Khẩn trương tiêm vaccine phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò
(DNTO) - "Để đảm bảo mục tiêu "kép" vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế, đảm bảo tốc độ tăng trưởng chăn nuôi, các địa phương cần sớm phê duyệt kinh phí, xây dựng kế hoạch tiêm phòng vaccine bệnh viêm da nổi cục" - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Tại hội nghị trực tuyến về phòng, chống dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 27/5, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nêu rõ, nguy cơ dịch bệnh viêm da nổi cục tiếp tục phát sinh, lây lan diện rộng trong thời gian tới là rất cao do thời tiết thay đổi tạo điều kiện thuận lợi cho các vật chủ trung gian truyền bệnh phát triển như: ruồi, muỗi, ve, mòng…
"Từ thực tế triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh viêm da nổi cục trong thời gian qua cho thấy, nếu các địa phương thực hiện tốt việc tiêm vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục, đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng đạt tối thiểu trên 80% sẽ là cách nhanh và hiệu quả nhất để dập dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò" - ông Tiến nhận định.
Theo Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), những tỉnh thực hiện tốt công tác tiêm vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục (tiêm đạt trên 80% tổng đàn gia súc) như Sơn La, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi… đã ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh.
Nhờ tiêm vaccine, số ổ dịch trên địa bàn giảm rõ rệt từ 30 đến 60% và không phát sinh thêm gia súc mắc bệnh. Ngược lại, những tỉnh có tỷ lệ tiêm vaccine chưa đạt ngưỡng này đã gặp hậu quả nặng nề.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, Bộ NN&PTNT đang phối hợp cùng chính quyền các tỉnh, thành sử dụng nhiều biện pháp song song để phòng, chống dịch. Trong đó gồm: Rà soát sớm, khoanh vùng ổ dịch; Phun sát trùng, khử véc-tơ truyền bệnh như ve, mò...; Kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, giết mổ trâu, bò ở địa phương, đặc biệt là các tỉnh có chợ gần biên giới.
"Bộ NN&PTNT hiện cho nhập 3 loại vaccine của 3 nhà sản xuất tại Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập, số lượng là 4,12 triệu liều, bảo đảm đủ tiêm phòng cho trên 50% tổng đàn trâu, bò của Việt Nam. Dù vậy, tỷ lệ tiêm của các cơ sở, giữa các tỉnh, thành không đồng đều" - thứ trưởng nêu rõ.
Theo ông Nguyễn Văn Long - Phó cục trưởng Cục Thú y, tính đến ngày 10/5, các doanh nghiệp đã nhập khẩu trên 2,7 triệu liều vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục; đã cung ứng trên 2 triệu liều cho các địa phương và các doanh nghiệp chăn nuôi trâu, bò. Hiện tại, còn trên 700 nghìn liều đang được bảo quản và dự kiến trong thời gian tới, các doanh nghiệp tiếp tục nhập khẩu trên 3 triệu liều để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh.
"Vaccine đáp ứng miễn dịch phòng bệnh có hiệu quả sau 21 ngày tiêm nên các địa phương phải tổ chức tiêm phòng sớm, không nên để có dịch mới tổ chức tiêm phòng. Đồng thời, tổ chức tiêm phòng đồng loạt, hoàn thành trong thời gian sớm nhất. Trâu, bò có thể tiêm phòng ở bất kỳ giai đoạn nào, kể cả đang mang thai, thậm chí nếu đủ kinh phí, có thể tiêm cho bê, nghé từ một tháng tuổi" - ông Long nhấn mạnh.
Là một trong những doanh nghiệp được phép nhập khẩu vaccine viêm da nổi cục, ông Nguyễn Văn Bách - Giám đốc Công ty Cổ phần Kinh doanh Thuốc thú y Amavet cho biết, hiện chăn nuôi trâu, bò chủ yếu là nông hộ nhưng việc tiếp cận được vaccine phụ thuộc vào chính sách của các tỉnh. Doanh nghiệp không thể cung cấp với số lượng nhỏ tới từng hộ dân bởi chi phí sẽ tăng rất cao, mà cần có sự đặt hàng của địa phương.
"Hiện nhiều địa phương chưa có kế hoạch đặt mua vaccine nên doanh nghiệp rất khó có thể nhập khẩu. Trong khi đó, việc nhập khẩu vaccine cũng cần có thời gian để đối tác cung cấp. Do vậy, các tỉnh cần có kế hoạch sớm để doanh nghiệp chủ động nhập khẩu, đồng thời chủ động phòng, chống dịch" - ông Bách chia sẻ.
Theo Cục Thú y, hiện cả nước có 1.388 ổ dịch viêm da nổi cục ở đàn gia súc chưa qua 21 ngày tại 200 huyện của 27 tỉnh, thành phố với 48.465 con gia súc mắc bệnh và 7.027 con gia súc chết, tiêu hủy.