Suy thoái kinh tế ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển Metaverse
(DNTO) - Thị trường kinh tế lẫn tài chính toàn cầu vào năm 2022 chịu nhiều biến động, điều này tác động không nhỏ vào ngành công nghiệp cũng như các công ty đang theo đuổi mục tiêu phát triển Metaverse.
Trong đại dịch, khái niệm Metaverse trở nên phổ biến và phát triển mạnh khi nhiều người phải ở nhà, nhu cầu giao tiếp online tăng cao. Được xem là bước ngoặt công nghệ, kể từ đó nhiều nhà sản xuất chip đến các công ty công nghệ, giải trí khắp thế giới đều đang chạy đua trong việc xây dựng và đầu tư vào vũ trụ ảo để không bị bỏ lại phía sau.
Tuy nhiên, kể từ sau đại dịch, nhiều công ty đang phải gồng mình để tiếp tục các dự án của mình do tác động của khủng hoảng kinh tế, lạm phát tăng vọt và lãi suất leo thang, chưa kể thị trường tài chính cổ phiếu liên tục giảm điểm.
Theo Revelio Labs, bộ phận lao động trong lĩnh vực Metaverse đang sụt giảm nhanh chóng, lượng việc làm và thông tin tuyển dụng liên quan đến Metaverse giảm 81% so với quý IV năm ngoái. Cùng với đó, các công ty hay dự án về vũ trụ ảo cũng đang thu hẹp hoạt động, cắt giảm nhân lực.
Meta là một ví dụ điển hình, công ty cho thấy rõ tham vọng của mình sau khi đổi tên thương hiệu vào năm ngoái. Gã khổng lồ mạng xã hội cũng đã rót rất nhiều vốn và nhân lực cho mục tiêu của mình, khởi đầu tương đối thuận lợi nhưng điều này không kéo dài lâu khi bước vào năm 2022.
Năm nay, Meta đã sa thải gần 11.000 nhân viên, trong đó gồm nhiều nhân viên đang làm việc tại các phòng thí nghiệm Metaverse. Việc cắt giảm này sẽ ảnh hưởng đến quá trình sản xuất thiết bị AR-VR, Quest và Quest Pro cũng như nền tảng trực tuyến Horizon Worlds. Việc này đã khiến người người đặt câu hỏi cho sự tiến bộ của Metaverse sau này.
Không chỉ riêng Meta, các công ty công nghệ đang có làn sóng cắt giảm nhân lực ồ ạt trước tình trạng khó khăn trong việc vận hành và suy thoái kinh tế.
Gã khổng lồ thương mại điện tử Amazon cũng thông báo cắt giảm 10.000 nhân viên, vị trí sa thải chủ yếu từ bộ phận phát triển công nghệ điều khiển giọng nói Alexa.
Hai gã khổng lồ khác Apple và Microsoft đang khá dè chừng cho việc rót vốn hay đầu tư vào Metaverse. Nhà sản xuất Iphone cho biết sẽ phát triển kính thực tế tăng cường (AR) tuy nhiên là phải chờ thêm vài năm nữa, tương tự việc phát triển tai nghe Hololens của Microsoft.
Về cơ bản, thị trường đang suy thoái, việc giữ giá cổ phiếu của nhiều công ty công nghệ đang gặp khó khăn chưa kể đến việc phát triển hay nghiên cứu sản phẩm mới như Metaverse, việc duy trì hoạt động liên tục đang trở thành thách thức. Tương lai của Metaverse đang phụ thuộc nhiều vào các công ty công nghệ, với kịch bản hiện tại, có thể phải chờ đợi rất lâu nữa để có thể chứng kiến sự phát triển đột phá trong ngành vũ trụ ảo non trẻ này.