Học sinh kiếm tiền bằng kinh doanh online
(DNTO) - Ngày nay, chuyện học sinh phổ thông tập làm quen với việc kinh doanh khi còn ngồi trên ghế nhà trường không còn xa lạ. Phương thức được các em lựa chọn nhiều nhất là kinh doanh qua mạng. Đây là một vấn đề đang được xã hội quan tâm và có nhiều ý kiến trái chiều.
Anh Trần Nghĩa là chủ một hiệu sách khá lớn ở trung tâm thị xã. Mỗi lần nói về chuyện khởi nghiệp của các bạn trẻ, anh hay tếu táo: "Tui khởi nghiệp từ năm lớp 6".
Năm học lớp 6 của anh rơi đúng vào thời điểm bộ truyện tranh Doraemon đang làm mưa làm gió. Chẳng những trẻ em mà người lớn cũng say mê. Một số ít bạn gia đình khá giả được cha mẹ cho khoảng tiền riêng để mua truyện - trong số này có Trần Nghĩa. Còn lại đa số các bạn phải nhịn ăn sáng gom góp tiền để mua truyện, mà vẫn quyển có quyển không, phải mượn đọc chéo với nhau.
Trước “tình hình” này, Nghĩa nảy ra sáng kiến: Cho thuê sách. Đầu tiên là truyện tranh. Sau đó là sách. Mới đầu là sách trong tủ sách cá nhân của Nghĩa. Dần dần, có vốn, Nghĩa xuống thị xã lùng mua sách cũ, rồi cả sách mới đủ thể loại. Nhờ giá cho thuê rất “mềm” nên “đối tượng” phục vụ của Nghĩa mở rộng sang lớp kế bên rồi lan ra toàn khối. Đến nỗi làm một mình không xuể, Nghĩa phải mượn thêm cậu bạn thân phụ làm “trợ lý”, trả thù lao bằng việc tha hồ đọc sách không phải trả tiền.
Hồi ấy chưa có internet, chưa có điện thoại thông minh, sách là món ăn tinh thần “khoái khẩu” và “đẳng cấp” của các bạn nhỏ. Công việc kinh doanh đang hồi hưng thịnh thì Nghĩa phải túi bụi lo luyện thi chuyển cấp không còn thời gian đầu tư vào việc cho thuê sách nữa. Công việc “làm ăn” thưa dần. Lên cấp III, do nhà có điều kiện, Nghĩa chuyển về thị xã học trường chuyên, anh tốt nghiệp đại học luật nhưng lại trở thành ông chủ của hiệu sách nổi tiếng và đồ sộ vào bậc nhất thị xã.
Ngày nay, chuyện học sinh tập làm quen với việc kinh doanh khi còn ngồi trên ghế nhà trường không còn xa lạ, nếu không muốn nói nó đang nở rộ thành một phong trào. Do mạng xã hội phát triển, Zalo, Facebook, Instagram đã quá quen thuộc với giới trẻ nên việc buôn bán của các em hầu hết là qua phương thức bán hàng trên mạng (kinh doanh trực tuyến).
Đây là hình thức thương mại điện tử, loại hoạt động kinh doanh diễn ra trên internet hay còn gọi nôm na là bán hàng online. Mặt hàng được các em lựa chọn cũng rất đa dạng, từ kẹp tóc, mặt nạ, son phấn đến quần áo, giày dép…
Do không có nhiều vốn, cho nên các em chủ yếu "mua đi bán lại" kiếm lời. Dù chỉ là "mua đi bán lại" kiếm lời nhưng thực tế có nhiều em cũng kiếm được những khoản tiền kha khá chi dùng vào việc học tập hoặc sinh hoạt cá nhân không phải xin tiền bố mẹ.
Tập tành kinh doanh sớm, giúp các em tự khẳng định mình, có thêm nhiều kĩ năng sống như sự tự tin, nhạy bén, tính độc lập, kỹ năng giao tiếp… Ngoài ra, khi cầm những đồng tiền do mình kiếm được, các em sẽ biết quý trọng giá trị của lao động, biết chi tiêu hợp lý.
Đây cũng là những viên gạch đầu tiên xây nên nền móng vững chắc thúc đẩy các em có thể theo đuổi, trở thành nhà kinh doanh sau này như trường hợp anh Trần Nghĩa ở trên.
Tuy nhiên không phải lúc nào, với ai, công việc kinh doanh cũng luôn suôn sẻ. Với các em học sinh, nhất là học sinh phổ thông thì rủi ro trong việc làm thêm bằng kinh doanh qua mạng là rất lớn. Vì việc kinh doanh thực chất cần phải có tư duy, năng động, nhạy cảm, có khả năng nắm bắt tâm lý, thị hiếu người tiêu dùng, có khả năng xử lý “nợ xấu”… mà những cái này thì các em không thể đáp ứng được ở độ tuổi học sinh phổ thông.
Thực tế cho thấy, việc học sinh phổ thông kiếm tiền bằng cách bán hàng online cũng để lại rất nhiều hệ lụy. Phổ biến nhất là ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc học tập do việc livestream để quảng cáo sản phẩm, chốt đơn, giao hàng… chiếm rất nhiều thời gian. Nhiều em rơi vào tình trạng mất kiểm soát, bị lừa, thua lỗ, vướng nợ nần… Nhiều em sa vào các mối quan hệ phức tạp bên ngoài… khiến tinh thần dao động, việc học sa sút.
Cho nên, khi muốn kinh doanh, kiếm tiền bên cạnh việc học, các em nên cần sự hỗ trợ của người lớn. Có thể là sự tư vấn, có thể là sự giám sát chặt chẽ về thời gian, công việc và thu nhập. Cần chia sẻ với bố mẹ ngay từ đầu, nếu công việc kinh doanh gặp trục trặc.
Theo thạc sĩ tâm lý Lê Thị Dương Thương, Trung tâm tư vấn tâm lý An Nam (TP.HCM), việc học sinh phổ thông kiếm tiền bằng kinh doanh là điều tốt. Những trải nghiệm khi kinh doanh sẽ giúp các em có được nhiều kỹ năng, giúp các em trưởng thành hơn, biết quý trọng giá trị đồng tiền hơn... Tuy nhiên, các em cần xác định nhiệm vụ chủ yếu của các em là học tập. Phải coi việc học là ưu tiên hàng đầu. Chỉ dành thời gian cho kinh doanh khi đã học bài, làm bài đầy đủ.