Mở cửa du lịch: Đòn bẩy quan trọng phục hồi kinh tế
(DNTO) - Dịch bệnh ở Việt Nam đang trong tầm kiểm soát sẽ là điều kiện tiên quyết mở ra cơ hội lớn cho ngành du lịch mau chóng tái khởi động, phục hồi và phát triển trong giai đoạn bình thường mới.
Phát biểu tại Diễn đàn “Luồng xanh cho du lịch cất cánh", tổ chức ngày 11/3, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trung Khánh cho biết, đại dịch Covid-19 bùng phát từ năm 2020 đã khiến nền kinh tế toàn cầu bị tác động nặng nề trên mọi mặt, đặc biệt là lĩnh vực du lịch.
Theo báo cáo của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), dịch Covid-19 đã kéo lùi ngành du lịch thế giới về mốc cách đây 30 năm, cả về lượng khách và tổng thu du lịch quốc tế. Đối với Việt Nam, theo dự báo của các chuyên gia, ngành du lịch thậm chí cần ít nhất 5 năm để phục hồi.
Doanh nghiệp lữ hành xin thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành chiếm gần 30% tổng số doanh nghiệp đã được cấp phép (hiện chỉ còn khoảng 2.000 doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh lữ hành trên toàn quốc), trong đó rất nhiều doanh nghiệp vẫn đang đóng cửa hoặc dừng hoạt động do không có khách du lịch.
Trong khi đó, lĩnh vực kinh doanh lưu trú du lịch (chiếm đến 46% trong cơ cấu doanh thu của ngành du lịch Việt Nam) cũng đang phải đóng cửa khoảng 90% và hầu như không có khách trừ các cơ sở đón khách cách ly.
Đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ đến 2,5 triệu lao động trong ngành Du lịch với 800.000 lao động trực tiếp trong đó đối tượng bị mất việc, chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là hướng dẫn viên du lịch, nhân viên làm việc tại cơ sở lưu trú du lịch, khu điểm du lịch, các doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển, tàu du lịch, doanh nghiệp du lịch khác.
Đến nay, sau hai năm chống chọi với đại dịch, nhiều quốc gia đã dần điều chỉnh quan điểm chống dịch Covid-19, từ “zero Covid-19” chuyển sang “thích ứng, chung sống với Covid-19” nhằm tái khởi động, sớm đưa cuộc sống quay trở lại bình thường trong bối cảnh mới.
Các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan… cho phép đón khách du lịch quốc tế, Liên minh châu Âu mở cửa cho đi lại nội khối và cho phép công dân các nước thứ ba nhập cảnh có các điều kiện.
Ông Khánh nhấn mạnh: "Có thể thấy, trong bối cảnh dịch bệnh như vậy, lượng khách du lịch nội địa vẫn tăng cao, khẳng định cho việc triển khai đúng hướng các hoạt động du lịch an toàn thời gian qua và sự sẵn sàng cho việc mở lại hoạt động du lịch giai đoạn hiện nay. Lượng khách quốc tế tìm kiếm thông tin về du lịch Việt Nam từ đầu năm 2022 đang tăng mạnh. Đây là tín hiệu đầy khả quan về chặng đường phục hồi nhanh chóng và mạnh mẽ của ngành du lịch Việt trong năm mới, tạo đà thuận lợi cho kế hoạch và lộ trình mở cửa du lịch quốc tế trong thời gian sắp tới".
Mở cửa du lịch: Doanh nghiệp mong chờ
Nói về câu chuyện mở cửa du lịch, bà Trần Thị Lan Anh, Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định: Suốt thời gian qua, thế giới dường như bị “cách ly” bằng một cách thức khắc nghiệt nhất và đương nhiên nhu cầu du lịch cũng đang bị kìm nén hết cỡ.
"Ở góc độ kinh doanh, trong hơn hai năm qua, do tác động của đại dịch Covid-19, du lịch Việt Nam đang phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có. Thị trường du lịch và các hoạt động du lịch bị đứt gãy, đình trệ, làm cho toàn ngành không đạt được các chỉ tiêu, chệnh hướng quỹ đạo tăng trưởng. Tuy vậy, trước làn sóng mở cửa toàn cầu, thời điểm này chính là cơ hội đặc biệt để ngành đón đầu nhu cầu du lịch mang tính toàn cầu đó”, Tổng thư ký VCCI khẳng định.
Dữ liệu phân tích của Google theo dõi xu hướng du lịch cho thấy, ngay từ tháng 1 đầu năm nay, số người nước ngoài tìm thông tin về chuyến bay đến Việt Nam tăng 425% so với cùng kỳ năm 2021. Người Mỹ, Australia, Nga, Pháp, Đức, Nhật Bản, Ấn Độ, Anh, Canada có lượng tìm kiếm thông tin du lịch Việt Nam nhiều nhất.
Đặc biệt, hiện Việt Nam là 1 trong 10 nước có tỷ lệ tiêm vaccine phòng Covid-19 cao nhất thế giới, bà Lan Anh đánh giá, đây là một trong những cơ sở để Việt Nam tự tin mở lại đường bay đến các nước và vùng lãnh thổ và hiện là chuẩn bị đến du lịch.
“Hoàn cảnh hiện nay đòi hỏi du lịch không chỉ thân thiện, mà còn phải là an toàn cho du khách và người dân”, Tổng thư ký VCCI khẳng định.
Cũng theo bà Trần Thị Lan Anh, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang dần được kiểm soát, ngành du lịch cũng như nền kinh tế cả nước hiện đang từng bước vượt qua giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên, con đường dẫn tới sự phục hồi du lịch, thích ứng linh hoạt, an toàn với đại dịch vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.
“Đối với doanh nghiệp, việc được quan tâm nhất lúc này là mở cửa như thế nào để vừa không làm du khách ngại ngần vì thêm các thủ tục, vừa bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân, nhất là Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo, đại dịch Covid-19 chưa thể kết thúc trong năm nay”, Tổng thư ký VCCI chia sẻ.
Cũng theo bà Trần Thị Lan Anh, chỉ trong thời gian ngắn thực hiện thí điểm đón khách từ giữa tháng 11/2021, thị trường du lịch Việt Nam đã “ấm” dần lên, nhận được sự quan tâm của nhiều du khách, hãng truyền thông trên thế giới.
Theo đó, ngành du lịch đang đứng trước cơ hội "vàng" khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chính thức cho phép tất cả các địa phương có đủ điều kiện được thực hiện thí điểm đón khách quốc tế.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, làm sao phải mở cửa thích ứng an toàn, kiểm soát dịch bệnh đảm bảo được sức khoẻ người dân và cả vấn đề an sinh. Nới lỏng nhưng không buông lỏng, nới lỏng toàn bộ nhưng phải có dự phòng đồng bộ.