiện. Cụ thể, về công tác đấu thầu, giải phóng mặt bằng, phân bổ, giao vốn, điều chỉnh vốn chậm”, Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội nhận định.
Tại Báo cáo Thẩm tra sơ bộ đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2021 và giải pháp chủ yếu những tháng cuối năm do Ủy ban Kinh tế Quốc hội cũng lo ngại việc giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách trung ương 5 tháng đầu năm 2021 còn chậm. Đề nghị làm rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chậm giải ngân vốn đầu tư công, đồng thời, đánh giá khả năng hoàn thành công tác giải ngân trong năm 2021.
Thu chi ngân sách "căng như dây đàn"
Theo đánh giá, tiến độ tiêm vaccine hiện nay còn chậm và khả năng đạt mức miễn dịch cộng đồng còn khá xa. Vì vậy, các chuyên gia kinh tế cho rằng Việt Nam vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, ảnh hưởng đến thu ngân sách Nhà nước trong khi nhu cầu chi rất lớn và cần tập trung nguồn lực để phòng, chống dịch.
Để hoàn thành thu - chi ngân sách Nhà nước, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế, Ủy ban Tài chính Ngân sách kiến nghị Chính phủ tăng cường công tác dự báo, bổ sung các số liệu ước thực hiện của cả năm.
Đồng thời, có cảnh báo về các yếu tố tăng, giảm số thu ngân sách Nhà nước, mức trần nợ công, từ đó có biện pháp điều hành thu - chi ngân sách Nhà nước kịp thời, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế và đảm bảo mức trần nợ công theo Nghị quyết của Quốc hội.
Trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh diễn biến khó lường như hiện nay, việc đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2021 khoảng trên 6% như Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm rất lớn của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
Căn cứ diễn biến thực tế của tình hình dịch Covid-19, Ủy ban Tài chính Ngân sách đề xuất “có thể trình Quốc hội xem xét điều chỉnh các chỉ tiêu, nhiệm vụ hoặc giải pháp cụ thể để tạo cơ sở tăng thu ngân sách.
Kiểm soát chặt chẽ các nhiệm vụ chi, thu hồi các khoản chi chưa thực sự cần thiết, ưu tiên cho những nhiệm vụ cấp bách, nhất là các khoản chi cho công tác phòng chống dịch, mua đủ lượng vaccine để hướng tới mục tiêu “miễn dịch cộng đồng”, tạo điều kiện để thúc đẩy phát triển sản xuất - kinh doanh và dịch vụ”.
Đồng thời, điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ chủ động, thận trọng; điều hành giá cả linh hoạt trên cơ sở dự báo cung - cầu thị trường nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tháo gỡ những vướng mắc trong việc mua sắm công, nhất là tài sản trang thiết bị của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Thúc đẩy giao vốn và giải ngân vốn đầu tư công đúng tiến độ; kịp thời điều chuyển vốn đầu tư công theo quy định của Luật Đầu tư công để sử dụng có hiệu quả nguồn vốn này; khắc phục tình trạng chuyển nguồn quá lớn, trả lại vốn đầu tư công và sử dụng vốn đầu tư kém hiệu quả.