Quỹ tỷ USD mua vaccine Covid-19: Lập tài khoản để người dân đóng góp
(DNTO) - Chiều 27/5, ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính) đã có những chia sẻ xung quanh việc thành lập Quỹ vaccine phòng Covid-19.
Ông Hưng cho biết, thực hiện kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng về chủ trương mua vaccine ngừa Covid-19 cho nhân dân từ nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) và các nguồn tài chính hợp pháp khác, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 21/NQ-CP về mua và sử dụng vắc xin phòng Covid-19, trong đó quy định nguồn kinh phí thực hiện bao gồm: Nguồn NSNN đảm bảo theo phân cấp NSNN; nguồn viện trợ, tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác; nguồn do các tổ chức, cá nhân sử dụng vaccine tự nguyện chi trả.
Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã trình và Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Quỹ vaccine ngừa Covid-19 vào ngày 26/5.
Theo tính toán của Bộ Y tế, dự kiến mua 150 triệu liều vaccine phòng Covid-19 để tiêm phòng cho khoảng 75 triệu người, với tổng nhu cầu kinh phí ước khoảng 25,2 nghìn tỷ đồng. Trong đó: kinh phí mua vaccine khoảng 21 nghìn tỷ đồng; kinh phí vận chuyển, bảo quản, phân phối, tổ chức tiêm chủng khoảng 4,2 nghìn tỷ đồng.
Ông Võ Thành Hưng cho biết: Quỹ sẽ tiếp nhận, quản lý sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác để hỗ trợ, tài trợ cho các hoạt động mua và sử dụng vaccine phòng Covid-19 theo quy định.
Trên cơ sở quyết định thành lập Quỹ, Bộ Tài chính sẽ khẩn trương ban hành cơ chế hoạt động của quỹ, quy chế tổ chức, hoạt động, quản lý và sử dụng Quỹ.
Theo đó, Quỹ sẽ có tài khoản ngân hàng, thiết lập bộ máy quản lý, trên cơ sở đó sẽ huy động các nguồn lực của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đóng góp cho Quỹ.
“Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Tài chính làm việc với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Y tế để chuyển những khoản tiền các doanh nghiệp thời gian qua đã hỗ trợ mua vaccine vào Quỹ này”, lãnh đạo Vụ Ngân sách Nhà nước cho biết.
Đề cập quy trình tiếp nhận ủng hộ, lãnh đạo Vụ Ngân sách nhà nước chia sẻ: Khi thành lập quỹ, chúng tôi sẽ thành lập cơ chế quản lý quỹ và xác định tài khoản của Quỹ. Theo đó, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể chuyển tiền qua hệ thống ngân hàng vào tài khoản của quỹ mở tại các ngân hàng thương mại lớn. Chúng tôi có trách nhiệm công khai việc đóng góp của các tổ chức cá nhân, có thể trên website của Kho bạc nhà nước và các website của Bộ Tài chính. Như vậy, sẽ hoàn toàn đảm bảo công khai, minh bạch.
“Chúng tôi đang khẩn trương dự thảo quy chế này. Trong trường hợp cần thiết sẽ xin ý kiến thêm của Bộ Y tế, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để hoàn thiện. Chậm nhất đầu tuần sau, chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan đơn vị để ban hành quy chế này”, ông Võ Thành Hưng nói.
Trong thời gian chờ quy chế, người dân, doanh nghiệp vẫn có thể tiếp tục đóng góp ủng hộ việc mua vaccine thông qua Bộ Y tế. Sau đó Bộ Tài chính sẽ làm việc với Bộ Y tế để chuyển các số tiền này vào Quỹ.
Bộ Tài chính được Thủ tướng Chính phủ giao quản lý tài chính của Quỹ. Việc sử dụng sẽ căn cứ theo nhu cầu mua vaccine thực tế. Bộ Tài chính sẽ báo cáo Thủ tướng và Thủ tướng ra quyết định. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính xuất tiền từ Quỹ để mua vaccine.
Vậy các địa phương lập quỹ này có được không? Đưa ra quan điểm về vấn đề này, lãnh đạo Vụ Ngân sách nhà nước cho rằng: Hiện tại việc mua vaccine phòng Covid-19 được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế là cơ quan đầu mối. Tôi thiết nghĩ các đơn vị ở địa phương không nhất thiết phải thành lập Quỹ này.
Tuy nhiên, người dân, doanh nghiệp địa phương vẫn có thể hỗ trợ chính quyền địa phương để phòng chống dịch Covid-19, bởi vì theo nghị quyết 21 của Chính phủ, các đại phương cũng có trách nhiệm chia sẻ gánh nặng với ngân sách trung ương. Phần đóng góp của người dân, doanh nghiệp vẫn có thể gửi trực tiếp vào ngân sách nhà nước như một khoản tài trợ cho ngân sách mà không nhất thiết phải thành lập quỹ.