Giữa cơn 'bão giá', doanh nghiệp chật vật với bài toán sinh tồn
(DNTO) - Chưa kịp phục hồi sau hai năm “bầm dập” bởi dịch Covid-19, các doanh nghiệp hiện còn phải chật vật xoay xở trong cơn “bão giá” đầu vào khi tỷ giá, cước vận chuyển, nguyên vật liệu... tăng chóng mặt từng ngày, khiến doanh nghiệp phải đau đầu tính toán chi li nhưng vẫn thiếu trước hụt sau.
Đầu vào tăng ít nhất 30%, ăn mòn túi tiền doanh nghiệp
Chưa kịp phục hồi sau 3 năm dịch bệnh lại nhận thêm ‘cú đánh’ từ làn sóng tăng giá nguyên liệu, nhiên liệu và vật liệu đầu vào do giá xăng dầu thế giới liên tục tăng phi mã, khiến doanh nghiệp phải đau đầu với bài toán sinh tồn.
“Không biết sống được đến ngày nào”, ông Phạm Mai Long, Giám đốc Công ty CP Kỹ thuật cơ điện và thương mại MEGS, than thở trước những tác động của hàng loạt yếu tố như giá nguyên vật liệu tăng, giá vận chuyển tăng, các loại chi phí khác đều phát sinh. Nhẩm tính, giá đầu vào ít nhất cũng phải tăng đến 30%... Theo ông Long, cú sốc lần này sẽ bóp nghẹt những doanh nghiệp yếu ớt đang nỗ lực hồi sinh.
“Giá tăng chóng mặt. Về cước tàu biển, năm ngoái nhập 1m3 hàng mất có 5 USD phí từ Thượng Hải về, nhưng giờ nghe đến cước phí ai cũng "xanh mặt" luôn, lên gấp 14 lần, mức 70 USD. Công ty chỉ còn cách giảm lợi nhuận hết cỡ, đàm phán với khách lên mức giá để cố gắng hòa vốn, còn những hợp đồng nào không giữ được thì đành phải chịu mất đối tác”, ông Long trần tình.
Không chỉ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, ngay cả những doanh nghiệp lớn, luôn đứng trong top đầu tại Việt Nam cũng khốn đốn khi chịu tác động mạnh từ vòng xoáy giá cả.
“Không thể tăng giá, không thể đàm phán giá. Đàm phán là đối tác cho nghỉ luôn khi hợp đồng được thiết lập từ lúc nhận đơn hàng cho đến lúc có đơn hàng để bán trong khoảng 6 tháng”, ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty CP May 10 cho biết.
Cụ thể, trước đây chi phí logistics khoảng 2.000 USD/container 20 feet; 4.000 USD/container 40 feet thì giờ lên đến 10.000 USD. Theo ông Việt, việc tăng giá này khiến lợi nhuận của doanh nghiệp giảm hàng tỷ đồng mỗi tháng.
Không những thế, việc thiếu container rỗng, không đơn thuần chỉ là câu chuyện tăng cước phí, mà còn ảnh hưởng đến thời gian giao hàng. Nếu nguyên vật liệu nhập khẩu chậm về thì giao hàng cũng bị lùi lịch.
“Lúc đó, chúng ta luôn treo “án” vi phạm hợp đồng, dễ ăn phạt và còn đối diện với nguy cơ mất đơn hàng, đặc biệt là các mặt hàng mùa vụ như với sản phẩm may mặc. Điều này sẽ ảnh hưởng đến thu hút đầu tư nước ngoài hoặc ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của Việt Nam nói chung”, ông Việt lo ngại.
Cần những chính sách vĩ mô
Nhận định về những tác động doanh nghiệp Việt Nam đang phải gánh chịu, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng Chính phủ nên chỉ đạo áp dụng nhiều biện pháp để một mặt, bảo đảm cung ứng xăng dầu đáp ứng yêu cầu nền kinh tế; mặt khác, kiềm chế mức tăng giá xăng dầu để giảm chi phí cho nền kinh tế. Cả hai tuyến hoạt động đều nhằm mục tiêu giữ ổn định vĩ mô, hỗ trợ doanh nghiệp để vượt qua “cơn bão giá”, nhanh chóng phục hồi nền kinh tế.
"Giúp doanh nghiệp Việt Nam “trụ vững”, mạnh lên là lợi ích chiến lược ưu tiên hàng đầu trong lúc này. Theo logic đó, Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Công thương cần và có thể mạnh dạn hơn trong nỗ lực giữ giá xăng dầu thấp – hoặc cố gắng làm chậm đà tăng giá bằng các biện pháp hiện đang được thực hiện một cách “khá thận trọng”, nếu không nói là rụt rè. “Phí môi trường”, quỹ bình ổn giá… là những công cụ hữu dụng trong lúc này", ông Thiên nhận định.
Nêu quan điểm, TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính-tiền tệ quốc gia, cho hay, Chính phủ cần phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa, tiền tệ và giá cả nhằm thực hiện tốt chương trình phục hồi cũng như kiểm soát lạm phát. Đồng thời, phải kiềm chế giá xăng khi nó ảnh hưởng lớn đến chi phí đầu vào như hiện nay.
Về phía doanh nghiệp, để hạn chế bớt "sức nóng" từ thị trường, TS Cấn Văn Lực đưa ra khuyến nghị cần tính toán đa dạng hóa thị trường, nguồn cung là yếu tố đầu tiên cần chú ý.
"Việc chỉ tập trung vào một vài thị trường đã cho thấy rõ những rủi ro vừa qua. Đồng thời, các doanh nghiệp cấp thiết phải tái cấu trúc lại để cắt giảm những chi phí không cần thiết. Việc đó giúp hoạt động sản xuất kinh doanh tốt hơn và đầu tư tiền ít hơn. Khi lượng hàng hóa nhiều hơn, tiền đầu tư ít thì đó chính là giải pháp để cân đối giữa phương tiện thanh toán với lượng hàng hóa và nó không tạo ra sức ép lạm phát", ông Lực nhận định.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cần đa dạng hóa đồng tiền thanh toán, chủ động đàm phán với các đối tác về phương án vận chuyển hàng hóa, rà soát lại hợp đồng và hồ sơ pháp lý để đảm bảo chủ động trong trường hợp xảy ra tranh chấp.