Xu hướng chuyển đổi số ngành du lịch - Việt Nam trong thời kỳ số hóa
(DNTO) - Số liệu từ báo cáo của World Bank cho biết, từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát (tính đến tháng 10/2021), khoảng 70% số doanh nghiệp lớn của Việt Nam bắt đầu chuyển hướng hoặc tăng sử dụng nền tảng số. Con số này đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ lần lượt là 55% và 58%.
Đánh giá về chuyển dịch số của Việt Nam, Google Temasek, Bain & Company dự báo về nền kinh tế số của Việt Nam vào năm 2025 có thể đạt 57 tỷ USD. Tăng trưởng nóng nhất trong các lĩnh vực gồm thương mại điện tử, giáo dục trực tuyến, truyền thông trực tuyến và gọi xe công nghệ.
Theo Tiến sĩ Đặng Thái Bình, Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế và phát triển - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam: "Việc chuyển đổi số giúp doanh nghiệp giảm chi phí hoạt động, cải thiện năng suất, cũng như mở rộng khả năng tiếp cận thị trường và các mô hình kinh doanh mới thông qua thương mại điện tử, phân tích dữ liệu. Trong quá trình chuyển đổi số, doanh nghiệp phải tái cấu trúc các quy trình, trở nên linh hoạt hơn, củng cố tiêu chuẩn hóa và tự động hóa, nhằm tối ưu hóa khả năng đáp ứng cho khách hàng".
Cũng như các lĩnh vực kinh doanh khác, những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lữ hành, du lịch và khách sạn chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất của các động thái chuyển đổi số. Trong số các giải pháp công nghệ cao đang được áp dụng rộng rãi trong ngành du lịch, có thể kể đến một số xu hướng chuyển đổi số ngành du lịch nổi bật sau đây:
Du lịch số thực tế ảo
Để đáp ứng nhu cầu tìm kiếm thông tin, trải nghiệm các điểm du lịch trên Internet trước và trong chuyến đi của khách hàng. Nhiều điểm du lịch hoặc công ty cung cấp dịch vụ du lịch đã xây dựng các tour du lịch ảo hoặc tour du lịch tương tác như một phần của quá trình chuyển đổi số trong trào lưu du lịch mô phỏng các địa điểm du lịch. thông qua tái tạo hình ảnh, video, các yếu tố đa phương tiện khác như hiệu ứng âm thanh, âm nhạc hoặc tường thuật, mô tả, văn bản. Yếu tố khiến tour ảo hấp dẫn du khách là những công nghệ mới được ứng dụng làm cốt lõi của hệ thống như ảnh 360, video 360, ảnh Panorama, ảnh Flycam… Du khách có thể hiểu rõ hơn về địa điểm tham quan và khơi dậy nguồn cảm hứng du lịch của mình.
Đồng thời trong quá trình du lịch, ứng dụng ảo tour có thể cung cấp những thông tin cần thiết giúp khách du lịch có được trải nghiệm trọn vẹn nhất tại điểm đến. Thậm chí, một số doanh nghiệp còn đề xuất tour du lịch “tại nhà” với chi phí thấp hơn nhiều so với việc đi thực tế.
Tích hợp du lịch 4.0 trên thiết bị di động
Theo báo cáo về du lịch của Criteo, hơn 1/3 dân số thế giới sử dụng thiết bị di động để đặt phòng khách sạn, đặt tour du lịch. Khách hàng hiện nay thường mong đợi một trải nghiệm di động liền mạch khi họ đi du lịch, từ việc lập kế hoạch thông qua ứng dụng, tới việc tìm kiếm địa điểm vui chơi cùng những ưu đãi có được sau khi sử dụng ứng dụng.
Bởi vậy, để có thể tạo ra những ứng dụng di động tiếp cận khách hàng đòi hỏi doanh nghiệp phải chuyển đổi số trong du lịch.
Trí tuệ nhân tạo và Chatbot
Với sự hỗ trợ của AI, các ứng dụng còn có thể từng bước giúp người dùng lên kế hoạch cho chuyến đi, từ dự báo thời tiết, đặt vé máy bay, khách sạn, nhà hàng... dựa trên dữ liệu khách hàng cung cấp. Tuy nhiên, chỉ khi hệ thống có dữ liệu data đủ lớn, kết nối được người dùng... thì gợi ý đi kèm cho việc cung cấp dịch vụ dành cho khách hàng mới đạt mức tốt ưu. Vì thế, chuyển đổi số trong việc số hóa dữ liệu là điều cực kỳ quan trọng, nhằm đem lại các trải nghiệm khách hàng tốt nhất.
Vận dụng IoT (Internet of Things) trong ngành du lịch
Rất nhiều thông tin được cung cấp thông qua các ứng dụng và công nghệ do AI hỗ trợ, khách du lịch có thể truy cập thông tin bất cứ lúc nào, từ bất kỳ thiết bị nào và ở bất kỳ đâu. Bởi các thiết bị được kết nối với Internet of Things (IoT), chính vì vậy ngành du lịch sẽ bắt đầu tận dụng dữ liệu đó để cải thiện trải nghiệm của khách hàng, tìm hiểu về nhu cầu và liên tục thay đổi nâng cấp dịch vụ du lịch...
Về chuyển đổi số quốc gia năm 2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chánh yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ để tạo bước đột phá, thống nhất nhận thức từ quan điểm chỉ đạo đến hành động, đặc biệt phải bố trí nguồn lực hợp lý, hiệu quả.