Để 'bữa tiệc gọi vốn' trở lại thị trường mạo hiểm Việt Nam
(DNTO) - Vấn đề pháp lý và cơ sở hạ tầng công nghệ chưa hoàn thiện là nguyên nhân chính khiến dòng vốn đầu tư mạo hiểm ngần ngại vào Việt Nam. Cải thiện được 2 yếu tố này, vốn đầu tư sẽ thăng hoa trở lại.
Năm 2024, sự nổi lên của các ngành công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), y tế kỹ thuật số, blockchain và năng lượng sạch giúp thị trường đầu tư mạo hiểm duy trì được sức nóng với tổng vốn 950 tỷ USD. Theo dự báo từ CB Insights, quy mô toàn cầu của thị trường đầu tư mạo hiểm năm 2025 có thể đạt mức 1.1 nghìn tỷ USD. Đặc biệt, lĩnh vực AI được kỳ vọng đạt tốc độ tăng trưởng 25% so với năm 2024.
Tại Việt Nam, tổng vốn đầu tư mạo hiểm năm 2024 đạt 1.3 tỷ USD và được dự báo tăng 50% lên mức hơn 2 tỷ USD vào năm 2025, theo Do Ventures. Trong đó, các lĩnh vực chủ lực như fintech (công nghệ tài chính), edtech (công nghệ giáo dục) và thương mại điện tử chiếm hơn 70% tổng vốn đầu tư.
Những con số trên tiếp tục khẳng định khẩu vị của các nhà đầu tư quốc tế từ nhiều năm nay, tức họ luôn quan tâm đến đến các lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng nhanh và khả năng sinh lời cao, dù trên thị trường toàn cầu hay ở thị trường Việt Nam.
Thực tế, các lĩnh vực như fintech, thương mại điện tử và y tế kỹ thuật số vẫn luôn là những "miếng bánh ngọt" thu hút lượng lớn vốn đầu tư. Trong 2 năm trở lại đây, mặc dù lượng vốn đầu tư vào các lĩnh vực trên sụt giảm do khó khăn về kinh tế, nhưng sự nổi lên của AI tiếp tục đốt nóng cuộc đi săn của những “cá mập” như Sequoia Capital, Andreessen Horowitz, SoftBank Vision Fund hay Tiger Global… Họ đã không ngại chi tới 30% danh mục của mình rót vào các startup AI trong năm 2024.
Dù tiềm năng lớn, thị trường đầu tư mạo hiểm toàn cầu cũng đối mặt với không ít thách thức. Thách thức lớn nhất phải kể đến là các yếu tố như bất ổn địa chính trị và tranh chấp kinh tế giữa các siêu cường. Đặc biệt, châu Âu chỉ dự kiến tăng trưởng 10% do các quy định nghiêm ngặt về bảo mật dữ liệu. Điều này khiến các nhà đầu tư phải cân nhắc kỹ hơn, thận trọng hơn khi xuống tiền cho bất kì thị trường, dự án nào.
Mặc dù công nghệ vẫn là ngôi sao trong thị trường đầu tư mạo hiểm toàn cầu và Việt Nam, tuy nhiên khả năng thu hút vốn mạo hiểm của mỗi thị trường không giống nhau. Trong khi thị trường toàn cầu đa dạng và mở rộng quy mô ở nhiều lĩnh vực, Việt Nam vẫn phụ thuộc khá lớn vào vốn nước ngoài và chỉ tập trung vào một số ngành ưu tiên như fintech và thương mại điện tử. Vì vậy, ngay cả khi dòng vốn mạo hiểm toàn cầu thăng hoa trở lại thì nó vẫn chỉ là câu chuyện xu hướng. Việc Việt Nam có đón đầu được xu hướng này không vẫn nằm ở việc chúng ta có thể cải thiện những hạn chế hiện tại hay không.
Thị trường Việt Nam đang có lợi thế về nguồn nhân lực trẻ với chi phí thấp hơn khoảng 30% so với Singapore. Ngoài ra, các startup Việt có khả năng nhanh chóng nắm bắt công nghệ, cung cấp giải pháp phù hợp văn hóa và thị hiếu người dùng trong nước, có thể tạo nên giá trị cạnh tranh riêng biệt. Chi phí xây dựng và vận hành doanh nghiệp thấp cũng giúp các startup Việt có lợi thế cạnh tranh.
Nhưng thị trường Việt Nam vẫn tồn tại không ít rào cản. Theo World Bank, hơn 60% nhà đầu tư quốc tế đánh giá rằng các vấn đề pháp lý và cơ sở hạ tầng công nghệ chưa hoàn thiện là nguyên nhân chính cản trở dòng vốn. Cụ thể, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam chỉ đạt 45% so với tiêu chuẩn quốc tế, dẫn đến rủi ro lớn cho các ý tưởng sáng tạo.
Thêm vào đó, Việt Nam cũng phải đối mặt với cạnh tranh từ các quốc gia mới nổi trong khu vực. Đơn cử như Indonesia được dự báo đạt mức tăng trưởng vốn đầu tư lên tới 70% vào năm 2025 nhờ chính sách khuyến khích đầu tư mạnh mẽ và hệ sinh thái khởi nghiệp ngày càng hoàn thiện.
Startup Việt Nam mặc dù nhanh nhạy nhưng hạn chế là quy mô nhỏ, thiếu vốn dài hạn và khó khăn trong việc vươn ra thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp còn non trẻ chưa chú trọng xây dựng thương hiệu và chiến lược dài hạn, dẫn đến khó khăn khi cạnh tranh trên quy mô toàn cầu.
Năm 2025 là cơ hội vàng để Việt Nam đẩy mạnh phát triển thị trường đầu tư mạo hiểm. Việc cải cách pháp lý nhằm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng công nghệ là yếu tố then chốt. Hơn nữa, việc hợp tác chặt chẽ giữa các nhà đầu tư quốc tế và đối tác địa phương có thể giúp tận dụng tối đa tiềm năng thị trường.
Về phía startup, cần tập trung nâng cao năng lực quản trị, học hỏi kinh nghiệm từ các quỹ đầu tư quốc tế và xây dựng chiến lược phát triển bền vững. Nếu vượt qua các thách thức hiện tại, Việt Nam sẽ khẳng định vị thế là một điểm đến đầu tư mạo hiểm hàng đầu khu vực.