Gap year - một xu thế đang dần phổ biến trong giới trẻ
(DNTO) - Với các bạn trẻ phương Tây, khái niệm Gap year không còn xa lạ. Ở Việt Nam mấy năm gần đây, do tình hình kinh tế, gap year ngày càng phát triển, cộng thêm sự hòa nhập thế giới, từ khóa “gap year” trở nên phổ biến và đang dần trở thành một xu thế.
Gap year hiểu đơn giản là thời gian “nghỉ giữa hiệp” trong quá trình học tập thường rơi vào khoảng thời gian sau tốt nghiệp cấp ba hoặc đại học. Với các bạn vừa hoàn thành xong Tú tài, thì đây là khoảng thời gian nghỉ ngơi trước khi chuyển sang một giai đoạn học tập mới ở đại học. Còn với các bạn sinh viên vừa tốt nghiệp đại học thì đây là thời gian thư giãn trước khi lao vào guồng quay cuộc sống. Có vẻ thụ động hơn, nhưng gap year cũng được xem là một năm chờ thi lại của các bạn rớt đại học hay giữa những lần “nhảy việc”.
Nói là nghỉ ngơi nhưng không có nghĩa là không làm gì, chỉ ăn rồi ngủ hay chỉ nằm xem những bộ phim dài tập trên Netflix hoặc tiêu tốn thời gian vào những game vô bổ, mà gap year được các bạn trẻ tận dụng để thực hiện những kế hoạch khác so với thường ngày. Có rất nhiều hoạt động trong thời gian gap year mà bạn có thể cân nhắc.
Rất nhiều bạn tận dụng gap year để trau giồi ngoại ngữ. Với những bạn có điều kiện tài chính, một năm gap year ở nước ngoài sẽ không những giúp bạn nói viết thông thạo ngoại ngữ, mà còn giúp bạn hiểu biết về nền văn hóa, ngôn ngữ, con người nơi bạn đến và trải nghiệm.
Việc thành thạo một hoặc vài ngôn ngữ ngoài tiếng mẹ đẻ mang đến cho bạn rất nhiều lợi thế. Nó tạo cho các bạn một nền tảng vững vàng để tiếp cận chương trình học của bậc đại học. Thông thuộc ngoại ngữ tạo nên sự tự tin, nhiều cơ hội hơn, giúp bạn trở nên đắt giá hơn trong mắt các nhà tuyển dụng khi đi xin việc.
Ngoài học ngoại ngữ, các bạn trẻ thường dùng gap year để tham gia các hoạt động tình nguyện, đi du lịch, giao lưu văn hóa, kiếm việc làm…
Trở thành tình nguyện viên cũng được nhiều bạn lựa chọn cho thời gian gap year. Những công việc tình nguyện thường được đăng tuyển bởi các tổ chức từ thiện, các dự án nước ngoài, các tổ chức phi chính phủ.
Đặc biệt trong thời gian xảy ra dịch bệnh Covid-19, làm tình nguyện viên tuyến đầu chống dịch hoặc các công việc hậu cần, thiện nguyện được nhiều bạn trẻ hăng hái tham gia trong gap year của mình. Tình nguyện viên là công việc giúp bạn trau giồi kỹ năng sống, phát triển khả năng cộng đồng, xây dựng các mối quan hệ…
Với các bạn ưa thích du lịch, thì việc dành gap year để “du hí” là lựa chọn không tồi. Bạn có thể chọn du lịch nội địa hoặc nước ngoài là do hoàn cảnh và điều kiện của từng người. Nhưng thông thường các bạn hay chọn du lịch nội địa để dễ dàng hơn trong việc vừa di chuyển vừa làm việc kiếm thêm kinh phí, lại không phải lo vấn đề thị thực hay vốn ngoại ngữ.
Bạn cũng có thể dùng thời gian này để thực hiện những sở thích đam mê mà trước đây bạn chưa có thời gian dành cho nó. Hay đơn giản hơn, gap year sẽ cho bạn thời gian để sống chậm lại, để suy ngẫm và tập trung vào những gì bạn muốn làm tiếp theo.
Với các bạn chẳng may thi rớt đại học ở lần đầu tiên, đang loay hoay, mất phương hướng thì đây là bước đệm giúp bạn nhìn nhận lại bản thân, chuẩn bị bước một bước vững chắc hơn trên con đường mình lựa chọn.
Tóm lại, gap year sẽ giúp bạn đạt được sự tiến bộ nhanh hơn so với việc chỉ ngồi trên lớp và học trong sách giáo khoa. Gap year giúp phát triển một loạt các kỹ năng mềm khiến việc học tập tiếp theo của bạn đạt hiệu quả, giúp hồ sơ của bạn trở nên nổi bật và ghi điểm tuyệt vời trong phỏng vấn xin việc.
Tuy nhiên, khi quyết định chọn gap year, bạn cần lập kế hoạch cụ thể, đặt ra những mục tiêu và quyết tâm theo sát kế hoạch của mình. Cũng không quên tranh thủ sự đồng thuận của phụ huynh vì dẫu sao gap year ở nước ta cũng còn khá mới mẻ.