Mặt trái của công nghệ: Mỗi người sẽ không còn là một thế giới riêng!
(DNTO) - Sống trong thời đại thông tin kỹ thuật số phát triển như vũ bão, con người chẳng dễ là một thực thể bí mật như từng được định nghĩa.
Ở một khía cạnh nào đó, sống chung với thế giới mạng là một điều hạnh phúc. Nguồn dữ liệu khổng lồ về chiều dài lịch sử nhân loại và trải nghiệm của hàng tỷ người trên hành tinh đúng thực là một kho tàng quý. Dù thích hay không khi nhận ra điều này, Internet cũng đã trở thành một phần quan yếu trong đời thường mỗi người.
Chúng ta đều đang bị theo dõi
Tuy nhiên, sống trong thời đại thông tin kỹ thuật số, con người không còn là một thực thể bí mật như từng được định nghĩa nữa. Những gì thuộc về bạn đã được biết quá nhiều. Khi đi khám bệnh, đến công sở làm việc, truy cập các trang tin... bạn luôn “bị” một con chip nào đó âm thầm thu gom và phân tích thông tin. Thế mà ngày qua ngày, con "quái vật" công nghệ góp nhặt dữ liệu từ từng người thực sự đang bị “rò rỉ” qua nhiều lỗ hổng do nhờ nhiều vòi bạch tuộc thoắt ẩn thoắt hiện soi mói khó lường.
Ai cũng đều hiểu rõ về những lợi ích không nhỏ của những thiết bị kiểm tra sức khỏe điện tử: nhanh hơn, đầy đủ thông tin hơn, giảm thiểu sai sót và phát hiện bệnh sớm. Song có một điều mọi người ít biết, là chính họ cũng đang phiêu lưu với những thông tin riêng đang nằm gọn trong một máy chủ nào đó. Chúng sẽ chỉ có lợi cho cộng đồng khi thực sự được dùng để khảo sát quá trình phát triển một căn bệnh, là dữ liệu để chuyên gia cải tiến cách điều trị... Tuy nhiên, cũng có những vụ bệnh viện bán thông tin bệnh nhân cho các công ty truyền thông hay doanh nghiệp bảo hiểm với ý đồ trục lợi nào đó. Lúc ấy chỉ có trời mới biết, và rủi thay bạn lại là nạn nhân!
Sở thích của bạn về âm nhạc có lẽ là điều chưa chắc bạn đã tự nhiên thổ lộ với người khác. Thế mà, bạn lại thản nhiên “phơi” hết gan ruột mình ra khi nhấp chuột “chọn, bỏ qua, bookmark, like hay unlike, share...” hoặc điền thông tin để tải bài nhạc này bản clip kia xuống từ những ứng dụng nghe nhạc trực tuyến. Có người còn “chơi liều” xác nhận cả sở thích âm nhạc của bạn bè, người thân (nhiều lúc chẳng cần hỏi ý kiến họ) thì làm sao mà kho dữ liệu thông tin chẳng ngày càng phình ra.
Một gia đình gồm 3, 4 thành viên có thói quen khác nhau khi xem truyền hình cũng sẽ trở thành một lượng thông tin không nhỏ được thu thập qua các dịch vụ truyền hình cáp có đăng ký. Bạn xem lúc nào, thích kênh gì, đâu là mảng đề tài được chọn nhiều nhất... là đã có “kẻ ngồi ghi lại” những sở thích giải trí mà chưa chắc người thân thiết nhất của bạn đã tỏ tường.
Riêng mảng kinh doanh qua mạng đã xác tín một điều: kho dữ liệu càng lớn càng có nhiều khách hàng. Chỉ cần thu thập thông tin khách hàng đã, đang có khuynh hướng mua gì qua Internet (trả lời các câu hỏi trắc nghiệm hay điền phiếu....) một công ty lữ hành có thể tái cấu trúc lại hệ thống các dịch vụ của mình từ đưa đón, khách sạn, cửa tiệm bán hàng hay ăn uống... để sinh lời vượt bậc. Cứ xem bấy lâu nay trang mạng Amazon.com thu thập thói quen mua sắm của người dùng để lên kế hoạch quảng cáo thật hiệu quả là đủ biết!
Chuyện bạn dùng máy tính hay nấu nướng trong bao lâu, hết bao nhiêu năng lượng... thời buổi này đều dễ nắm gọn vì đã có đủ loại đồng hồ kế gắn trong các thiết bị gia dụng. Giữa cuộc chiến giành khách hàng, những ông lớn của ngành công nghiệp điện máy càng ngày càng cho ra đời những đồng hồ kế thông minh lẫn siêu vi vượt trội, được nhồi nhét như các tên trộm ẩn trong sản phẩm. Chúng bí mật, nhẩn nha thu thập các chi tiết dữ liệu về lối hành xử, thói quen tại gia của khách hàng mà chính chủ nhân cũng không hay. Từ đó công ty sản xuất cứ việc phân tích sàng lọc để biết đường lên phương án quảng cáo, tiếp thị và bán hàng.
Nhiều người trong chúng ta có lẽ sẽ lạc đường nếu không có các ứng dụng bản đồ cài đặt trong điện thoại di động. Bên cạnh cái lợi, chúng cũng là mối hại tiềm ẩn. Luôn có những phần mềm ghi nhận bạn đi đâu, đã qua những địa điểm nào lúc mấy giờ, nơi bị kẹt xe, có gặp tai nạn nào dọc đường... Tất tần tật những thông tin ấy đều được lưu lại thành một thứ hộp đen mà có muốn xóa bạn cũng không dễ làm như “delete” một cuộc gọi hay tin nhắn “nguy hiểm” trong điện thoại cá nhân. Bạn chỉ còn cách van vái để đừng bị liên lụy đến một sự cố nào từ chính những thông tin ấy!
Chỉ cần máy chủ của công ty được kiểm tra sít sao là đủ biết anh nhân viên nào dành nhiều giờ làm việc để chat hay gửi e-mail không cần thiết. Nhưng còn có cách theo dõi nhẹ nhàng đỡ mất công hơn nhiều: đó là rà soát thông tin mỗi người qua thẻ được quẹt khi ra vào công ty. Hành động đơn giản ấy là chìa khóa đủ để cho máy chủ dùng thuật toán giải mã bạn là ai, nhân viên cũ hay mới của phòng nào, tận tâm hay chểnh mảng...
Rò rỉ thông tin mọi lúc, mọi nơi
Khi tập thể dục, giảm cân, giữ dáng với những thiết bị hiện đại đeo trên người (sản phẩm của Fitbit, Nike hay Jawbone chẳng hạn) cũng là lúc bạn đang bị rò rỉ thông tin cá nhân chẳng khác gì dùng những dụng cụ kiểm tra sức khỏe điện tử. Chẳng cần ai rình mò theo dõi, thói quen ngủ, nghỉ, ăn uống, tập luyện của bạn cũng có thể lộ ra cho nhiều người biết. Tất cả đã được lưu giữ lại qua thiết bị mà bạn đồng hành mỗi ngày trên cơ thể.
Ngày nay, sở hữu một chiếc bốn bánh xem như chủ nhân của nó đã trở thành miếng mồi mới của con quái vật công nghệ chuyên thu nhập thông tin cá nhân. Các nhà sản xuất xe hơi lấy lý do an toàn giao thông và cải tiến dịch vụ “phục vụ khách hàng tận răng” yêu cầu bạn cung cấp các dạng thông tin riêng để họ nâng cấp dàn phanh, động cơ hay hệ thống tìm đường... Lúc đó, các máy chủ đã thu gom những gì về chủ xe mà chưa chắc họ đã nhớ hủy chúng đi. Như thế, bạn đừng lạ khi chuyến hành trình bí mật năm năm trước của mình bỗng nhiên có người biết. Lúc ấy, chuyện nó có bị lợi dụng để làm bạn bất lợi hay không còn tùy may, rủi!
Và cuối cùng, ngay cả khi có người nghĩ rằng ta không thèm “chơi” e-mail, cứ “bắn” tin đi theo kiểu cổ điển, tức gửi thư qua bưu điện, là yên tâm vì đã thoát được mạng lưới kỹ thuật số. Đừng vội mừng! Ngày nay, một số bưu điện sẽ chụp ảnh hai mặt bên ngoài từng phong bì, đưa vào xử lý phân tích để kiểm tra xem chúng có tẩm chất độc hóa học hay các thông tin bên ngoài có chứa những gì nhạy cảm không.
Đọc xong bài này có thể sẽ có người than: “Làm sao mà thoát?”. Xin thưa, nếu không thể làm một Robinson Crusoe nơi hoang đảo thì bạn cứ đành sống, chấp nhận “hên, xui” vậy thôi!