Căng thẳng Nga – Ukraine kéo dài có thể khiến Việt Nam gặp khó khăn về nguồn cung

(DNTO) - Hiện Nga và Ukraine là nguồn cung dầu mỏ và các sản phẩm nguyên liệu như lúa mì, ngô, phân bón lớn trên thế giới. Do đó, nếu xung đột giữa Nga và Ukraine kéo dài có thể khiến nhiều nước, trong đó có Việt Nam gặp khó khăn về nguồn cung các nguyên, nhiên liệu.

Căng thẳng giữa Nga và Ukraine có thể ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động giao thương giữa doanh nghiệp Việt Nam với đối tác tại các nước này. Ảnh: T.L.
Theo Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công thương), Nga và Ukraine đều là những đối tác thương mại truyền thống và quan trọng của Việt Nam tại khu vực Á - Âu.
Kim ngạch nhập khẩu giữa Việt Nam và Nga trong 2 tháng đầu năm 2022 lên tới hơn 1 tỷ USD, USD (xuất khẩu đạt 555,3 triệu USD, chiếm 1,03% kim ngạch xuất khẩu cả nước; nhập khẩu đạt 446,2 triệu USD, chiếm 0,8% nhập khẩu cả nước).
Đối với thị trường Ukraine, trong 2 tháng đầu năm, thương mại giữa Việt Nam và Ukraine là 65,9 tỷ USD (xuất khẩu đạt 57,5 triệu USD, chiếm 0,11% kim ngạch xuất khẩu cả nước; nhập khẩu đạt 8,4 triệu USD).
Vì vậy, theo Vụ thị trường châu Âu – châu Mỹ, nếu xung đột Nga - Ukraine tiếp tục kéo dài, chắc chắn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương mại song phương giữa Việt Nam và hai nước trên.
Hiện Việt Nam nhập khẩu từ Nga và Ukraine nhiều nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp trong nước như lúa mì (khoảng 1 triệu tấn, chiếm khoảng 20% tổng nhập khẩu lúa mì), ngô (3% tổng nhập khẩu ngô); phân bón (10% tổng nhập khẩu phân bón).
Trong khi đó, xung đột giữa Nga và Ukraine là nguyên nhân làm tăng giá một số mặt hàng nhiên liệu, nguyên liệu phục vụ sản xuất, tiêu dùng như khí đốt - dầu mỏ, nhôm, lúa mỳ, ngô… do thị phần sản xuất và xuất khẩu của các nước trên rất lớn.
Thực tế, theo báo cáo mới đây của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện giá lúa mì, ngô tăng khoảng 10-20%, phân bón tăng hơn 20%, là áp lực rất lớn đến doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp của Việt Nam.
Cuộc xung đột Nga – Ukraine dẫn đến việc hợp đồng thương mại giữa doanh nghiệp Việt Nam với đối tác tại nước này bị gián đoạn khi có sử dụng đồng USD để thanh toán. Cùng với việc nhiều ngân hàng Nga liên tiếp bị loại khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT, khiến doanh nghiệp doanh nghiệp nhập khẩu đầu vào của Việt Nam phải dừng giao dịch với Nga và chuyển sang tìm nhà cung ứng từ Úc, Nam Mỹ, Nam Phi.
Việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa từ Việt Nam sang Nga cũng khó khăn khi nhiều hãng tàu đã từ chối nhận đơn hàng; cộng thêm giá cước vận tải, logistics tiếp tục tăng cao sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng chảy thương mại hàng hoá.

Hiện giá phân bón nhập khẩu từ Nga và Ukraine đã tăng 20%, gây áp lực cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Ảnh: T.L.
Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn, tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, vì vậy, những bất ổn của kinh tế - chính trị thế giới sẽ tác động không nhỏ đến Việt Nam và Việt Nam hoàn toàn không thể miễn nhiễm với những biến động đó. Tuy nhiên, quan trọng là Việt Nam cần theo dõi sát sao tình hình kinh tế - chính trị toàn cầu để có những dự báo kịp thời và cần chuẩn bị cho kế hoạch thích ứng linh hoạt.
Để hỗ trợ doanh nghiệp hạn chế rủi ro trong thương mại với các đối tác quốc tế trong bối cảnh nhiều biến động bởi đại dịch và căng thẳng chính trị, Bộ Công thương cho biết đã có văn bản khuyến nghị các hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp xuất khẩu áp dụng các phương thức thanh toán an toàn hơn, cân nhắc chọn các ngân hàng thanh toán, đặc biệt là trong bối cảnh cấm vận, trước khi giao kết hợp đồng với khách hàng nước ngoài.
Ngoài ra, Bộ cũng đã chỉ đạo các thương vụ tại các nước châu Âu đặt trách nhiệm cao nhất trong việc hỗ trợ doanh nghiệp đang khó khăn trong hoạt động xuất nhập khẩu với Nga và Ukraine, tìm cách chuyển hướng sang các thị trường phù hợp.
Riêng với các doanh nghiệp Việt đang có hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu với thị trường Nga và Ukraine, cần chủ động làm việc với các đối tác về thanh toán, tiến độ giao hàng… để tránh rủi ro, đảm bảo quyền lợi.
Bên cạnh đó, hiện Việt Nam đã có tới 15 Hiệp định thương mại tự do với các quốc gia, khu vực kinh tế, là những đối tác lớn của Việt Nam. Vì vậy, doanh nghiệp cần tận dụng tối đa các ưu đãi trong các FTA này để đa dạng hóa thị trường, tránh phụ thuộc vào một vài thị trường nhất định.