Đề xuất dùng ngân sách 'tồn' từ gói 62.000 tỷ hỗ trợ người lao động
(DNTO) - Tổng liên đoàn lao động Việt Nam kiến nghị dùng số tiền chưa dùng của gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng để chi trực tiếp cho công nhân là F0 hoặc phải nghỉ việc vì cách ly trong đợt dịch này.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo và kiến nghị hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 lần thứ 4.
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, làn sóng dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, đã bùng phát và lây lan nhanh trong công nhân lao động, nhất là một số doanh nghiệp, khu công nghiệp tập trung đông công nhân.
Đến nay, theo báo cáo của các cấp công đoàn, cả nước đã có hàng nghìn ca dương tính với SARS-CoV-2, hàng vạn F1, hàng chục vạn F2 là công nhân, viên chức, lao động. Con số này vẫn đang tiếp tục tăng lên hàng ngày.
Đã có hàng trăm doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, đe dọa đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất. Hàng trăm nghìn người lao động phải nghỉ việc, mất việc làm do bị cách ly, nằm trong khu vực phong tỏa hoặc do doanh nghiệp dừng hoạt động.
Trước tình hình trên, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các địa phương phối hợp với tổ chức công đoàn và các cơ quan, doanh nghiệp chăm lo đảm bảo an toàn cho công nhân lao động đang điều trị, cách ly hoặc đang phải nghỉ việc do doanh nghiệp ngừng hoạt động.
Từ đó duy trì cuộc sống và sinh hoạt ở mức cần thiết; hỗ trợ đặc biệt đối với các công nhân đang mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn lao động, đang mang thai hoặc nuôi con nhỏ.
Đồng thời, kiến nghị Chính phủ có chủ trương cho phép sử dụng số kinh phí còn lại của ngân sách Nhà nước chưa thực hiện của gói hỗ trợ theo Nghị quyết 42/NQ-CP (gói 62.000 tỷ đồng) để hỗ trợ trực tiếp cho người lao động bị ảnh hưởng đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 tại các khu công nghiệp.
Đặc biệt là các đối tượng người lao động là F0 đang điều trị bệnh; người lao động đang phải nghỉ việc trong các khu cách ly tập trung, cách ly tại nhà, hoặc đang cư trú trong các khu vực phong tỏa y tế.
Nội dung hỗ trợ có thể là tiền lương ngừng việc hoặc miễn phí tiền ăn, tiền sinh hoạt, chi phí xét nghiệm và test nhanh Covid-19 mà người lao động đang phải trả theo Nghị quyết số 16/NQ-CP về chi phí cách ly y tế, khám, chữa bệnh và một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19.
Đặc biệt, Tổng liên đoàn Lao động cùng Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng đề nghị doanh nghiệp mua vaccine cho công nhân, nhằm sớm đưa doanh nghiệp về trạng thái hoạt động bình thường, tránh làm đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất và phục hồi kinh tế. Công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp căn cứ nguồn tài chính, đóng góp một phần kinh phí cùng doanh nghiệp mua vaccine để kịp thời tiêm phòng dịch cho người lao động.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có chính sách cho phép doanh nghiệp được hạch toán kinh phí mua vaccine phòng Covid-19 cho công nhân lao động hoặc kinh phí tài trợ cho Quỹ vaccine vào chi phí hợp lý, hợp lệ của doanh nghiệp để tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
Theo Nghị quyết Chính phủ hồi tháng 2, công nhân không nằm trong danh sách ưu tiên tiêm vaccine. Song diễn biến dịch tại Bắc Ninh, Bắc Giang và trước đó là Hải Dương cho thấy công nhân khu công nghiệp thuộc nhóm dễ lây nhiễm, tốc độ lây nhanh và có thể lan rộng trong cộng đồng. Tổng liên đoàn và nhiều hiệp hội doanh nghiệp thời gian qua đã đề nghị bổ sung công nhân vào nhóm được ưu tiên tiêm vaccine Covid-19 và Chính phủ đã đồng ý.
Hiện tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh bắt đầu tiêm vaccine cho công nhân. Bắc Ninh lên kế hoạch tiêm cho 90.000 công nhân trên địa bàn, con số này ở Bắc Giang là 150.000.