Khẩn trương ngăn chặn sự lây lan bệnh viêm da nổi cục ở gia súc
(DNTO) - Tình hình dịch bệnh viêm da nổi cục đang diễn biến phức tạp trên đàn gia súc ở nhiều địa phương, ảnh hưởng trực tiếp tới ngành chăn nuôi. Các ngành chức năng đang tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp kiểm soát dịch bệnh, ngăn ngừa sự lây lan, bùng phát bệnh trên diện rộng.
Theo Cục Thú y, hiện trên cả nước xảy ra 950 ổ dịch bệnh viêm da nổi cục tại 917 xã thuộc 151 huyện của 25 tỉnh, thành phố với tổng số gia súc mắc bệnh là 22.397 con; trong đó đã tiêu hủy 1.761 con. Dịch bệnh xảy ra nặng ở các địa phương như Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thanh Hóa...
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, ngay khi dịch bệnh xảy ra, ngành đã đánh giá rất nhanh đặc điểm dịch tễ và nhập vaccine. Đến nay, việc tiêm vaccine cho kết quả miễn dịch cao. Tuy nhiên, để sớm có nguồn kinh phí này, địa phương cần sớm tham mưu, trình Hội đồng Nhân dân tỉnh.
"Ngay khi bệnh mới diễn ra ở các nước trong khu vực, Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT ban hành nhiều văn bản chỉ đạo trong phòng, chống dịch bệnh như: nghiêm cấm mọi hình thức vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia súc, sản phẩm của gia súc nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc… cũng như kiểm tra việc phòng, chống dịch bệnh" - ông Tiến cho biết.
Ông Tiến cho biết, hiện đã có 2 doanh nghiệp đăng ký nhập khẩu khẩn cấp vaccine viêm da nổi cục. Bộ NN&PTNT cho phép nhập khẩu, sử dụng 3 loại vaccine của 3 nhà sản xuất tại Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập với số lượng trên 4,1 triệu liều; trong đó trên 1 triệu liều đã được phân bổ về các địa phương.
“Trong lúc phục hồi dịch tả lợn châu Phi, bộ đã chỉ đạo tập trung phát triển đàn dê, trâu, bò... nên việc phòng chống bệnh viêm da nổi cục phải đặt cao hơn một bậc” - thứ trưởng nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Văn Long - Phó cục trưởng Cục Thú y, bệnh có tính chất theo mùa, nhất là giai đoạn hiện nay. Dịch bệnh đã lây lan ở phạm vi rộng thì số lượng địa phương cũng như số gia súc nhiễm bệnh cũng sẽ gia tăng mạnh. Với loại bệnh này, đòi hỏi các địa phương phải tổ chức tốt việc giám sát, phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo và xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh, không để lây lan diện rộng.
“Nếu chần chừ trong việc công bố, giám sát dịch bệnh thì sẽ dẫn tới các biện pháp phòng, chống không được triển khai, dịch bệnh sẽ dây dưa kéo dài” - ông Long cho hay.
Bên cạnh đó, do bệnh lây lan chính qua đường côn trùng đốt như ruồi, muỗi, ve, mòng… nên việc vệ sinh, sát trùng, tiêu độc, có giải pháp ngăn chặn, tiêu diệt đối tượng truyền bệnh trung gian là yếu tố quan trọng để kiểm soát được bệnh.
"Nhờ có vaccine nên một số địa phương đã từng có tình trạng dịch bệnh trầm trọng như Ninh Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh... đạt hiệu quả trong phòng, chống dịch bệnh. Dự kiến trong tháng 5 này, các doanh nghiệp tiếp tục nhập khẩu trên 1 triệu liều, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh..." - ông Long nói.
Để chủ động trong tổ chức phòng, chống bệnh viêm da nổi cục, các địa phương cần có kế hoạch và bố trí kinh phí gồm: kinh phí mua vaccine để tiêm phòng, bảo đảm tỷ lệ tiêm phòng đạt tối thiểu trên 80% số gia súc thuộc diện tiêm phòng; kinh phí chi trả công tiêm phòng; kinh phí mua thuốc diệt côn trùng… tại các nơi đang có dịch, nơi có nguy cơ cao. Đặc biệt, để bảo đảm có đủ lượng vaccine cung ứng cho việc phòng, chống dịch bệnh, địa phương cần có kế hoạch và đăng ký với đơn vị nhập khẩu, để cung ứng kịp thời, đầy đủ.
Bộ NN&PTNT cho rằng, vì bệnh viêm da nổi cục là bệnh mới xuất hiện tại Việt Nam, nhiều địa phương chưa có kế hoạch, chưa bố trí kinh phí cho phòng, chống dịch bệnh; trong đó có kinh phí mua vaccine và tổ chức tiêm phòng khẩn cấp, trường hợp kinh phí phòng, chống dịch bệnh động vật vượt khả năng cân đối ngân sách của địa phương, UBND cấp tỉnh báo cáo bằng văn bản, gửi Bộ NN&PTNT và Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
"Bộ NN&PTNT cũng đang phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu về dịch tễ, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, nghiên cứu, sản xuất vaccine..." - Bộ NN&PTNT cho hay.