Ngôi nhà thông minh tương lai của năm 2030
(DNTO) - Sau chừng thập kỷ nữa sẽ là một tương lai, nơi các thiết bị điện tử trực quan, sáng tạo của công nghệ môi trường trở thành những bộ phận phổ biến, được kết nối và tương tác trong mỗi ngôi nhà, làm nên nền tảng của cuộc sống con người.
Hình ảnh ngôi nhà thông minh từ lâu đã trở thành nỗi mong ước ám ảnh trong văn hóa đại chúng qua các phim hoạt hình như "Smart House" hay "The Jetsons" những năm 1960. Chúng trưng ra nhiều góc nhìn viễn tưởng về cuộc sống gia đình của thế kỷ sau. Thế là dần dần con người và khoa học cùng bắt tay để tô vẽ cho một bức tranh không có điểm kết thúc để gác cọ.
Từ ngày ấy đến nay, 60 năm đã trôi qua và nội thất ngôi nhà thông minh đã mỗi ngày mỗi khác. Công nghệ mới dần hiện diện ở từng ngóc ngách để tối ưu hóa sinh hoạt của các thành viên trong gia đình, từ ánh sáng, đồ gia dụng phục vụ ăn uống, các thiết bị vệ sinh, sự an toàn đến những khả năng tiết kiệm sức lao động hay giải trí.
Hiện nay ở nhiều nơi trên thế giới, trong nhà đã có đồng hồ thông minh và trợ lý kỹ thuật số, các thiết bị như Google Nest có khả năng xác định bạn bè hoặc người lạ đến nhà ngay từ ngoài cửa, đèn Philips Hue được lập trình thay đổi được màu sắc dựa trên đồng hồ sinh học của gia chủ. Để lên kế hoạch cho các bữa ăn trong tuần, tủ lạnh Family Hub của Samsung sẽ chụp ảnh những gì còn lại trong tủ và đưa ra các đề xuất cần mua nạp thêm vào dựa trên chế độ ăn của các thành viên. Nhiều trợ lý ảo như Alexa của Amazon giúp cảnh báo an toàn, hay các loại robot như Ballie của Samsung giúp vận hành các thiết bị gia đình thông minh... cũng được bổ sung.
Khái niệm “trí thông minh toàn diện” được nhóm khoa học gia của Eli Zelkha phác họa cách đây hai thập kỷ giờ đang dần hoàn thiện. Đó là một tương lai mà các thiết bị điện tử là những bộ phận phổ biến, được kết nối với nhau và đáp ứng chung quanh các nhu cầu thiết yếu trong một ngôi nhà. Lĩnh vực bùng nổ của công nghệ môi trường kết hợp trí thông minh nhân tạo AI hứa hẹn nhiều công việc cho những thiết bị điện tử trực quan, sáng tạo, và chúng sẽ dần trở thành nền tảng của cuộc sống.
Vào năm 2018, Amazon đã dấn sâu thêm vào khái niệm này khi phát triển tính năng Hunches của Alexa để thực hiện các tác vụ gia dụng nhỏ dựa vào dữ liệu thói quen của các thành viên được cung cấp, như tự động tắt đèn thông minh phục vụ một giấc ngủ ngon cho gia chủ. Dự báo cho thấy vào năm 2030, con người sẽ sử dụng 50 tỷ thiết bị được kết nối trên khắp thế giới, tạo thành mạng thông minh trong và ngoài ngôi nhà.
Một số tiến bộ lớn nhất đã được nhận thấy là công nghệ môi trường sẽ nhạy cảm với chuyển động, ánh nhìn, tư thế, ngôn ngữ cơ thể, sinh trắc nhiệt và các sắc thái giọng nói mỗi người. Tại Triển lãm Điện tử Tiêu dùng (CES) năm 2020, Panasonic đã công bố một khái niệm mới dựa trên công nghệ cảm biến hoạt động, được thiết kế để dự đoán hành vi của chủ xung quanh nhà, bao gồm các cảm biến sinh trắc học điều chỉnh nhiệt độ phòng dựa trên thân nhiệt.
Trong khi đó, thương hiệu thiết bị gia dụng Trung Quốc Haier lại giới thiệu khái niệm về một nhà bếp linh hoạt và dễ tiếp cận, có thể điều chỉnh độ cao của thiết bị cùng với các tính năng khác, như sử dụng giọng nói và nhận dạng khuôn mặt để xác định ai đang sử dụng nó. Rồi con người sẽ ít dựa vào màn hình, bớt phải vuốt điện thoại hơn nhờ sự hỗ trợ của các trợ lý ảo kỹ thuật số để truy cập ứng dụng.
Ngôi nhà tương lai của năm 2030 còn có sự xuất hiện của VibroSense, một thiết bị hỗ trợ trí tuệ nhân tạo được phát triển bởi các nhà nghiên cứu tại Đại học Cornell. VibroSense sẽ theo dõi các rung động trên tường, trần và sàn nhà; điều chỉnh 17 loại thiết bị khác nhau trong nhà để thực hiện các tác vụ rất nhỏ nhặt như tắt vòi nước rỏ giọt hay cảnh báo bà nội trợ về những thao tác bất lợi trong sử dụng máy giặt.
Thực tế ảo tăng cường (AR) và máy học còn dẫn đến sự bùng nổ sáng tạo trong trang trí nhà cửa. Chẳng hạn qua phòng thí nghiệm thiết kế Đan Mạch SPACE10, hãng đồ nội thất IKEA đã đề xuất rèm cửa có thể tự điều chỉnh theo cường độ và hướng chiếu của ánh nắng mặt trời, hoặc ứng dụng kết hợp AR và không gian âm thanh giúp biến các âm sắc phát ra của từng vật thể trong nhà thành một bản hòa tấu giao hưởng.
Dĩ nhiên để được hưởng tất cả sự đổi mới này đến từ những công nghệ của Google, Apple hay Facebook... con người sẽ phải trả giá bằng quyền riêng tư có thể bị xâm phạm. Trong bối cảnh hiện tại, đó là một khoản phí mà người tiêu dùng phải tiêu tốn. Tuy nhiên không đáng lo, bởi qua những phản ứng dữ dội chống lại các Big Tech diễn ra trong vài năm nay, xem ra người tiêu dùng hiện đang có mức độ quan tâm nhất định đến quyền riêng tư và đạo đức mà bao lâu nay họ từng thiếu.
Thời gian gần đây đã có hiện tượng vi phạm hàng loạt khi nhiều trang web lớn xâm phạm dữ liệu của cả trăm triệu người dùng. Thế nên trong tương lai, với khái niệm công nghệ môi trường ứng dụng cho ngôi nhà thông minh năm 2030, dữ liệu toàn diện sẽ bao gồm nhiều địa chỉ, nhiều số thẻ tín dụng hơn và từ đó tác hại tiềm ẩn rủi ro cũng sẽ lớn hơn.