Thị trường đầu tư mạo hiểm Đông Nam Á sau cú “thổi phồng” doanh thu của kỳ lân eFishery
![](https://media.doanhnhantrevietnam.vn/resize/50x50/files/user/2022/11/29/huyentrang-085122.jpg)
(DNTO) - Xu hướng suy giảm của năm ngoái đặt ra nhiều thách thức hơn đối với thị trường đầu tư mạo hiểm Đông Nam Á. Mặc dù một số lĩnh vực vẫn duy trì sức hấp dẫn nhưng toàn bộ thị trường cần những điều chỉnh sâu sắc để vực dậy.
![eFishery như giáng thêm đòn vào thị trường đầu tư mạo hiểm Đông Nam Á vốn vẫn đang đầy sự e ngại. Ảnh: T.L.](https://media.doanhnhantrevietnam.vn/files/content/2025/02/13/efishery-1330.jpeg)
eFishery như giáng thêm đòn vào thị trường đầu tư mạo hiểm Đông Nam Á vốn vẫn đang đầy sự e ngại. Ảnh: T.L.
Cú sốc eFishery
Một trong những sự kiện gây chấn động thị trường startup Đông Nam Á trong năm 2024 là vụ bê bối tài chính của eFishery, một startup kỳ lân của Indonesia trong lĩnh vực công nghệ nuôi trồng thủy sản. Công ty này bị cáo buộc thổi phồng doanh thu lên gần 600 triệu USD để thu hút vốn đầu tư từ các quỹ lớn.
Vụ việc diễn ra trong một năm mà thị trường đầu tư mạo hiểm tại Đông Nam Á vẫn nhiều biến động. Tổng vốn rót vào các startup trong khu vực chỉ đạt 2,84 tỷ USD qua 420 vòng gọi vốn, giảm 59% so với năm 2023, theo DealStreetAsia.
Mặc dù sự sụt giảm này đến từ nhiều yếu tố, trong đó tình trạng lãi suất cao và môi trường kinh tế toàn cầu không chắc chắn đã khiến các quỹ đầu tư trở nên thận trọng hơn. Theo báo cáo của Bain & Company, chỉ có 36% nhà đầu tư tin tưởng vào khả năng phục hồi nhanh chóng của thị trường startup Đông Nam Á, giảm so với mức 52% vào năm 2022.
Nhưng vụ bê bối tài chính của eFishery như “đổ thêm dầu vào lửa”, càng khiến các quỹ đầu tư thận trọng hơn.
Hệ quả của bê bối này đối với thị trường đầu tư mạo hiểm khu vực có thể thấy rõ ở việc các quỹ đầu tư hiện yêu cầu kiểm toán tài chính nghiêm ngặt hơn, sử dụng dữ liệu thời gian thực để đánh giá tình hình kinh doanh của startup trước khi quyết định rót vốn.
Nhà đầu tư hiện nay tập trung vào các công ty có doanh thu rõ ràng, lợi nhuận ổn định và có thể tự duy trì hoạt động mà không phụ thuộc vào vòng gọi vốn tiếp theo.
Trước đây, nhiều quỹ VC sẵn sàng rót vốn mạnh tay vào các startup có tốc độ tăng trưởng nhanh. Tuy nhiên, sau vụ eFishery, họ chuyển sang các khoản đầu tư nhỏ hơn nhưng có kiểm soát chặt chẽ hơn.
Không chỉ riêng các công ty công nghệ nông nghiệp, mà cả các startup trong lĩnh vực fintech, AI và blockchain cũng đang phải đối mặt với yêu cầu minh bạch tài chính cao hơn để có thể thu hút vốn.
Sự chuyển dịch rõ nét hơn
![Các startup Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam sẽ khó khăn hơn khi gọi vốn, buộc phải sống bằng chính đôi chân của mình. Ảnh: T.L.](https://media.doanhnhantrevietnam.vn/files/content/2025/02/13/thi-truong-dau-tu-mao-hiem-viet-nam-1331.jpeg)
Các startup Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam sẽ khó khăn hơn khi gọi vốn, buộc phải sống bằng chính đôi chân của mình. Ảnh: T.L.
Dù bức tranh tổng thể có phần ảm đạm, một số lĩnh vực vẫn tiếp tục thu hút dòng vốn đáng kể. Theo dữ liệu từ Tracxn, AI (trí tuệ nhân tạo), công nghệ tài chính (fintech) và chăm sóc sức khỏe số vẫn là những lĩnh vực được đầu tư nhiều nhất trong năm 2024. Đặc biệt, AI đang nổi lên như một nhân tố thay đổi cuộc chơi với sự phát triển mạnh mẽ của các công ty như Advance.ai (Singapore) hay Kata.ai (Indonesia).
Ngoài ra, web3 và blockchain tiếp tục nhận được sự quan tâm từ các quỹ VC, mặc dù lĩnh vực này đã giảm nhiệt so với giai đoạn 2021-2022. Theo báo cáo của KPMG, tổng vốn đầu tư vào các công ty blockchain tại Đông Nam Á đạt 620 triệu USD trong nửa đầu năm 2024, cho thấy tiềm năng vẫn còn lớn.
Bước sang năm 2025, thị trường đầu tư mạo hiểm Đông Nam Á đang dần định hình theo những xu hướng rõ nét hơn. Các quỹ đầu tư mạo hiểm hiện nay không còn chỉ tập trung vào tốc độ tăng trưởng mà đặt trọng tâm vào tính bền vững và lợi nhuận thực tế của doanh nghiệp.
Ông Royston Tay, Giám đốc điều hành quỹ Insignia Ventures Partners, nhận định: "Những công ty có mô hình kinh doanh rõ ràng, lợi nhuận sớm và khả năng thích nghi nhanh sẽ chiếm ưu thế trong giai đoạn này."
Các nhà đầu tư cũng đặc biệt quan tâm đến việc mở rộng quy mô của startup thay vì chỉ tập trung vào việc huy động vốn. Theo báo cáo từ Golden Gate Ventures, 72% startup tại Đông Nam Á thất bại vì không thể tìm ra mô hình kinh doanh bền vững, thay vì do thiếu vốn.
Sự suy giảm đầu tư mạo hiểm đã và đang tác động đến thị trường Việt Nam theo nhiều cách. Khi dòng vốn VC thu hẹp, số lượng startup mới ra đời ít hơn, các công ty hiện tại cũng phải cắt giảm chi phí để tồn tại, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của hệ sinh thái khởi nghiệp. Nhiều công ty khởi nghiệp phải cắt giảm nhân sự hoặc thu hẹp hoạt động để duy trì dòng tiền, ảnh hưởng đến thị trường lao động, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ.
Năm 2025, đầu tư mạo hiểm tại Đông Nam Á được dự đoán sẽ tiếp tục có những thách thức nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội cho các startup có chiến lược vững chắc. Bain & Company nhận định rằng nếu lãi suất toàn cầu bắt đầu hạ nhiệt, dòng vốn đầu tư có thể sẽ quay trở lại, đặc biệt là vào các thị trường như Indonesia, Việt Nam và Philippines, nơi vẫn còn tiềm năng tăng trưởng cao.
Việc chuyển dịch từ tăng trưởng bằng mọi giá sang tập trung vào hiệu quả và lợi nhuận sẽ là yếu tố quyết định sự sống còn của nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp trong khu vực. Các startup muốn thành công cần chuẩn bị kỹ lưỡng hơn về mặt tài chính, mô hình kinh doanh cũng như khả năng thích nghi với một môi trường đầu tư ngày càng khắt khe hơn.