Cần tăng tốc tháo gỡ những 'nút thắt' làm chậm tiến độ cổ phần hoá, thoái vốn tại doanh nghiệp
(DNTO) - Dù đã có chủ trương cổ phần hóa và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước nhưng đến nay, tiến độ cổ phần hóa còn quá chậm. Để chấm dứt tình trạng này, cần đồng bộ nhiều giải pháp, đặc biệt phải mạnh tay xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân "đủng đỉnh" thực hiện cổ phẩn hóa.
Ì ạch cổ phần hoá, thoái vốn
Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước được coi là nhiệm vụ trọng tâm nhằm sử dụng vốn có hiệu quả, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách Nhà nước, đồng thời giảm các khoản nợ công của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế. Tuy nhiên, dù Chính phủ, các cơ quan chức năng đã nhiều lần nhắc nhở, đề ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn nhưng vẫn còn hiện tượng một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước chưa thực sự nghiêm túc triển khai kế hoạch cổ phần hóa theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, dẫn đến tiến trình cổ phần hóa hiện vẫn rất chậm.
Theo báo cáo mới đây của Cục Tài chính Doanh nghiệp về tình hình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và tình hình thu từ cổ phần hóa, trong 8 tháng đầu năm 2021, số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nộp về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp là 366 tỷ đồng.
Cục Tài chính Doanh nghiệp cũng cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2021, các cơ quan, đơn vị tiếp tục triển khai thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn đối với các đơn vị chưa hoàn thành theo kế hoạch giai đoạn 2016 – 2020 (cổ phần hóa 89 đơn vị, thoái vốn khoảng 250 đơn vị).
Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn theo kế hoạch chiếm tới 60% kế hoạch cổ phần hóa còn lại của giai đoạn 2016 - 2020 đang tập trung tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM – nơi đang phải thực hiện giãn cách nghiêm ngặt vì dịch bệnh Covid-19 trong thời gian dài nên chưa thể triển khai thực hiện công tác thẩm định giá, xác định giá trị doanh nghiệp, phần vốn Nhà nước theo quy định.
Lý giải thêm về nguyên nhân của tình trạng này, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh đánh giá một trong những vướng mắc lớn nhất của quá trình cổ phần hoá là khó khăn khi xác định tài sản doanh nghiệp, đặc biệt là tài sản đất đai cùng các phương án sử dụng đất, chào bán cổ phần…
Bởi nếu không thận trọng sẽ dẫn đến thất thoát tài sản Nhà nước như không ít trường hợp đã xảy ra. Trong khi đó, hiện chưa có giải pháp căn cơ để gỡ vướng mắc này dù đã có không ít kiến nghị liên quan đến cơ chế phối hợp nhằm đánh giá nhu cầu của nhà đầu tư, định giá cổ phiếu phát hành lần đầu… sao cho hợp lý nhất.
“Cùng với các vấn đề về tài chính, lao động thì xử lý đất đai là chuyện đau đầu nhất trong cổ phần hoá. Có tình huống doanh nghiệp kinh doanh không đúng ngành nghề, đem đất cho thuê nên việc xác lập hồ sơ pháp lý đất đai khá phức tạp. Cũng có trường hợp tranh chấp đất đai, buộc phải xin ý kiến nhiều cấp từ tỉnh, thành phố, trung ương… dẫn đến kéo dài thời gian so với quy định”, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh nhấn mạnh.
Nhiều người còn đùn đẩy, né tránh, cố tình chậm tiến độ. Trong khi chế tài chưa đủ mạnh, dẫn đến dù đã có kế hoạch nhưng không ít cá nhân, tổ chức vẫn “đủng đỉnh”. Chính “khoảng trống” xử lý trách nhiệm này vô hình chung là “điểm nghẽn” kéo chậm tiến độ cổ phần hóa trong thời gian qua.
Hai kịch bản cho công tác cổ phần hóa, thoái vốn năm 2021
Có thể thấy số lượng doanh nghiệp cần thoái vốn trong năm nay là rất lớn. TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, để đạt được mục tiêu cần sự nỗ lực tối đa của các bộ, ngành liên quan. Đồng thời Chính phủ cần phải đẩy mạnh hơn nữa quá trình cổ phần hóa, bởi đây là điều cần thiết để đưa nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng.
Đưa ra 2 kịch bản tình huống cho công tác cổ phần hóa, thoái vốn năm 2021, Cục Tài chính Doanh nghiệp cho rằng, ở kịch bản thứ nhất, đến hết quý 3/2021, dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát tại Việt Nam.
Với tình huống này, trong giai đoạn đầu, do nới lỏng phong tỏa nên sẽ tập trung triển khai thoái vốn Nhà nước đối với các doanh nghiệp đã bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC) tại một số doanh nghiệp đã niêm yết trên thị trường chứng khoán, thực hiện theo hình thức khớp lệnh trực tiếp trên sàn giao dịch chứng khoán.
Ở kịch bản thứ 2, dịch bệnh kéo dài đến hết năm 2021. Trong tình huống này, do phong tỏa, giãn cách tại một số địa phương lớn nên việc triển khai công tác cổ phần hóa, thoái vốn không thực hiện được.
Căn cứ thực tế diễn biến của tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện nay, Cục Tài chính Doanh nghiệp cho rằng, năm 2021 sẽ theo tình huống 2; theo đó, kế hoạch thu từ cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp Trung ương nộp về Ngân sách Nhà nước trong năm 2021 sẽ không đạt 40.000 tỷ đồng.
Đồng thời, để "thúc" cổ phần hóa, thoái vốn tại các doanh nghiệp giai đoạn 2021 – 2025 đạt kế hoạch là 248.000 tỷ đồng, Cục Tài chính Doanh nghiệp đã báo cáo Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp cụ thể.
Về công tác thoái vốn, Cục Tài chính Doanh nghiệp đề nghị giao Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo SCIC xây dựng lộ trình, kế hoạch triển khai thực hiện thoái vốn Nhà nước tại 6 doanh nghiệp trong năm 2022 nhằm đáp ứng nhiệm vụ cân đối tiền thu từ bán vốn Nhà nước nộp về Ngân sách Nhà nước. Giao các Bộ Công thương, Bộ Xây dựng thực hiện bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp đã cổ phần hóa về SCIC.
Đối với địa phương, Cục Tài chính Doanh nghiệp đề nghị UBND các tỉnh, thành phố còn doanh nghiệp thuộc diện cổ phần hóa, thoái vốn theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ giao. Xây dựng kế hoạch, lộ trình cổ phần hóa, thoái vốn, trong đó nêu rõ kế hoạch cân đối nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn vào ngân sách địa phương tương ứng thuộc giai đoạn 2022 - 2025.
Ngoài ra, việc triển khai cổ phần hóa, thoái vốn còn phụ thuộc vào thị trường nên cần lựa chọn thời điểm bán cổ phần hợp lý để đem lại hiệu quả. Theo đó, Cục Tài chính Doanh nghiệp kiến nghị việc giao kế hoạch thu Ngân sách Nhà nước từ nguồn cổ phần hóa, thoái vốn cần căn cứ thực tế triển khai tại các doanh nghiệp theo nguyên tắc chỉ tính kế hoạch thu vào Ngân sách Nhà nước đối với các doanh nghiệp đã cơ bản hoàn thành đến giai đoạn phê duyệt phương án cổ phần hóa, các doanh nghiệp đã được chuyển về SCIC để thực hiện thoái vốn để xác định số thu về Ngân sách Nhà nước từ công tác cổ phần hóa, thoái vốn và kết quả công tác này cần được đánh giá theo cả giai đoạn (2021 - 2025).
Các bộ, ngành, địa phương, tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản Nhà nước trong quá trình sắp xếp, cổ phần hóa và quản lý, sử dụng vốn Nhà nước. Bổ sung nội dung kiểm tra, thanh tra trách nhiệm người đứng đầu đơn vị trong việc chấp hành kỷ luật hành chính khi thực hiện kế hoạch cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Kiên quyết không để tình trạng cổ phần hóa mãi “ì ạch” như thời gian qua.