Cuộc chạy đua 'bigger is better' của các trung tâm dữ liệu
![](https://media.doanhnhantrevietnam.vn/resize/50x50/files/user/2022/11/29/huyentrang-085122.jpg)
(DNTO) - Tâm lý "bigger is better" (càng lớn càng tốt) khiến cuộc chạy đua xây dựng trung tâm dữ liệu ở Việt Nam tiếp tục nóng, không chỉ với các doanh nghiệp nội địa mà còn giữa các tập đoàn công nghệ quốc tế.
![Ngoài quy mô và công suất hạ tầng, tiêu chí đánh giá trung tâm dữ liệu gồm có các tiêu chuẩn chứng nhận, hiệu suất vận hành và tiết kiệm năng lượng, bảo mật và an toàn dữ liệu cũng như khả năng kết nối và mở rộng. Ảnh: T.L.](https://media.doanhnhantrevietnam.vn/files/content/2025/02/15/trung-tam-du-lieu-1305.jpeg)
Ngoài quy mô và công suất hạ tầng, tiêu chí đánh giá trung tâm dữ liệu gồm có các tiêu chuẩn chứng nhận, hiệu suất vận hành và tiết kiệm năng lượng, bảo mật và an toàn dữ liệu cũng như khả năng kết nối và mở rộng. Ảnh: T.L.
“Sóng sau xô sóng trước”
Tính đến cuối quý 1/2024, Việt Nam có 33 trung tâm dữ liệu do 48 nhà cung cấp dịch vụ vận hành, nằm chủ yếu tại Hà Nội và TP.HCM, theo Báo cáo thị trường trung tâm dữ liệu (data center-DC) của Savill.
Trong đó, 97% thị phần thuộc về 4 doanh nghiệp nội địa là Viettel, VNPT, FPT Telecom và CMC Telecom, nhờ việc tận dụng lợi thế từ nền tảng trong lĩnh vực công nghệ thông tin, theo VNDIRECT.
Các nhà cung cấp quốc tế như AWS, Microsoft và Google chiếm 77,8% thị trường điện toán đám mây nhưng thiếu cơ sở hạ tầng trung tâm dữ liệu tại Việt Nam.
Cùng với sự phát triển nhanh chóng của thị trường, các doanh nghiệp đang không ngừng mở rộng quy mô để giành vị trí dẫn đầu. Điểm đáng chú ý trong cuộc chạy đua này là tâm lý "bigger is better" (càng lớn càng tốt). Khi một doanh nghiệp công bố trung tâm dữ liệu mới với quy mô khổng lồ, ngay lập tức đối thủ cạnh tranh sẽ tìm cách xây dựng một trung tâm dữ liệu lớn hơn.
Đơn cử tháng 10/2023, VNPT khai trương Trung tâm dữ liệu VNPT IDC Hòa Lạc với lời giới thiệu là quy mô lớn nhất Việt Nam (tổng diện tích sử dụng 23.000 m2 với quy mô 2.000 tủ racks) tại thời điểm đó. Nhưng hiện tại, trung tâm dữ liệu này chỉ còn lớn nhất về tổng diện tích sử dụng sử dụng.
Bởi tháng 4/2024, trung tâm dữ liệu thứ 14 của Viettel tại Hoà Lạc khai trương, có hơn 60.000 máy chủ, hơn 2.400 racks, 21.000 m2 mặt sàn, tổng công suất điện 30 MW, được giới thiệu lớn nhất Việt Nam, thực tế là có công suất điện lớn nhất Việt Nam.
FPT Telecom đã khởi công Trung tâm dữ liệu tại Khu Công nghệ cao TP. HCM, được giới thiệu là lớn nhất Việt Nam sau khi hoàn thành. Theo công bố ban đầu có diện tích 10.000 m2 và cung cấp 3.600 Racks. Nếu hoàn thành trong năm 2025, đây là trung tâm dữ liệu có lượng tủ rack lớn nhất Việt Nam.
Tâm lý "bigger is better" tạo ra một vòng xoáy liên tục, khi các công ty luôn muốn khẳng định vị thế dẫn đầu bằng cách sở hữu cơ sở hạ tầng mạnh hơn, dung lượng lưu trữ lớn hơn và tốc độ xử lý nhanh hơn. Điều này không chỉ diễn ra giữa các doanh nghiệp nội địa mà còn giữa các tập đoàn công nghệ quốc tế.
Các “ông lớn” quốc tế như Google và Amazon đang nhắm đến việc xây dựng các trung tâm dữ liệu hyperscale tại Việt Nam. Đây là những trung tâm có quy mô cực lớn, cung cấp dịch vụ cho hàng triệu người dùng cùng lúc.
“Biết người, biết ta”
![Việc Việt Nam đang dần mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực trung tâm dữ liệu sẽ khiến cuộc chạy đua](https://media.doanhnhantrevietnam.vn/files/content/2025/02/15/data-center-1308.jpeg)
Việc Việt Nam đang dần mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực trung tâm dữ liệu sẽ khiến cuộc chạy đua "bigger is better" ngày càng nóng. Ảnh: T.L.
Cuộc đua vào thị trường trung tâm dữ liệu tại Việt Nam ngày càng nóng hơn bao giờ hết. Chúng không còn chỉ là một sân chơi độc quyền của các doanh nghiệp viễn thông truyền thống mà còn thu hút các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới.
Một yếu tố khiến thị trường trở nên hấp dẫn hơn chính là việc Việt Nam đang dần mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực trung tâm dữ liệu. Luật Viễn thông mới, dự kiến có hiệu lực từ năm 2025, sẽ cho phép các công ty nước ngoài sở hữu 100% vốn tại các trung tâm dữ liệu trong nước. Điều này sẽ tạo ra một làn sóng đầu tư mới, nhưng cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp nội địa phải đối mặt với áp lực cạnh tranh lớn hơn.
Các doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế về hạ tầng sẵn có, sự am hiểu thị trường và khả năng cung cấp dịch vụ tuân thủ các quy định pháp luật trong nước. Tuy nhiên, các công ty công nghệ toàn cầu lại sở hữu công nghệ tiên tiến, quy mô lớn và tiềm lực tài chính mạnh mẽ.
Ngoài ra, vấn đề giá cả cũng là một yếu tố quan trọng. Doanh nghiệp Việt Nam thường có lợi thế về giá thành rẻ hơn so với các nhà cung cấp nước ngoài. Tuy nhiên, các ông lớn quốc tế lại có khả năng cung cấp dịch vụ với chất lượng cao, tốc độ xử lý nhanh và mức độ bảo mật tối ưu.
Mặc dù tiềm năng phát triển là rất lớn, thị trường trung tâm dữ liệu tại Việt Nam cũng đối mặt với không ít thách thức. Hạ tầng điện và kết nối internet vẫn là một vấn đề quan trọng, đặc biệt khi các trung tâm dữ liệu tiêu thụ một lượng điện năng khổng lồ. Ngoài ra, yêu cầu về bảo mật dữ liệu, tuân thủ quy định pháp lý cũng là một bài toán mà các doanh nghiệp cần giải quyết.
Sự cạnh tranh các Big Tech quốc tế buộc doanh nghiệp trong nước phải đầu tư không chỉ về quy mô hạ tầng mà còn về công nghệ và bảo mật dữ liệu để có thể cạnh tranh sòng phẳng.
Tuy nhiên, với sự hỗ trợ từ chính phủ và xu hướng chuyển đổi số ngày càng mạnh mẽ, thị trường này vẫn là một mảnh đất màu mỡ. Các doanh nghiệp nội địa nếu biết tận dụng lợi thế về hạ tầng, dịch vụ khách hàng và sự am hiểu thị trường thì vẫn có cơ hội cạnh tranh với các ông lớn quốc tế.