Những tác động đến nền kinh tế nếu tài sản số được công nhận ở Việt Nam
(DNTO) - Khi các tài sản số được công nhận hợp pháp, các giao dịch trở nên minh bạch hơn sẽ giảm thiểu các hoạt động phi pháp và đóng góp lớn vào GDP của Việt Nam.
Việt Nam hiện nay có hơn 20 triệu người sở hữu tài sản số và mỗi năm có tới 120 tỷ USD giao dịch tiền mã hoá. Như vậy, khoảng 4 người Việt Nam trưởng thành thì có 1 người đã sở hữu tài sản số và trung bình mỗi năm người này giao dịch tới 6.000 USD (khoảng 150 triệu đồng). Vì thế, thị trường Việt Nam cũng đang nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp quốc tế.
Đây là những con số thống kê từng được đại biểu Quốc hội đưa ra tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV vừa qua khiến không ít người giật mình. Bởi Việt Nam là nước đang phát triển, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt khoảng 3.743 USD, đứng thứ 124 toàn cầu nhưng lại là nước đứng thứ hai thế giới về tỷ lệ người sở hữu tài sản số.
Điều đặc biệt, tài sản số Việt Nam dù đã phát triển “nóng” trong thời gian qua nhưng chúng ta vẫn chưa có luật quản lý tài sản này. Việc chưa có khung khổ pháp lý đầy đủ cho tài sản số khiến nhà nước bỏ qua một mảng rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế số. Chưa kể, nhà nước sẽ thất thu thuế từ các giao dịch tài sản số không minh bạch. Ngoài ra, nguy cơ mất an toàn thông tin, mất an toàn xã hội từ giao dịch phi pháp...
Đó là lý do trong quý 2/2024, Thủ tướng Chính phủ đã kí ban hành Chiến lược quốc gia về ứng dụng và phát triển công nghệ chuỗi khối (blockchain). Đây là một trong những nỗ lực nhằm đưa Việt Nam ra khỏi danh sách xám của lực lượng đặc nhiệm tài chính toàn cầu FATF.
Bởi theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), khi rơi vào danh sách xám, quốc gia đó sẽ có nguy cơ mất khoảng 7,8% GDP. Chính vì vậy, việc đưa Việt Nam thoát khỏi với sách xám trước năm 2025 là một nhiệm vụ rất cấp bách.
Đặc biệt, Dự thảo Luật Công nghiệp Công nghệ số dự kiến được Quốc hội thông qua vào Quý 2/2025 sẽ tạo hành lang pháp lý bảo vệ quyền lợi người dùng, thúc đẩy kinh tế số và hoà nhập các tiêu chuẩn quốc tế về tài sản số.
Khi nhận thức đúng về tài sản số sẽ cho phép khai thông nguồn lực tiềm ẩn trên toàn cầu thay vì những nguồn lực truyền thống, sẽ có tác động dài hạn đến nền kinh tế.
Cụ thể, khi tài sản số được công nhận hợp pháp, các giao dịch trở nên minh bạch hơn, giảm thiểu các hoạt động phi pháp. Cùng với đó, các doanh nghiệp blockchain và tài sản số sẽ đóng góp đáng kể vào GDP thông qua các giao dịch được quản lý.
Điều này có thể thấy rõ từ xu hướng token hóa tài sản thực (RWA), tức cho phép mọi người mang tất cả các loại tài sản lên một mạng lưới giao dịch xuyên biên giới. Các đồng stablecoin do Tether phát triển là đại diện cho xu hướng này. Họ đã mang vào thị trường khoảng 40 tỷ USD. Đến thời điểm hiện tại, thị trường bắt đầu mang lên những loại tài sản khác như trái phiếu chính phủ, hàng hóa...
Theo dự báo của Tập đoàn Tư vấn toàn cầu BCG, tổng tài sản RWA sẽ chiếm 10% GDP toàn cầu vào năm 2030, đạt mức 16.000 tỷ USD, tăng gấp 20 lần so với mức 0,3 – 0,6% GDP toàn cầu hiện nay. Đây là con số rất là ấn tượng. Khi Việt Nam hoàn thiện khung pháp lý về tài sản số sẽ có thêm cơ hội tăng trưởng GDP.
Bộ Kế hoạch & Đầu tư mới đây cũng đề xuất về việc thử nghiệm sandbox các hoạt động trong lĩnh vực fintech (công nghệ tài chính), bao gồm các sàn giao dịch tài sản số và tiền số, tại các trung tâm tài chính dự kiến sẽ được thành lập tại TP.HCM và Đà Nẵng vào năm 2025. Những trung tâm này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp fintech, các tổ chức tài chính và các nhà đầu tư trong và ngoài nước, mở ra cơ hội phát triển bền vững cho nền kinh tế Việt Nam.
Khi tài sản số được công nhận, nhà nước cũng dễ dàng trong việc quản lý, giảm nguy cơ gian lận, rửa tiền, và các hoạt động phi pháp liên quan đến tài sản số. Nếu xây dựng được hệ thống quản lý hiệu quả cho các loại tài sản mã hóa, Nhà nước sẽ đảm bảo được tính minh bạch và an toàn thông tin và chống thất thu thuế.
Với việc xây dựng khung sandbox tạo điều kiện cho doanh nghiệp thử nghiệm và phát triển các mô hình kinh doanh blockchain sáng tạo, các ứng dụng blockchain có cơ hội triển khai mạnh mẽ trong các lĩnh vực kinh tế như tài chính, y tế, giáo dục, logistic... Tạo ra hệ sinh thái đổi mới sáng tạo bền vững, thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp và xã hội.
Khi thị trường tài sản số có sự tham gia quản lý của nhà nước, tức những đối tượng tham gia thị trường biết rõ những gì “được phép làm” và những gì “bị cấm”, họ sẽ tự tin hơn trong đầu tư và phát triển các hoạt động kinh doanh. Khi rủi ro về pháp lý bị loại bỏ, Việt Nam có cơ hội thu hút nguồn lực tư nhân, các nhà đầu tư quốc tế và có cơ hội trở thành Trung tâm Blockchain của khu vực.