Vì sao gã khổng lồ công nghệ Amazon quyết lấn sân ngành giải trí?
(DNTO) - Amazon đã quyết định mua xưởng phim tên tuổi thế giới Metro-Goldwyn-Mayer (MGM) với giá 8,45 tỷ đô la. Tại sao đang thành công trong lĩnh vực mua sắm trực tuyến và điện toán đám mây, gã khổng lồ này lại mạo hiểm chen chân vào ngành giải trí?
Khi nghe tin trên, có lẽ không ít người lý giải, có vẻ như Amazon đang muốn khai thác các ý tưởng về những loạt phim ăn khách mà MGM sở hữu bản quyền như James Bond hay RoboCop, cũng như hơn 4.000 xuất phẩm điện ảnh khác cho dịch vụ giải trí trực tuyến Prime Video của mình. Thực sự không hoàn toàn chỉ vì vậy.
Dĩ nhiên có một điểm đúng là Amazon vẫn xem mục tiêu Prime Video họ phát triển là thứ công cụ nhắm vào sức mạnh trung thành của những khách hàng đăng ký, được biểu lộ qua chi phí hào phóng mà nhóm này đóng góp. Bởi theo khảo sát của Morgan Stanley, các gia đình có tư cách thành viên Prime thường chi tới 3.000 đô la mỗi năm, nhiều gấp đôi so với các hộ không được hưởng tư cách thành viên.
Amazon kỳ vọng những người sử dụng Prime Video sẽ tiếp tục gia hạn tư cách thành viên mỗi năm và sẵn sàng trả tiền khi tham gia các chương trình dùng thử miễn phí, đồng thời cũng mua nhiều sản phẩm hơn từ Amazon. Đó là thứ lợi nhuận đầu tiên.
Không chỉ với Prime Video, người dùng còn được cung cấp quyền truy cập vào hệ sinh thái giải trí đẳng cấp thế giới thông qua Amazon Originals, Audible, Twitch, Amazon Music hay Prime Gaming...
Tất cả sản phẩm giải trí kỹ thuật số ấy của Amazon cho phép khách hàng tiếp cận các ứng dụng và trò chơi mới nhất, phát trực tuyến hoặc tải xuống phim, chương trình truyền hình và âm nhạc, đồng thời họ cũng được trao cho khả năng truy cập dữ liệu sở thích riêng từ mọi nơi trên thế giới.
Một hình dung khác là ngay với Prime Video, Amazon cũng đang chơi một game nhiều hồi để sẵn sàng vét cho cạn túi “con bạc”. Rất dễ mường tượng ra một tương lai là, tập đoàn của Jeff Bezos sẽ sử dụng quảng cáo trên Prime Video và các trang video trực tuyến khác mà Amazon sở hữu để chiêu dụ người dùng quan tâm đến các sản phẩm mới rồi sau đó họ sẽ chọn mua. Như thế, ông lớn thương mại trực tuyến này sẽ thâu tóm và khống chế được toàn bộ vòng đời mua sắm, từ “nhìn là thích” đến “nhấp để mua”.
Thương vụ sang lại MGM vẫn chứa mục tiêu dành cho Prime Video là thế, nhưng đằng sau món hàng này vẫn còn một đích nhắm khác: Ông chủ Bezos muốn tự tay sản xuất các chương trình truyền hình và phim. Tham vọng này không lạ, bởi khi các siêu cường công nghệ đã rất giàu có và thành công trong một số lĩnh vực, họ dư sức tin tưởng sẽ phất lên được cả trong những sân chơi khác. Không chỉ một Amazon muốn làm như vậy, những tên tuổi đang thu hoạch siêu lợi nhuận như Facebook hay Google cũng đã đi theo con đường này, dù biết rằng trở ngại gian nan không ít.
Càng kích thích hơn khi thị phần làm truyền hình và phim ảnh còn dính dáng đến cả cơ hội phát triển vị trí xã hội. Không phải tự nhiên mà Nga gây sức ép với Google, Twitter và Facebook để dập tắt sự lưu hành các tư liệu động liên quan đến chính phủ mà nước này cho là bất hợp pháp. Tương tự, Ấn Độ, Ba Lan hay Thổ Nhĩ Kỳ cũng nhúng tay vào kiểm tra, thanh sát các tác động xã hội đến từ những phóng sự hình trực tuyến của các đại gia công nghệ.
Vô hình chung, các ông lớn ngành kỹ thuật số giàu có ngang cỡ Amazon bỗng được đánh giá cao chẳng kém gì vị thế của những chính trị gia đối lập. Tiền sẽ đẻ ra quyền, và quả thực, những đầu óc kinh doanh như Bezos dễ gì chê quyền lực!