Đừng để doanh nghiệp e ngại khi thực thi một chính sách tốt

(DNTO) - Nói về chương trình phục hồi kinh tế, các chuyên gia cho rằng, xây dựng chính sách phải hiệu quả, quan trọng là phải đẩy mạnh tốc độ làm chính sách. Thực tế, đã có chính sách được thực hiện sớm như giảm thuế VAT. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp thấy e ngại khi thực thi chính sách này…

Đề cập về chương trình phục hồi kinh tế, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng tình hình kinh tế trong nước và thế giới đã có nhiều thay đổi so với thời điểm Việt Nam ban hành Chương trình phục hồi kinh tế vào gần 3 tháng trước.
Tuy nhiên, khi xây dựng Chương trình phục hồi kinh tế đã có tính toán đến các yếu tố bất ổn khác của dịch Covid-19, nên khi thiết kế chương trình thực hiện đã có dự liệu các giải pháp. Một trong những giải pháp đó là kết hợp hài hòa giữa chính sách tài khóa và tiền tệ để phù hợp với biến động về vĩ mô.
Cũng theo ông Hiếu, tình hình kinh tế, chính trị thế giới hiện nay cộng với ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 đã tác động đến giá cả và chuỗi cung ứng toàn cầu; làm gia tăng chi phí sản xuất của doanh nghiệp và đe dọa đến bất ổn kinh tế vĩ mô. Bối cảnh đó lại càng cho thấy, việc thực hiện Chương trình phục hồi kinh tế có ý nghĩa quan trọng hơn, cấp thiết hơn.
Ông Hiếu cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã vô cùng quyết liệt trong thực hiện Chương trình phục hồi kinh tế, điều này thể hiện, trong vòng 20 ngày sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thì Chính phủ đã ban hành chương trình chi tiết về phục hồi kinh tế. Và trong vòng 2 tháng vừa qua, Chính phủ 2 lần có công điện khẩn để đôn đốc thực hiện, qua đó thể hiện sự quyết liệt trong thực hiện Chương trình phục hồi kinh tế.
“Thực tế, đã có một số chính sách được thực hiện rất sớm như giảm thuế VAT. Tuy nhiên, soi lại tiêu chí cấp thiết thì sau 2 tháng nhiều chính sách vẫn đang trong quá trình để chờ được triển khai trong thực tế. Tính kịp thời của chính sách ảnh hưởng lớn đến hiệu quả và đạt mục tiêu chính sách…”, ông Hiếu nói.
Đặc biệt, ông Hiếu lưu ý, một số chính sách khi triển khai rồi vẫn cần phải thường xuyên bám sát việc thực thi để có điều chỉnh kịp thời.
“Hiện một số chính sách có tác động tốt như giảm 2% thuế VAT, chính sách này không chỉ kích thích tiêu dùng mà còn giảm chi phí cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, có thực tế là nhiều doanh nghiệp thấy e ngại khi thực thi chính sách giảm thuế VAT, nếu không thực thi thì bị phạt, mà triển khai thì lúng túng. Theo đó, khi thực thi chính sách thì đừng để một chính sách tốt trở nên áp lực cho doanh nghiệp...”, ông Hiếu thẳng thắn bày tỏ.
Nói về vấn đề này, TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, cho biết, làm chính sách tốt đã khó, thực thi tốt khó hơn. Chương trình phục hồi kinh tế cần lưu ý tới 2 điểm. Đó là xây dựng chính sách phải tăng được hiệu lực, hiệu quả, và vấn đề quan trọng hiện nay là phải đẩy mạnh thêm tốc độ làm chính sách.
Thứ hai, theo ông Thành, chính sách thiết kế phải đơn giản, rõ ràng, để dễ thực thi và đỡ bị lạm dụng.