Dòng vốn đầu tư mạo hiểm dư thừa đang nhắm đến Việt Nam
(DNTO) - Chuyên gia cho biết các doanh nghiệp khởi nghiệp hiện nay không thiếu cơ hội tiếp cận vốn, vấn đề nằm ở cách tiếp cận và làm việc với các quỹ đầu tư.
Năm 2023, Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu GII (Global Innovation Index) của Việt Nam được xếp hạng 46/132 quốc gia, nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2022. Ngoài ra, Việt Nam là một trong 3 quốc gia có kết quả đổi mới sáng tạo vượt trội hơn so với mức độ phát triển trong 13 năm liên tiếp. Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đã tăng từ vị trí thứ 5 lên vị trí thứ 3 trong số 6 nền kinh tế hàng đầu Đông Nam Á.
Chia sẻ trong Diễn đàn Đổi mới sáng tạo trong bối cảnh chuyển đổi số và phát triển bền vững sáng 5/6, ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra với quy mô lớn, các công nghệ như AI đang phát triển tốc độ rất nhanh. Do đó, giai đoạn hậu Covid-19, Việt Nam cần tìm kiếm động lực mới để tạo ra một giai đoạn tăng trưởng tiếp theo.
Hiện nay, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia là ưu tiên hàng đầu của nhiều quốc gia trên toàn cầu. Đặc biệt, đổi mới sáng tạo được xem là lợi thế cạnh tranh mới. Ông Thịnh cho biết, gần đây, trong các cuộc họp giữa các cơ quan của Bộ Kế hoạch và Đầu tư với các quỹ đầu tư, nhà đầu tư quốc tế đã nhắc đến hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Việt Nam như một lợi thế, bên cạnh những lợi thế đã có như tình hình chính trị ổn định, nguồn nhân lực dồi dào.
“Việc tăng thứ hạng trong hệ sinh thái sáng tạo thế giới là lợi thế đầu tư. Chúng ta nói nhiều về việc phải thành lập quỹ đầu tư này kia, tuy nhiên dòng vốn đầu tư thế giới hiện nay đang dư thừa và họ đang đẩy về phía Việt Nam. Chúng ta cần tận dụng dòng vốn này”, ông Thịnh nói.
Đồng quan điểm cho rằng dòng vốn đầu tư cho doanh nghiệp, startup không thiếu, tuy nhiên bà Nguyễn Thy Nga, Viện trưởng Viện Quản trị Chính sách và Chiến lược phát triển, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết nguyên nhân khiến dòng vốn này khó giải ngân là cơ chế hợp tác, làm việc giữa các bên.
Bà cho biết đơn vị này đã kết nối nhiều quỹ về Việt Nam trong thời gian qua nhưng rất nhiều lần bị đổ bể. Bởi giữa các bên không thể nói chuyện với nhau. Đơn vị trung gian họ nói ngôn ngữ của chính sách, truyền thông chứ không nói ngôn ngữ của doanh nghiệp.
Hiện Việt Nam có nhiều chính sách về đổi mới sáng tạo, nhưng lại nằm rải rác ở nhiều văn bản pháp luật. Tương tự cũng có nhiều trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp khác nhau ở các bộ ngành, nhưng lại không có sự liên kết với nhau và liên kết với truyền thông. Điều này có thể khiến doanh nghiệp bị “nhiễu thông tin” khi tiếp cận với các chính sách, tức không biết tiếp cận chính sách nào, đơn vị hỗ trợ nào phù hợp.
“Vốn nhiều nhưng không thể nói chuyện với nhau, không thể hiểu nhau dẫn tới khó làm việc, hợp tác với nhau. Doanh nghiệp họ tự tìm nhau để làm việc trực tiếp, thậm chí có những doanh nghiệp làm việc ngầm với nhau mà không ai biết. Nhiều doanh nghiệp chia sẻ rằng họ không muốn chúng tôi hỗ trợ, kết nối và truyền thông. Họ cho rằng làm như vậy giống như ‘bôi mỡ vào miệng’ vì sẽ có nhiều đơn vị không nằm trong mục tiêu của họ tìm đến, gây nhiễu thông tin”, bà Thy Nga cho biết.
Một nguyên nhân cơ bản khác khiến doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn nằm ở chính doanh nghiệp. Ông Phan Thanh Hà, Thành viên Hội đồng Thành viên, Giám đốc Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết doanh nghiệp không chú trọng làm hồ sơ, sổ sách chuẩn chỉnh dẫn tới khó tiếp cận vốn.
Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách với mục tiêu cung cấp vốn, tài trợ vốn trực tiếp và gián tiếp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Lãi suất cho vay là 1,2%/năm (ngắn hạn) và 4,4%/năm (trung và dài hạn), bằng 80% mức thấp nhất lãi suất cho vay thương mại.
Tuy nhiên, trong quá trình tiếp cận vốn, rất nhiều doanh nghiệp gặp lỗi trong hoàn thiện báo cáo tài chính, các giấy tờ liên quan đến bảo hiểm xã hội, hợp đồng hợp tác kinh doanh với đối tác hay hồ sơ chứng minh nguồn vốn chủ sở hữu, số liệu giữa các loại hồ sơ chưa phù hợp... Đây là những lỗi cơ bản khiến quỹ và ngân hàng liên kết khó thẩm định và ra quyết định hỗ trợ vốn, cho vay vốn.
Để đổi mới sáng tạo trở thành động lực, lợi thế phát triển mới, các chuyên gia nhắc đến vai trò của các “bầu sô khởi nghiệp”, tức các đơn vị kết nối trung gian. Trong đó, cần phát triển hệ thống các trung tâm đổi mới sáng tạo từ cấp quốc gia, đến ngành và các vùng và tăng cường liên kết với các mạng lưới đổi mới sáng tạo, mạng lưới khởi nghiệp.
“Cần đẩy mạnh huy động nguồn vốn của các dự án hỗ trợ ODA, xây dựng chương trình, dự án lớn dài hạn, có trọng điểm sử dụng ngân sách nhà nước để tài trợ, hỗ trợ cho các trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, doanh nghiệp, startup và nhân tài”, đại diện NIC đề xuất.