NSUT- TS Hoàng Duẩn tiếp cận cách làm sân khấu du lịch thế giới

(DNTO) - Chào Show là chương trình nghệ thuật âm nhạc dân tộc mới ra đời tại TP.HCM. Show do đạo diễn Tất My Loan dàn dựng, nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng sáng tác tổ khúc Giang sơn gấm vóc gồm 12 bài cho 16 nghệ sĩ trình diễn trên 30 nhạc cụ âm nhạc của 54 dân tộc Việt Nam.
Để làm phong phú hơn, ông bầu Nguyễn Khắc Anh đã mời NSUT, tiến sĩ Hoàng Duẩn dàn dựng thêm một chương trình tạm đặt tên là MON Lửa đã cháy. Đây là một chương trình nhắm đến việc bảo tồn và lưu giữ trên nền tảng số những nét văn hóa độc đáo của các dân tộc tại Việt Nam.
Chúng tôi đã có buổi trao đổi với TS,NSUT Hoàng Duẩn để tìm hiểu thêm về show diễn này.

Chương trình được kỳ vọng đây sẽ là sản phẩm du lịch của TPHCM
Anh có thể cho biết đôi nét về Chào Show. Anh đánh giá chất lượng của chương trình ra sao ?
NSUT, TS Hoàng Duẩn: Đây là một chương trình âm nhạc dân tộc Việt vừa mới ra đời tại TP.HCM nhưng đã nhận được đánh giá cao về khả năng thu hút khách du lịch. Ở đó, Chào Band trình diễn 30 nhạc cụ dân tộc Việt Nam. Tiêu biểu có thể kể sơ lượt như đàn môi, khèn Thái, trống chầu, trống nêm, K’kongput, đàn bầu, đàn nguyệt, đàn tam thập, cồng chiêng, tù và, đàn tre… Trong đó, có những nhạc cụ được sưu tầm hay được “săn” từ những vùng núi hẻo lánh.
Cụ thể, từ thứ ba đến chủ nhật, mỗi đêm trên sân khấu có 8 nghệ sĩ. Hôm nay, 8 nghệ sĩ này thăng hoa, thì đêm kế tiếp sẽ đến lượt 8 nghệ sĩ khác phiêu cùng cảm xúc. Mỗi nghệ sỹ có một chuyên ngành riêng ở nhạc viện nhưng lên sân khấu sẽ hoán đổi biểu diễn 5-7 nhạc cụ khác nhau trong tổng số 30 nhạc cụ. Họ sẽ đưa khán giả trôi theo cảm xúc bềnh bồng từ cao nguyên đá Tây Bắc đến xứ Huế mộng mơ, vòng lên đại ngàn cao nguyên, rồi về thăm âm hưởng dân ca miền Tây sông nước.
Vậy theo anh, đâu là những điểm đặc biệt của Chào Show ?
Ý tưởng khá hay, tiếp cận được cách làm sân khấu du lịch của thế giới. Kể được câu chuyện văn hoá Việt Nam hấp dẫn. Nghệ sĩ tốt, tâm huyết. Công nghệ sân khấu âm thanh, ánh sáng tốt. Tôi đánh giá cao giám đốc âm thanh Hữu Thắng, một người Việt trẻ đã học chuyên ngành âm học tại Pháp và Thuỵ Sỹ. Trước đây, Thắng thiết kế âm thanh cho nhiều ca sĩ hàng đầu như Mỹ Tâm, Hà Anh Tuấn. Sau đó, Thắng tạm dừng để sang Pháp học cao học. Chào Show là dự án trở lại đầu tiên của Thắng sau khi lấy bằng thạc sĩ về Electro-acoustics ở Pháp. Âm thanh của Chào Show được đánh giá là hoàn hảo.
Bởi vì, nó được thiết kế và triển khai hệ thống Immersive của Harman (tập đoàn âm thanh chuyên nghiệp lớn sở hữu các thương hiệu lớn: JBL, Soundcraft, dbx, FLUX….). Khán phòng được xử lý âm học tốt kết hợp với hệ thống âm thanh Immersive (20.4) này, khán giả ngồi trong khán phòng sẽ có trải nghiệm đồng nhất tại các vị trí khác nhau.
Các nghệ sĩ trên sân khấu cũng sẽ nghe chung âm thanh với khán giả chứ không cần hệ thống riêng nên tất cả mọi người trong khán phòng đều hòa trong âm nhạc một cách tự nhiên nhất. Hệ thống âm thanh immersive cũng cho phép tạo ra chuyển động cho các âm thanh trong không gian (tiếng nước, tiếng chim, tiếng dế…).

NS Hoàng Duẩn (người đeo khăn rằn) đánh giá cao về Chào Show
Nói chung đây là mô hình công nghiệp văn hoá tiếp cận được nét hiện đại của thế giới đáng biểu dương và nhân rộng. Làm thế nào ông bầu Chào Show biết đến anh để mời anh tham gia dàn dựng cho chương trình diễn ra vào tối thứ hai?
Ông bầu Nguyễn Khắc Anh là một người đam mê nghệ thuật Việt và luôn đau đáu khát khao góp sức lan toả giá trị truyền thống Việt qua mô hình sân khấu. Vừa qua, vở kịch do tôi đạo diễn cho sân khấu IDECAF tên "Tả quân Lê Văn Duyệt : Người mang 9 án tử” đã thu hút khán giả đông bất ngờ. Anh Khắc Anh biết tôi từ đây rồi tìm hiểu tôi khá nhiều qua nhiều lễ hội văn hoá Việt Nam các vùng miền tôi làm đạo diễn ở Đắk Lak, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng… Đó là những sự kiện liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số.
Hiện nay, tối thứ hai không diễn. Vì vậy, ông bầu Khắc Anh mời tôi triển khai dự án tên tạm thời là “MON Lửa đã cháy”. Đây là một chương trình nhắm đến việc bảo tồn và lưu giữ trên nền tảng số những nét văn hóa độc đáo của các dân tộc tại Việt Nam, thông qua các câu chuyện và âm nhạc, sẽ được tổ chức tại Chào show 2 tháng 1 lần vào tối thứ 2 đầu tháng. Chương trình nghệ thuật này hướng tới phục vụ du khách, nhưng đối tượng ngoài những nghệ sĩ chuyên nghiệp thì còn có các nhóm nhạc, nghệ nhân là người đồng bào các dân tộc tham gia biểu diễn.

Dự án này còn đi kèm mỗi chương trình là 1 số phát sóng trên các kênh truyền hình, mạng xã hội về âm nhạc, múa, ẩm thực, văn hoá của các dân tộc. Ghi hình tại địa phương nơi có không gian văn hoá của các dân tộc đó. Ví dụ như nhà Rông, nhà Dài, thám Chăm, chùa khmer, sông, suối, hồ có liên quan đến tộc người đó. Trong đó, chuyên gia về văn hoá, nghệ thuật, ẩm thực thuyết trình, phân tích, giáo lưu. Thậm chí bên Chào show ký kết hợp tác với Khoa quản lý văn hoá, nghệ thuật – Trường Đại học văn hoá TP.HCM để đưa các chương trình đã quay hình làm tài liệu giảng dạy.
Cảm ơn anh về buổi trò chuyện!