Shark Phú: ‘Nhờ có thương hiệu, Sunhouse có thể bán đắt hơn 5-10% người dân vẫn mua’
(DNTO) - Ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Sunhouse (Shark Phú) đã có những chia sẻ về ý nghĩa của việc xây dựng thương hiệu với sự phát triển của doanh nghiệp, tại Diễn đàn Thương hiệu Quốc gia Việt Nam 2022, chiều 20/4.
Ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Sunhouse cho biết, thời điểm bắt đầu kinh doanh, ông hoàn toàn không có khái niệm về thương hiệu. Vì vậy, lô hàng đầu tiên của Sunhouse tung ra thị trường nhưng không được người tiêu dùng đón nhận, mặc dù được sản xuất bằng dây chuyền công nghệ của Hàn Quốc, mẫu mã y chang thương hiệu ngoại nhập.
Thời điểm đó, thương hiệu gia dụng Happy Cook vào thị trường Việt Nam trước Sunhouse khoảng 10 năm và chiếm lĩnh thị trường Việt Nam, người tiêu dùng Việt chủ yếu sử dụng sản phẩm của thương hiệu này.
“Tôi cứ loay hoay không biết lý do. Qua quá trình tìm hiểu, tôi mới ngộ ra rằng sự khác nhau đó là do thương hiệu. Mặc dù người tiêu dùng biết mẫu mã giống nhưng không dám khẳng định chất lượng có giống hay không. Họ đã quen một thương hiệu nào đó rồi thì dù đắt hơn 5-10% họ cũng mua, hơn là thử cái mới”, ông Phú nói.
Đó là khái niệm đầu tiên về thương hiệu mà ông Phú ngộ ra. Và Sunhouse bắt tay vào việc điều chỉnh tiêu chuẩn kỹ thuật, cùng với đó là giảm giá sâu, từ 40-50%, hay mua 1 tặng 1, mua 3 tặng 1 để người tiêu dùng làm quen, vì “khi quen thì người tiêu dùng mới mua”.
Cũng theo vị Chủ tịch của Sunhouse, câu chuyện thương hiệu không phải tự dưng người dùng mua sản phẩm của doanh nghiệp, mà xuất phát từ một loạt hoạt động của doanh nghiệp để chứng minh lợi ích của sản phẩm. Và người tiêu dùng phải cảm nhận được họ nhận được nhiều lợi ích hơn sản phẩm cùng loại trên thị trường, từ đó, dần dần mới thuyết phục được người dùng. Khi sản phẩm có nhiều người dùng thì sẽ hình thành thương hiệu.
Ngoài ra, Sunhouse thuận lợi là một doanh nghiệp nhiều năm liền nhận danh hiệu Thương hiệu quốc gia Việt Nam. Điều này góp phần tạo dựng niềm tin cho người tiêu dùng. Đây là sức mạnh giúp Sunhouse chiếm lĩnh thị trường nội địa.
“Ngày trước Happy Cook gấp 10 lần Sunhouse thì hiện nay chúng tôi gấp khoảng 50 lần họ, sau 20 năm. Đó là quá trình chúng ta thành công trong xây dựng thương hiệu. Và giá bán, ví dụ cùng một sản phẩm, Sunhouse có thể bán đắt hơn 5-10% người dân vẫn mua. Trong khi những hàng chưa có thương hiệu, dù rẻ hơn 5-10% người dân vẫn không mua.
Như vậy, chuyện có thương hiệu và không thương hiệu tạo ra khác biệt rất lớn. Doanh số Sunhouse năm nay dự kiến khoảng 7.000 tỷ đồng, 10% chênh lệch là khoảng rất lớn và xứng đáng để chúng ta đầu tư cho doanh nghiệp. Đó là câu chuyện thương hiệu của doanh nghiệp, thương hiệu quốc gia cũng vậy, ví dụ một năm một quốc gia xuất khẩu 500 tỷ USD, nếu bán đắt hơn 10% thì lợi ích quốc gia lớn thế nào”, ông Phú bày tỏ.
Tuy nhiên, Shark Phú cũng cho biết, doanh nghiệp xây dựng thương hiệu thành công không có nghĩa được quyền bán giá cao hơn giá thị trường. Câu chuyện thương hiệu là niềm tin của người dùng vào thương hiệu, doanh nghiệp không thể lợi dụng niềm tin để lấy thêm tiền cho khách hàng vì điều đó có thể khiến thương hiệu mờ đi và mất đi. Muốn bán giá cao hơn đối thủ, người chủ phải có trách nhiệm gia tăng thêm lợi ích vào sản phẩm, như vậy thương hiệu ngày càng mở rộng và được tin dùng.
“Không phải thấy người tiêu dùng tin tưởng thì bán đắt hơn, vì lâu dần khi họ ngộ ra, các thương hiệu khác sẽ lấy mất khách hàng. Câu chuyện ở đây là khi doanh nghiệp có được niềm tin của khách hàng, cần tiếp tục gia tăng năng suất lao động, giảm chi phí, gia tăng hậu mãi để tổng lợi ích người dùng nhận được lớn hơn đối thủ cạnh tranh, lúc đó thương hiệu mới bền vững và tiếp tục lan tỏa”, ông Phú nói.