Thị trường sản phẩm gia dụng ứng dụng AI đạt 43.000 tỷ đồng
(DNTO) - Nhiều sản phẩm gia dụng như máy lọc không khí, máy giặt, máy hút bụi, TV, tủ lạnh... ngày càng gia tăng ứng dụng AI. Dù mức giá nhỉnh hơn sản phẩm truyền thống từ 15-30% nhưng vẫn được thị trường đón nhận.
AI bước vào các gia đình
Không chỉ trong sản xuất, kinh doanh, AI giờ đây đã được các hãng gia dụng nhanh chóng cập nhật trong các thiết bị gia dụng, từ máy lọc không khí, máy giặt, máy hút bụi, TV, tủ lạnh..., phục vụ nhu cầu tiện nghi trong các gia đình.
Tại sự kiện công nghệ Tech Awards hôm 10/11, bà Nguyễn Ngọc Lan Hương - Giám đốc ngành hàng điện lạnh và gia dụng, NIQ/GfK Việt Nam, nhấn mạnh đến sự bùng nổ của thị trường gia dụng thông minh trong năm qua.
Bà cho biết hiện nay dải gia dụng ứng dụng AI gồm có 7 sản phẩm. Cho đến tháng 11/2024, thị trường gia dụng thông minh có tích hợp AI đã tăng trưởng đến 31% so với cùng kỳ 2023, đạt 43.000 tỷ đồng.
2024 là năm tăng trưởng vượt bậc khi các hãng đều giới thiệu sản phẩm có kết nối thông minh, tích hợp AI. Tỷ trọng các sản phẩm có kết nối thông minh, ứng dụng AI trong thị trường điện tử gia dụng chiếm đến 43% về số lượng, 53% về giá trị.
Xét từng dòng sản phẩm, máy lọc không khí có mức độ ứng dụng công nghệ thông minh đến 63%, máy giặt 51%, máy hút bụi là 48%. Riêng TV, có đến 99% sản phẩm hiện nay đã ứng dụng công nghệ nên dư địa phát triển thời gian tới không còn nhiều, trừ khi có thêm những công nghệ đột phá. Tủ lạnh có mức độ thông minh thấp nhất, mới đạt 15% nên cơ hội phát triển trong tương lai còn nhiều.
Theo thống kê, 6 năm là con số trung bình để các mặt hàng thông minh trở nên phổ biến, chiếm 30% tỷ trọng. Trong đó, thị trường máy hút bụi thông minh tăng trưởng đến 177% giai đoạn 2019-2022; TV thông minh tăng trưởng 205% giai đoạn 2011-2018.
Một yếu tố nữa là giá cả, theo thống kê, giá của sản phẩm có AI thông minh chỉ cách biệt 15-30% và biên độ chênh lệch có khuynh hướng ngày càng rút ngắn. Giá này rất có lợi cho người tiêu dùng.
"Tựu trung, chúng ta thấy sự phát triển này cần thời gian ít nhất vài năm. Sự phát triển cần hai yếu tố trải nghiệm thực tế và giá cả. Càng mang lại lợi ích thì phát triển càng nhanh, còn giá cả quyết định tính cạnh tranh", bà Hương khẳng định.
Đánh giá về thị hiếu của người dùng trong lựa chọn thiết bị gia dụng, ông Lê Thanh Tùng, Giám đốc Phát triển sản phẩm ngành hàng thiết bị cần nước Toshiba Việt Nam, cho biết xã hội ngày càng phát triển nên nhu cầu của người dùng càng nâng cao. Thiết bị gia dụng không chỉ đáp ứng nhu cầu cơ bản mà họ muốn tiếp cận công nghệ cao nhất có thể hỗ trợ không gian sống tốt hơn. Đặc biệt, các chủ nhà Gen Z luôn muốn chứng tỏ bản thân qua những thiết bị ứng dụng công nghệ 4.0.
“Nồi chiên không dầu, máy lạnh cảm biến nhiệt độ và điều khiển bằng giọng nói chính là những biểu hiện của đồ gia dụng thông minh”, ông Tùng nói.
Thách thức khi tạo ra những tính năng “trong mơ”
Tuy nhiên, thành công của một hệ sinh thái nhà thông minh là các sản phẩm gia dụng thông minh có thể “giao tiếp” cùng nhau và “giao tiếp” tốt với người sử dụng. Ngoài ra là bài toán tiết kiệm năng lượng, bảo mật thông tin...
Ông Đường Quốc Hòa, Phó quản lý Đào tạo ngành hàng máy điều hòa không khí của Aqua Việt Nam, cho biết dù các sản phẩm thông minh đến đâu thì vẫn phải đảm bảo việc sử dụng dễ dàng, kể cả với người lớn tuổi hay những người không rành về công nghệ.
Đây cũng là thách thức với các doanh nghiệp sản xuất. Ông Trần Ngọc Hùng, Giám đốc Phát triển Kinh doanh Thị trường Việt Nam của MediaTek, cho biết người dùng muốn sản phẩm có tính cá nhân hóa cao nên công ty không ngừng phát triển linh kiện, tạo ra những bộ vi xử lý cho các nhà sản xuất đáp ứng được các nhu cầu của người dùng, ví dụ thiết bị không tay nắm có thể điều khiển từ xa.
“Với bài toán về AI, cần tối ưu một cách nhỏ gọn. Đây cũng là thách thức khi vừa phải tích hợp nhiều ứng dụng, vừa phải mang lên nhiều công nghệ mới”, ông Hùng nói.
Còn đại diện Toshiba nhấn mạnh đến triết lý "địa phương hóa sản phẩm", kể cả sản phẩm ứng dụng công nghệ mới nhất. Một ví dụ điển hình là máy rửa chén, tại các thị trường châu Âu, máy rửa chén thường không có thiết kế để rửa các tô lớn, nồi lớn hay đũa. Ngược lại, tại châu Á, đặc biệt là Việt Nam, nhu cầu này lại rất phổ biến.
Hay tại Nhật Bản và Hong Kong (Trung Quốc), người dùng cần các máy lọc nước có khả năng điều chỉnh độ pH khác nhau, sử dụng cho các mục đích khác nhau như rửa mặt, nấu ăn. Vì vậy, việc thiết kế sản phẩm cho từng thị trường cũng phải được nghiên cứu kĩ lưỡng.
Khi được hỏi về yếu tố then chốt giúp một thiết bị gia dụng thông minh có thể trở thành trợ thủ đắc lực trong mỗi gia đình, ông Hùng nêu 5 chữ T. Đó là tự động (bản thân thiết bị tự vận hành), tương thích (phù hợp nhiều nền tảng khác nhau, hệ điều hành khác nhau), tối ưu (từng không gian), tích hợp (công nghệ mới vào trong thiết bị) và tiết kiệm.
Ông Tùng cho rằng sản phẩm cần đồng bộ (đồng bộ với các thiết bị trong bất kỳ không gian nào) và có tính năng độc đáo (điều khiển bằng giọng nói, từ xa, cảm biến nhiệt độ lưu lượng nước đầu vào...).