Cố giữ thương hiệu Việt cho người Việt không phải cách hay
(DNTO) - Quá quan trọng yếu tố sản phẩm Việt phải do người Việt làm chủ sẽ khiến nhiều sản phẩm mang thương hiệu Việt không thể lớn trên trường quốc tế
Sản phẩm Made in Việt Nam còn yếu thế
Trao đổi trong tọa đàm Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2020, sáng 29/12, ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, Phó Trưởng ban, Ban Thư ký chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam cho biết, hiện thương hiệu Việt vẫn đang trong giai đoạn xây dựng và phát triển. Hầu hết các doanh nghiệp ở Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, vì vậy nhận thức về giá trị thương hiệu vẫn còn hạn chế nên chưa chú trọng đến việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu.
Thương hiệu Việt còn yếu thế trên trường quốc tế, dẫn đến khi xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp Việt phải chấp nhận nhún nhường trước các đối tác.
Là một doanh nghiệp vật liệu xây dựng đã xuất khẩu tới 60 nước trên thế giới, trong đó có những thị trường cao cấp như Mỹ, châu Âu, Úc, Nhật… , ông Đinh Hồng Kỳ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Secoin cho biết, trong 20 năm xuất khẩu, mất 5-7 năm đầu, Sacoin bắt buộc phải sử dụng thương hiệu của đối tác nhập khẩu, thay vì thương hiệu Việt Nam. Những năm gần đây, khi vị thế Việt Nam tăng lên, Sacoin làm việc với từng đối tác, đưa ra những ưu đãi lớn để đối tác nhập khẩu chấp đề chữ “Made by Secoin in VietNam” vào sản phẩm xuất khẩu của Secoin.
“Trong tất cả sản phẩm xuất khẩu đi nước ngoài, có 60% sản phẩm được mang thương hiệu Secoin, chỉ 40% còn lại mang thương hiệu đối tác của nước nhập khẩu. Chúng tôi phải đề ra rất nhiều chính sách như cho đối tác độc quyền, tạo ra những thiết kế riêng cho họ độc quyền, với điều kiện bao bì nhãn mác có thể lấy thương hiệu của họ nhưng phải được ghi rõ ‘Made by Secoin in VietNam”, ông Kỳ cho hay.
Thương hiệu Việt cũng phải hội nhập
Theo ông Nguyễn Xuân Phú, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Sunhouse cho biết, định nghĩa thế nào là một thương hiệu Việt vẫn là đề tài gây tranh cãi trong dư luận. Đơn cử như tại Sunhouse, có tới 50% hàng sản xuất nội địa, 50% sản phẩm nhập khẩu (chủ yếu từ Trung Quốc), vậy có phải là thương hiệu Việt hay không?
Quan điểm của ông Phú cho rằng, mỗi sản phẩm đều nằm trong chuỗi giá trị từ khi còn là nguyên liệu thô cho đến khi tung ra thị trường. Trong chuỗi giá trị đó, mỗi mắt xích đều được định giá. Vì vậy cần ủng hộ mắt xích mang lại giá trị nhiều nhất cho đất nước và cho người tiêu dùng.
Ông Phú đưa ra ví dụ câu chuyện Bia Sài Gòn bán cho doanh nghiệp Thái Lan, người tiêu dùng nghĩ rằng thương hiệu Việt bị mất đi, nhưng thực tế Bia Sài Gòn chỉ mất 10% giá trị ra nước ngoài, còn 90% giá trị vẫn nằm ở Việt Nam. Hay câu chuyện SamSung, Adidas đặt trụ sở sản xuất tại Việt Nam nhưng giá trị trả lại cho người Việt chỉ khoảng 3-5%.
“Xu hướng toàn cầu hóa buộc doanh nghiệp tìm đến nơi có thể tạo ra sản phẩm tốt nhất và rẻ nhất. Chúng ta nên quan tâm thương hiệu đó để lại cho quốc gia đó bao nhiêu giá trị và tập trung đầu tư cho thương hiệu đó. Sản xuất ở đâu cũng có hàng tốt hàng xấu, quan trọng ai là người đứng ra chịu trách nhiệm trước người dùng về chất lượng sản phẩm và thương hiệu đó có hệ thống quản lý chất lượng ra sao mới quan trọng”, ông Phú nhấn mạnh.
Đồng tình và bổ sung thêm quan điểm này, bà Phạm Thị Kim Loan, Chủ tịch Hội đồng quản trị Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Ngân Hà cho biết, doanh nghiệp này vừa sản xuất, ứng dụng và thương mại hóa các dòng sản phẩm sáng chế, với 236 bằng sáng chế trên toàn cầu. Để bảo vệ thương hiệu của mình, Ngân Hà đã phải đầu tư tới 30 triệu USD để đăng kí bảo hộ sở hữu trí tuệ tại 60 quốc gia.
Tuy nhiên, bà Phạm Thị Kim Loan cũng cho biết, mặc dù các sản phẩm của Ngân Hà được đánh giá rất cao về chất lượng sản phẩm nhưng khi đi vào các thị trường bảo hộ, do thương hiệu quốc gia và thương hiệu sản phẩm Việt vẫn còn yếu nên đối tác còn ngần ngại hợp tác. Nếu doanh nghiệp Việt quyết tâm giữ sản phẩm 100% của người Việt sẽ mất đi rất nhiều cơ hội đến trường quốc tế.
“Xây dựng một thương hiệu tốt không cần hào nhoáng, phải từ nền móng vững chắc: sản phẩm tốt, dịch vụ tốt, chăm sóc khách hàng tốt, marketing tốt.... Nếu chỉ có người Việt phát triển thì không đủ năng lực chạy kịp với thế giới. Hiện sản phẩm của tôi vẫn thuần Việt nhưng nếu tôi không kêu gọi đầu tư và hợp tác từ đối tác quốc tế, 60 thị trường bảo hộ của tôi trên thế giới cũng không thể phát triển”, bà Loan cho hay.
Đại diện cơ quan quản lý nhà nước, ông Hoàng Minh Chiến cho hay, hiện Chính phủ đang giao cho Bộ Công thương xây dựng nghị định để xác định hàng hóa, sản phẩm Made in Việt Nam. Tuy nhiên các sản phẩm muốn tham gia thương hiệu quốc gia trước hết phải sản xuất tại Việt Nam và thuộc doanh nghiệp Việt theo Luật Doanh nghiệp. Khi các sản phẩm tham gia chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam sẽ có bộ tiêu chí rõ ràng đánh giá, và sẽ được hỗ trợ tập huấn nâng cao giá trị thương hiệu, quảng bá thương hiệu rộng rãi trong và ngoài nước.