Du lịch Vũng Liêm: Viên ngọc thô ẩn mình chờ khám phá
(DNTO) - Cách TP.HCM khoảng 130 km, huyện Vũng Liêm (tỉnh Vĩnh Long), để lại ấn tượng với du khách không chỉ với không gian miệt vườn tươi đẹp, sạch, xanh, mà còn là nơi có nhiều di tích văn hoá lịch sử. "Viên ngọc thô" đầy tiềm năng du lịch đang từng bước mở ra cơ hội để du khách khám phá.
Điểm đến nhiều tiềm năng
Chúng tôi đến Vũng Liêm vào một ngày đầu xuân, khi hai bên con đường bê tông trải vào xóm làng những luống hoa tươi nở đủ màu, khoe sắc trong nắng sớm. Xen lẫn giữa những cánh đồng lúa xanh ngắt, không ít những đồng cói, lát cũng xanh ngút ngàn do nhà nông canh tác, để cung cấp nguyên liệu cho các hợp tác xã thủ công làm chiếu cói.
Xa xa, phía bên dòng Cổ Chiên, Cù lao dài với những ngôi nhà vườn mát rượi, trĩu cây trái xoài, mít, ổi... Vũng Liêm trong mắt du khách lần đầu đến như một viên ngọc còn thô, đầy sức cuốn hút, nhưng chưa được nhiều người biết đến.
Với diện tích tự nhiên khoảng 30.970ha, với 80% dân số chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa và các vườn cây ăn trái, tại 19 xã và 1 thị trấn, dân số vào khoảng 200 ngàn người, Vũng Liêm là một trong số các địa phương của tỉnh Vĩnh Long được đánh giá có tài nguyên du lịch.
Đặc điểm về lịch sử - văn hóa, dân tộc, điều kiện tự nhiên về sông nước, vườn cây ăn trái phong phú về chủng loại, vùng sản xuất lúa nước lớn nhất tỉnh tạo cho huyện nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển các loại hình kinh doanh dịch vụ du lịch.
Theo thông tin từ cơ quan quản lý, hiện nay toàn huyện có 11 di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh, nhiều công trình tôn giáo với kiến trúc độc đáo và 4 làng nghề truyền thống đan lát, làm gạch ngói, dệt chiếu… Đặc biệt, đây là quê hương của cố thủ tướng Võ Văn Kiệt - người được người dân Vũng Liêm gọi với cách gọi gần gũi là Bác Sáu Dân (hoặc Bác Chín), theo thứ bậc trong gia đình ông.
Tại con đường trung tâm của Vũng Liêm, Khu tưởng niệm Cố thủ tướng Võ Văn Kiệt được xây dựng trong khuôn viên công viên mở, khang trang với nhiều cây bóng mát, các tiểu cảnh đẹp, ao cá , hồ sen…, là nơi tìm đến tham quan của nhiều du khách.
Không chỉ được thắp nén nhang bày tỏ lòng thành kính với vị thủ tướng đã sống một đời vì dân vì nước, khách du lịch còn được thưởng thức những món bánh dân gian miền Tây thơm ngon, khiến người xa quê luôn ao ước được thưởng thức để nhớ về một thời thơ ấu nhiều ký ức đẹp.
Đây cũng là điểm đến nằm trong quần thể các khu di tích Tượng đài Đốc binh Lê Cẩn - Nguyễn Giao; Bia Nam Kỳ khởi nghĩa, di tích Hồ Vũng Linh..., từng đón hàng chục ngàn lượt khách đến viếng và tham quan hàng năm.
Vượt sông Tiền đến xã Thanh Bình, thuộc Cù lao dài, du khách còn có dịp được đến viếng thăm Khu mộ thân nhân danh thần Thoại Ngọc Hầu. Những di tích quan trọng đã cho thấy đây là nơi tiền nhân đã đến gây dựng làng ấp, ổn định dân cư cách đây hơn 200 năm.
Bên cạnh các lăng mộ của Mẹ và em gái ông Nguyễn Văn Thoại (tức danh thần Thoại Ngọc Hầu), còn có lăng mộ của Thầy đồ Châu Vĩnh Huy và Bà Đỗ Thị Quốc (ba mẹ của bà Châu Vĩnh Tế - người vợ của danh thần Thoại Ngọc Hầu) vẫn giữ được gần như nguyên vẹn các các chi tiết).
Ông Nguyễn Văn Điền, đại diện Ban quản lý di tích khu mộ thân nhân danh thần Thoại Ngọc Hầu cho biết, đây là một trong những công trình trọng điểm nhằm để phát triển du lịch, do đó cơ quan chính quyền địa phương đang trùng tu và tôn tạo di tích rộng 6.000m2 với một số hạng mục quan trọng, dự kiến sẽ hoàn thành đưa vào phục vụ tham quan vào dịp cuối năm 2022.
Cần đánh thức “vẻ đẹp tiềm năng”
Theo nhìn nhận của Chủ tịch UBND Huyện Vũng Liêm Phạm Minh Hoàng, du lịch của Vũng Liêm nhìn chung vẫn chưa thật sự phát triển, dù có nhiều tiềm năng. Theo đánh giá của các nhà khoa học sau khi đã khảo sát cho thấy, tiềm năng du lịch của Vũng Liêm trong xu thế chung của Đồng bằng sông Cửu Long cũng như tỉnh Vĩnh Long có nhiều khác biệt.
Trên hai định hướng lớn là quê hương giàu truyền thống cách mạng, gắn với quá trình lịch sử hình thành vùng đất và con người, trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và Mỹ, cùng với những nhân vật tham gia hai cuộc kháng chiến, gắn với sự phát triển của lịch sử vùng đất như cố thủ tướng Võ Văn Kiệt, cùng với nhiều nhân vật lịch sử khác, đó cũng chính là điều mà cơ quan chính quyền điạ phương Vũng Liêm đang tập trung hướng tới để xây dựng và phát triển du lịch.
“ Chúng tôi cảm thấy vinh dự khi Vũng Liêm đã được tỉnh Vĩnh Long đã có phê duyệt chủ trương đầu tư, cùng với Bộ Văn Hoá Thể Thao Du Lịch đồng ý xây dựng cụm văn hoá, hình thành Khu Bảo tàng nông nghiệp Đồng bằng Sông Cửu Long. Đây cũng chính là cơ hội để du lịch Vũng Liêm chắp cánh trong thời gian tới.Trong thời gian chờ đợi, chúng tôi cũng chủ động làm việc với các nhà khoa học, từng bước hoạch định căn cơ phát huy thế mạnh của Vũng Liêm.
Thông qua du lịch, chúng tôi cũng mong muốn giới thiệu đến du khách hình ảnh quê hương, con người Vũng Liêm. Đồng thời qua đó, tạo ra được cơ hội việc làm cho người dân, kiếm thêm thu nhâp, hạn chế thấp nhất thanh niên ly hương đi làm. Đây cũng là trách nhiệm của lãnh đạo địa phương trong việc bảo tồn di sản văn hoá, ổn định việc làm cũng như công tác giảm nghèo của địa phương”. Ông Phạm Minh Hoàng khẳng định.
Theo ông Pham Minh Hoàng, với sự phát triển này, nhà nước sẽ tạo cơ chế, các chính sách hỗ trợ nguồn nhân lực, cho người dân trở thành chủ thể làm du lịch cùng với các công ty lữ hành. Trong định hướng du lich của Vũng Liêm, sự phát triển du lịch của địa phương này sẽ vẫn tôn trọng định hướng chung về du lịch của Vĩnh Long, tuy nhiên với các đặc thù riêng, Vũng Liêm sẽ có bước đi hoàn toàn khác”.
Tuy nhiên, để đánh thức “vẻ đẹp tiềm năng” của viên ngọc thô và cần tạo cú hích cho du lịch Vũng Liêm phát triển, cần có những hình thức kêu gọi đầu tư, các dịch vụ lưu trú như khách sạn, nhà nghỉ với đầy đủ tiện nghi cũng như xây dựng các khu vui chơi giải trí ,các dịch vụ thiết yếu nhằm giữ chân du khách.
Đó chính là những cầu nối quan trọng, giúp Vũng Liêm nhanh chóng hiện thực hoá các kế hoạch phát triển du lịch, trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn cho vùng đất đồng bằng trù phú, nằm bên hai bờ sông Tiền với hai nhánh sông Cổ Chiên và Pang Tra quanh năm cuộn đỏ phù sa.