Nhập siêu 937 triệu USD đầu năm không đáng lo ngại, hoạt động xuất nhập khẩu vẫn rất tích cực
(DNTO) - Trong 2 tháng đầu năm, việc nhập siêu chủ yếu rơi vào nhóm tư liệu sản xuất, chiếm 93,8%. Theo chuyên gia, việc này cho thấy các doanh nghiệp đang dần khôi phục sản xuất và khi có đủ nguyên phụ liệu sẽ trở lại xuất siêu trong những tháng tiếp theo.
Hoạt động thương mại vẫn khởi sắc
Trong 2 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa Việt Nam ước đạt 108,52 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước, theo Bộ Công thương.
Hiện hàng hóa Việt Nam đã xuất khẩu sang 109 quốc gia, vùng lãnh thổ. Nếu trong năm 2021, Việt Nam có 24 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, thì chỉ trong 2 tháng đầu năm nay, đã có 9 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 71,6% và trong đó có 5 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 5 tỷ USD.
Theo PGS. TS Phạm Tất Thắng, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công thương), đây là một tín hiệu đáng mừng sau hai năm hoạt động thương mại bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19; đặc biệt, xuất khẩu đã tập trung vào các mặt hàng chủ lực mà Việt Nam có ưu thế.
Bên cạnh đó, nếu như trước đây, trong hoạt động xuất nhập khẩu, khu vực kinh tế trong nước chưa đạt như kì vọng, thì 2 tháng đầu năm, xuất khẩu khu vực này đã tăng 21,1%, chiếm 26,6%, tức 1/4 trong tổng số kim ngạch xuất khẩu Việt Nam. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước đã bắt đầu cải thiện.
Đối với con số nhập siêu 937 triệu USD trong 2 tháng đầu năm, theo PGS.TS Phạm Tất Thắng, cần phân tích rõ cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu để đánh giá. Cụ thể, việc nhập siêu hiện chủ yếu là nhóm hàng tư liệu sản xuất, chiếm 93,8%; còn nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng chiếm tỉ trọng rất nhỏ 6,2%.
“Điều này phản ánh những tháng sau, với mức nhập siêu này thì chúng ta có đầy đủ nguyên vật liệu và điều kiện để xuất khẩu, chuẩn bị đón xuất siêu. Con số xuất khẩu trong 2 tháng vừa qua đánh dấu bước đầu trong năm 2022 khởi sắc, trong bối cảnh thích ứng an toàn với đại dịch Covid-19”, PGS.TS Phạm Tất Thắng phân tích.
Không miễn nhiễm với biến động
Tuy vậy, là một quốc gia có nền kinh tế mở, tham gia nhiều hiệp định thương mại, Việt Nam cũng không nằm ngoài ảnh hưởng từ những biến động kinh tế, chính trị thế giới, nhất là từ cuộc chiến Nga – Ukraine hiện nay. Điều này tác động không nhỏ tới việc phục hồi kinh tế và hoạt động xuất nhập khẩu.
Đơn cử như với thị trường Nga và Ukraine, nơi cung cấp khoảng 20% nguyên liệu lúa mì, 3% nguyên liệu ngô và 10% lượng phân bón cho Việt Nam hiện đã giảm nguồn cung, tăng giá do chiến sự nổ ra.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện giá lúa mì, ngô tăng khoảng 10-20%, phân bón tăng hơn 20%, cùng với việc hãng tàu tăng chi phí vận chuyển đã ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp của Việt Nam.
Bên cạnh đó, số lượng người nhiễm Covid-19 trên cả nước ngày một gia tăng, di chứng hậu Covid-19 nặng nề, việc thiếu lao động gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động khôi phục sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp.
Do vậy, để thích ứng an toàn với dịch bệnh và từng bước phục hồi, tăng trưởng kinh tế, theo PGS.TS Phạm Tất Thắng, Việt Nam cần theo dõi sát những biến động của kinh tế thế giới và trong nước, tận dụng và khai thác tối đa các FTA hiện tại để giúp doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường có FTA.
Bên cạnh đó, công tác thông tin thị trường cũng cần được đổi mới, bảo đảm thực chất, hiệu quả, kịp thời thông tin về thay đổi trong chính sách quản lý nhập khẩu, những điều kiện, quy chuẩn kỹ thuật và các rủi ro của thị trường. Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, cần chủ động có kế hoạch sản xuất linh hoạt, để có giải pháp ứng phó phù hợp.