Trang tiếp theo của metaverse, NFT
(DNTO) - Thăng hoa rồi thoái trào chỉ trong vài năm, metaverse, NFT thực sự khiến nhiều người hoài nghi về tương lai của nó sẽ ra sao khi kinh tế toàn cầu chưa hoàn toàn hồi phục.
Từng đưa nhiều founder, nhà đầu tư lên đỉnh cao nhưng cũng nhanh chóng khiến họ “ngậm trái đắng”, metaverse (vũ trụ ảo) và NFT (tài sản ảo đại diện cho các vật phẩm thật) vẫn tồn tại trên thị trường, nhưng được nhắc đến một cách thận trọng hơn, chắc chắn hơn và thực tế hơn.
TS Huỳnh Nhật Nam, Giảng viên bộ môn Khoa học Dữ liệu, Trường Đại học FulBright Việt Nam, cho biết nếu nhìn metaverse trong góc nhìn chuyển đổi số thì đây là sự tiếp tục hiển nhiên của công nghiệp 4.0.
Công nghiệp 4.0 đầu tư rất lớn về công nghệ và hạ tầng để tăng hiệu quả cho doanh nghiệp thông qua tự động hoá, đưa ra dự báo và thu thập dữ liệu. Sau khi đầu tư rất nhiều hạ tầng và công nghệ, thì một nhu cầu xuất hiện trong các tổ chức, doanh nghiệp là làm sao tương tác và khai thác được với dữ liệu đó. Các công cụ mới để hợp tác, truyền đạt thông tin với nhau như thế nào để hiệu quả hơn. Metaverse cung cấp đúng các công cụ đó, các công cụ giúp mọi người tương tác và hợp tác kĩ thuật hiệu quả hơn trên nền tảng đó.
TS Nam cho biết metaverse tạo ra cho mọi người môi trường để tìm ra các kiến thức mới, đặc biệt là các ứng dụng trong hoạt động quản lý kinh doanh, doanh nghiệp. Nếu không có metaverse hoặc theo cách truyền thống, doanh nghiệp phải đầu tư một thực thể hoặc quy trình thực để thí nghiệm trên đó. Nhưng có metaverse, chúng ta không nhất thiết phải làm điều đó.
Ví dụ trong việc trainning nâng cao năng lực cho nhân viên, doanh nghiệp sẽ giảm chi phí đầu tư tài sản vật lý, không nhất thiết phải đầu tư hạ tầng hay quy mình mẫu để thử nghiệm. Từ thử nghiệm giả lập đó cũng xác định được sự thiên lệch trong việc ra quyết định của mọi người, giảm thiểu rủi ro khi ra quyết định.
“Nhiều công ty Nhật Bản hiện nay đang sử dụng metaverse nâng cao trải nghiệm khách hàng. Đặc biệt trong đào tạo kĩ năng cho nhân viên. Các nhân viên kì cựu, những người không thể tham gia lực lượng lao động (quá tuổi, khiếm khuyết ngoại hình…) giờ đây training lại cho nhân viên khác. Đương nhiên họ vẫn có thể tổ chức training kiểu truyền thống nhưng cách này lại không thể nhập vai giống như trong metaverse”, ông Nam nói trong Tọa đàm "Tri thức Khai mở Kỷ nguyên số" mới đây.
Trong thị trường metaverse, không thể không nhắc tới sự tồn tại của NFT. Giá trị của NFT đến từ việc xác minh tính độc nhất của các ấn phẩm, vật phẩm số. Từ đó mở ra các cơ hội đầu tư cho các nhà đầu tư.
Nhưng sự “thổi phồng” quá mức của nhiều bộ sưu tập NFT thời gian qua đã khiến nhiều nhà đầu tư nhận trái đắng. Nhưng theo chuyên gia, một khi metaverse vẫn tiếp tục phát triển, thì thị trường NFT vẫn tiếp tục tăng trưởng.
Ông Phan Minh Đạt, Giám đốc Trung tâm Tài sản số, Trưởng ban chuyên môn Liên minh NFT Việt Nam cho biết, NFT lần đầu xuất hiện trên thị trường vào năm 2012, nhưng trải qua một thời gian dài trầm lắng, tổng vốn hoá thị trường lúc đó chỉ vài trăm nghìn USD.
Tới 2018 -2019, vốn hoá thị trường tăng lên vài triệu USD. Nhưng giai đoạn sôi động nhất là 2020-2021, con số này tăng lên vài trăm triệu cho tới 10 tỷ USD. Ngay cả sau giai đoạn downtrend năm 2022, thị trường này vẫn tiếp tục tăng trưởng và đạt đỉnh 40 tỷ USD vào tháng 10/2023.
“Trong 5 năm qua, có một số loại tài sản tăng trưởng rất lớn, trong đó NFT”, ông Đạt nhận định.
Vị này cho biết, lịch sử của thị trường NFT không thể không nhắc đến giai đoạn bùng nổ của GameFi (trò chơi blockchain có thể kiếm tiền), trong đó các “kỳ lân” liên tục phát hành các NFT và được định giá rất cao. Tuy nhiên sau thời kỳ tăng trưởng, sụt giảm và bình ổn, thị trường GameFi đang ở giai đoạn tìm về giá trị thực, hết giai đoạn này sẽ tăng trưởng trở lại.
Ông Đạt cho biết, trong thế giới tài sản số dựa trên blockchain, NFT vẫn có tính thanh khoản cao, có thể mua bán được ngay. Vì tài sản số cần thứ để định danh, đó là NFT. Những tài sản vật lý có gì, NFT sẽ đưa qua tài sản số được. Ban đầu là định danh các bộ sưu tập, cho đến các giá trị nghệ thuật, sau đó những vật phẩm trong game.
“Ban đầu các vật phẩm trong game phụ thuộc vào các công ty phát hành game. Nhưng khi định danh xong, nó có thể được mua bán trên thị trường đại chúng. Nếu metaverse tiếp tục phát triển thì những thứ trong đó sẽ tiếp tục được định danh bằng NFT để mua bán”, ông Đạt nhận định.
Tuy nhiên, việc tham gia thị trường metaverse hiện nay vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Một khảo sát do Nokia và Ernst & Young thực hiện với 680 lãnh đạo doanh nghiệp ở Bắc Mỹ, châu Âu và Đông Á, cho thấy nhiều doanh nghiệp phải vượt qua rào cản pháp lý khi triển khai các ứng dụng metaverse.
“Với một công nghệ mới như metaverse, những lỗ hổng về an ninh có thể chưa lường trước được. Metaverse xây dựng lên bằng dữ liệu, hoạt động bằng việc chia sẻ dữ liệu thì rủi ro về mất dữ liệu rất lớn. Ngoài ra, với các công ty ứng dụng metaverse hiện nay, nảy sinh lo ngại rằng họ có thể thông qua đó để kiểm soát nhân viên của mình”, TS Huỳnh Nhật Nam cho biết.