Bị thay đổi bởi đại dịch, Google lên kế hoạch tái cấu trúc văn phòng cho nhân viên
(DNTO) - Robot bảo mật, tường khinh khí cầu... là một vài trong nhiều sáng kiến mà Google đang lên kế hoạch thực hiện cho văn phòng của các nhân viên để đối phó với sự nhạy cảm nơi làm việc vốn đã bị đại dịch làm thay đổi.
Vào năm 1998, văn phòng đầu tiên khi Google mới thành lập là một nhà để xe ở Thung lũng Silicon, trông rất lộn xộn với những chiếc bàn là các tấm ván kê tạm trên giá đỡ hai chân. 5 năm sau, công ty chuyển đến một khuôn viên khang trang rộng lớn có tên là Googleplex với chuỗi văn phòng mở, thoáng mát, có các không gian chung đúng chuẩn cho một nơi làm những công việc sáng tạo.
Qua nhiều năm, cơ ngơi Google ngày càng phong phú tiện nghi, thức ăn và xe đưa rước nhân viên miễn phí, dễ dàng cho cả những ai muốn làm việc ở đấy cả ngày. Giờ đây, đại gia công cụ tìm kiếm sừng sỏ thế giới này đang tạo ra một nơi làm việc đặc biệt sau đại dịch cho người lao động, những nhân viên đã quen làm việc tại nhà trong suốt năm phong tỏa qua, và nay không muốn chôn chân ở văn phòng mọi lúc nữa.
Qua đầu tháng tới, Google sẽ khuyến khích, chứ không bắt buộc, nhân viên phải tiêm phòng khi họ bắt đầu trở lại công ty. Khởi đầu như hiện nay nội thất của các tòa nhà Google có thể vẫn giữ nguyên. Nhưng vào khoảng đầu năm tới trở đi, Google sẽ thử nghiệm các thiết kế văn phòng mới trên tổng hành dinh có diện tích hàng trăm km vuông, chiếm khoảng 10% không gian làm việc toàn cầu của công ty.
Thực ra, bản kế hoạch dự án này đã được xây dựng trước khi dịch corona bùng nổ khiến các công nhân viên Google phải làm việc tại nhà. Công ty đã yêu cầu một nhóm tư vấn đa dạng chuyên môn - bao gồm các nhà xã hội học nghiên cứu về thế hệ Z và giới mô phạm khảo sát hành vi giao tiếp và học tập của học sinh sinh viên - phải thử tưởng tượng xem những người lao động tương lai của Google sẽ muốn thiết kế văn phòng trông như thế nào.
Câu trả lời dường như là sự kết hợp giữa phong cách nội thất Ikea và Lego. Thay vì các dãy bàn được đặt cạnh những phòng họp phân chia như từng miếng bánh, Google cho thiết kế lại theo kiểu khối nhóm. Mỗi khối phòng bao gồm ghế, bàn làm việc, bảng trắng và các kệ lưu trữ lắp bánh xe xoay chuyển được để có nhiều cách sắp xếp khác nhau cũng như lắp ráp nhanh chóng chỉ trong vài giờ.
Phòng họp mới của Google sẽ mang khái niệm kiến trúc kiểu lửa trại để nhân viên làm việc tại chỗ lẫn người tác vụ từ xa, tức người tham dự họp ảo cũng như trực tiếp đều có thể tham gia cùng lúc. Ai có mặt sẽ ngồi trong một vòng tròn, xen kẽ với các màn hình dọc lớn hiển thị khuôn mặt nhân lực tương tác online nhờ công cụ hội nghị truyền hình Zoom.
Còn tại những địa điểm khác trên khắp thế giới, Google dự tính xây dựng các khu vực làm việc ngoài trời để đối phó với các lo lắng lây lan bệnh dịch khi làm việc trong các văn phòng truyền thống. Riêng với trụ sở chính ở Thung lũng Silicon, nơi có thời tiết dễ chịu nhất trong năm, công ty đã chuyển đổi một bãi đậu xe và khu vực bãi cỏ thành phong cách trại hè Charleston, một sự kết hợp giữa các thảm cỏ với sàn lát gỗ có hàng rào vây quanh, tổng thể có kích cỡ rộng bằng bốn sân tennis được trang bị đầy đủ sóng Wi-Fi xuyên suốt.
Dưới những căn lều lộ thiên là các cụm bàn ghế. Ở nơi dựng chuỗi lều lớn hơn thì có các khu vực hội họp được trang trí theo phong cách nghỉ dưỡng California trang bị đầy đủ thiết bị hội nghị truyền hình hiện đại. Mỗi lều đều mang những tên theo chủ đề trại riêng biệt. Google cho biết đang xây dựng các không gian làm việc ngoài trời như vậy ở London, Los Angeles, Munich, New York, Sydney và có thể còn nhiều địa điểm khác hơn nữa.
Về lịch làm việc, công ty sắp xếp nhân viên có thể trở lại bàn làm việc cố định luân phiên theo chỉ định ai sẽ đến văn phòng vào một ngày cụ thể để đảm bảo an toàn giãn cách, không lo bị mất cùng lúc nhiều nhân lực khi xui rủi xảy ra sự lây nhiễm Covid-19.
Thật ra, chuyện muốn nhân viên túc trực làm việc thường xuyên tại văn phòng là một trong số ít các quy tắc lâu dài xưa nay của Google, nhưng họ khó thực hiện vì lực lượng lao động này quá đông, lên đến 100.000 người trên khắp thế giới. Do đó để giữ được càng nhiều nhân viên chấp nhận làm việc trực tiếp và an toàn tại văn phòng, công ty đã đưa ra nhiều đặc quyền xa hoa cho bàn giấy của những người này.
Ê-kíp thực hiện công trường văn phòng của Google đa dạng thành phần từ kiến trúc sư, nhà thiết kế nội thất và công nghiệp, kỹ sư kết cấu đến chuyên gia xây dựng và công nghệ. Hai trong số những yếu tố khó nhất trong thiết kế văn phòng là tường và hệ thống sưởi ấm cũng như làm mát. Google phát triển một loạt kiểu tường di động khác nhau, dễ dàng đóng gói và vận chuyển đến các văn phòng trên khắp thế giới. Hệ thống ống dẫn khí trên cao làm bằng vải có gắn khóa kéo di chuyển được để có thể mỗi tuần sắp xếp một kiểu. Để tránh lây dịch, hệ thống nhiệt độ cho phép mọi chỗ ngồi đều có bộ khuếch tán không khí riêng để kiểm soát hướng hoặc lượng gió thổi vào.
Còn nếu tổ chức một cuộc họp được yêu cầu có sự riêng tư, có tính bảo mật, một robot di chuyển bằng bánh xe được trang bị các cảm biến sẽ phát hiện, đánh giá tình hình bối cảnh cuộc họp. Nếu cần thiết, nó sẽ tự động thổi phồng một bức tường bóng kính trong mờ để che cản những ánh mắt tò mò. Chưa hết, các vách ngăn hình lá khác nhau được thiết kế gắn vào cạnh bàn cũng có tính năng loại bỏ ánh sáng chói. Ghế văn phòng có sẵn thiết bị chống ồn định vị ở lưng tựa, tích hợp bản điều khiển gia giảm chiều cao và độ nghiêng của màn hình máy tính, thậm chí chỉnh được cả nhiệt độ nơi làm việc.
Vì tình hình phòng dịch, cũng sẽ có những thay đổi khác về sinh hoạt ở Google. Dịch vụ đồ ăn miễn phí tự chọn sẽ chuyển sang bữa ăn đóng hộp, đóng gói riêng lẻ để mua mang về. Các phòng mát-xa và trung tâm thể dục sẽ đóng cửa. Xe buýt đưa đón sẽ ngưng. Trong các phòng tắm lớn, Google cũng giảm số lượng bồn rửa, bồn cầu và bồn tiểu nam, đồng thời lắp đặt nhiều thiết bị dựa trên cảm biến hơn để nhân viên không phải dùng tay chạm vào bề mặt.
Được biết, hiện tại Google có văn phòng tại 170 thành phố và 60 quốc gia trên thế giới. Một vài trong số đó đã mở cửa trở lại như tại Úc, New Zealand, Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam, với công suất cho phép vượt quá 70%. Tuy nhiên, phần lớn trong số 140.000 nhân viên làm việc cho Google và công ty mẹ Alphabet hiện đang cư trú tại Hoa Kỳ, nhiều nhất là vùng Bay Area.