Giá cá tra lập đỉnh, doanh nghiệp xuất khẩu 'đuối sức' vì thiếu nguồn cung
(DNTO) - Gần 2 năm lao dốc, hiện giá cá tra đang tăng nóng ở mức kỷ lục gần 30.000 đồng/kg, song vòng tròn luẩn quẩn thiếu cung - dư cầu khiến các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn thấp thỏm với lợi nhuận.
Những ngày gần đây, giá cá tra nguyên liệu tại các tỉnh như An Giang, Ðồng Tháp và TP Cần Thơ ở mức: cá thịt trắng từ 1 - 1,2 kg/con được doanh nghiệp đến thu mua với giá từ 28.000 - 30.000 đồng/kg, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ ở mức trên dưới 20.000 - 21.000 đồng/kg.
Ông Chương Văn Khanh, ngụ phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ phấn khởi cho biết, sản lượng cá tra của gia đình ông và bà con trong vùng vừa được một công ty thủy sản hỏi mua với giá 30.000 đồng/kg, kích cỡ 850-900g/con.
“Hai năm qua, do dịch bệnh nên giá cá tra xuống còn 19.000-23.000 đồng/kg khiến người nuôi lỗ nặng, may thì huề vốn. Tuy nhiên, giá cá bất ngờ tăng lên 30.000 đồng/kg từ sau Tết Nguyên đán, sau khi trừ chi phí, tôi có thể bỏ túi khoảng 5.000 đồng/kg”, ông Khanh cho hay.
Hiệp hội cá tra Việt Nam cho biết, cá tra nguyên liệu đối với loại từ 850-900 gam/con đang có giá 30.000 đồng/kg được thu mua để bán sang thị trường Mỹ. Đây là mức giá lịch sử khi lần đầu tiên ngành hàng xuất khẩu cá tra đạt được mức cao kỷ lục.
Lý giải nguyên nhân "sốt" giá cá tra, theo các doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu, hiện giá cá tra nguyên liệu tăng do được nhiều đơn vị, doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua để chế biến xuất khẩu và chuẩn bị nguồn hàng phục vụ nhu cầu thị trường đang tăng cao khi kinh tế của các nước dần khôi phục trở lại sau đợt dịch Covid-19 vừa qua.
Bên cạnh đó, nguồn cung cá tra nguyên liệu tại nhiều địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long giảm mạnh diện tích nuôi nên nguồn cá nguyên liệu cung cấp cho xuất khẩu bị hạn chế, thúc đẩy giá cá tra tăng cao như hiện nay, khiến nhiều nông dân kém vui vì không còn cá để bán cho doanh nghiệp.
Ông Đỗ Lập Nghiệp, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Nam Việt, cho biết, với sản lượng xuất khẩu cá từ 8.000 - 10.000 tấn/tháng, Tập đoàn Nam Việt cũng đang thiếu nguyên liệu do chưa có cá đủ chuẩn xuất khẩu.
"Khi dịch bệnh xảy ra, nhiều người không thả cá nuôi hoặc giảm sản lượng, trong khi xuất khẩu đang thuận lợi... dẫn đến tình trạng khan hiếm nguyên liệu đầu vào hiện nay. Cá tra nguyên liệu của chúng tôi không đủ đáp ứng nên phải thu mua thêm ở ngoài rất nhiều", ông Nghiệp cho hay.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhấn mạnh: “Nhu cầu thị trường đang tăng trở lại, nhưng dự kiến từ nay đến quý II/2022 sẽ thiếu nguyên liệu cá tra để xuất khẩu, vì nhiều ao vừa rồi không thả lại”.
"Để có một lứa thương phẩm cá tra đạt size 0,8 – 1kg/con theo chuẩn xuất khẩu, cần nuôi 6-7 tháng. Do đó, trong thời gian ngắn nguyên liệu xuất khẩu mặt hàng này có thể thiếu vì đã “lỡ” vụ", ông Nam nhận định.
Cân đối bài toán cung - cầu
Giải quyết những khó khăn về khan hiếm nguyên liệu và dự báo về nhu cầu của thị trường thời gian tới, ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, ngành hàng cá tra sẽ có triển vọng trong năm tới. Tận dụng tốt cơ hội của thị trường, ngành cần nâng cao giá trị các thành phần trong chuỗi sản xuất như: thả nuôi, chế biến, thương mại.
Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng các vùng nuôi liên kết một cách chặt chẽ gắn với cơ sở nuôi thông qua hợp đồng bao tiêu sản phẩm có đầu tư, hỗ trợ kinh phí và cùng có trách nhiệm trong việc giám sát, theo dõi quá trình sản xuất.
“Đối với quá trình nuôi cần phải có thời gian. Vì vậy, việc giải quyết trước mắt hiện nay là cùng các địa phương rà soát, cân đối lại số lượng mà trong các tháng tiếp theo có khả năng cung cấp nguyên liệu bao nhiêu để từ đó có giải pháp hỗ trợ về mặt kỹ thuật nhằm cung ứng kịp thời các nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu”, ông Luân cho hay.
Theo các chuyên gia, để nghề nuôi cá tra bền vững, đi vào ổn định, các hộ nuôi cá cần chủ động liên kết với doanh nghiệp để không thấp thỏm đầu ra. Mặt khác, doanh nghiệp cần có chiến lược trong kinh doanh trong khâu tiêu thụ cá cho nông dân, tránh tình trạng cá tới lứa nhưng doanh nghiệp “quay lưng” với người nuôi.
Đồng thời, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có thể ban hành chủ trương để hỗ trợ ngành hàng cá tra như: Chăn nuôi khép kín, nhà máy nào có công suất bao nhiêu thì được bao tiêu bấy nhiêu, còn việc kinh doanh, xuất khẩu thế nào tự bản thân doanh nghiệp sẽ có chiến lược, định hướng của mình thì ngành hàng cá tra mới hy vọng thoát cảnh “năm trồi, năm sụt”.