Hàng tỷ USD đổ về các startup công nghệ giáo dục
(DNTO) - Kéo dài độ nóng từ năm 2023, nửa đầu năm 2024, nhiều startup công nghệ giáo dục tiếp tục thu hút hàng tỷ USD vốn đầu tư mạo hiểm, trong bối cảnh “mùa đông gọi vốn” chưa hết băng giá.
"Ngôi sao gọi vốn"
Năm 2023 đã chứng kiến khoảng gần 200 triệu USD đầu tư cho EdTech (công nghệ giáo dục) Việt Nam. Điển hình là các thương vụ rót vốn vào startup EQuest (120 triệu USD), ElsaSpeak (20 triệu USD), Teky (5 triệu USD), MindX (15 triệu USD)…, theo Sách trắng Edtech Việt Nam 2024.
Nửa đầu năm nay, nhiều startup công nghệ giáo dục tiếp tục hâm nóng thị trường gọi vốn. Prep và Vuihoc cùng gọi được 7 triệu USD. NativeX gọi được 4 triệu USD. Nguồn tin từ DealStreetAsia cho biết Educa cũng đang huy động số vốn 8 triệu USD từ quỹ đầu tư mạo hiểm Jungle Ventures tại Singapore.
Ông Nguyễn Trí Hiển, Chủ tịch Công ty Edtech Agency (hệ sinh thái kết nối công nghệ giáo dục Việt Nam với thế giới), nhận định thị trường công nghệ giáo dục trong 3 năm trở lại đây khá sôi động. Các thương vụ đầu tư vào lĩnh vực này tăng cả số lượng và chất lượng, quy mô mỗi thương vụ kéo dài từ vài triệu lên vài chục triệu USD. Edtech được coi là điểm sáng trong mùa đông gọi vốn của thị trường khởi nghiệp nói chung.
“Trong tháng 8 này, có rất nhiều đơn vị trên thế giới quan tâm đến thị trường edtech Việt Nam. Hàn Quốc cũng đang tổ chức 2-3 hội thảo liên quan tại Việt Nam. Các nơi khác như Nhật Bản, Úc, Trung Quốc, Singapore cũng thường xuyên quan tâm đến thị trường Việt Nam”, ông Hiển cho biết.
Bổ sung thêm, ông Vương Nhật Anh, Quản lý đầu tư lĩnh vực giáo dục tại Quỹ đầu tư Do Ventures, cho biết mặc dù hiện tại Edtech trên thế giới cũng không phải là giai đoạn tươi sáng nhất khi các thị trường lớn về công nghệ giáo dục như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia... đều bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, điểm tích cực là giáo dục vẫn là ưu tiên hàng đầu của các gia đình. Theo Bain & Company, trung bình một gia đình Việt Nam dành khoảng 20% thu nhập khả dụng cho việc giáo dục con cái, so với mức 6%-15% ở các nước Đông Nam Á khác. Ngoài ra, thị trường giáo dục Việt Nam có quy mô lớn với xấp xỉ 30 triệu học sinh, sinh viên. Nên sự quan tâm của các nhà đầu tư trong lĩnh vực này vẫn rất lớn và là một trong những lĩnh vực được quan tâm nhiều nhất.
Nhà đầu tư “soi” từ những thứ rất nhỏ
Mặc dù khoản đầu tư vào edtech năm ngoái chiếm gần một nửa tổng vốn đầu tư mạo hiểm vào thị trường Việt Nam, nhưng không phải do các nhà đầu tư cởi mở hơn.
Không giống như giai đoạn “tiền rẻ”, các nhà đầu tư sau thời gian bị ảnh hưởng nặng nề bởi "mùa đông gọi vốn" đã nâng cao các tiêu chí khi đánh giá các startup. Ấn tượng đầu tiên của Phạm Quang Tú, CEO của Prep là các quỹ giờ đâu sâu sát hơn nhiều.
Tú đã gọi vốn 2-3 lần trong giai đoạn 2022-2023. Với vòng gọi vốn trước, các nhà đầu tư chủ yếu nghe câu chuyện và khai thác câu chuyện từ người sáng lập, nếu họ thấy hợp, tin tưởng và yên tâm về đội ngũ thì họ sẽ xuống tiền luôn. Nhưng giai đoạn hiện nay, các nhà đầu tư soi rất kĩ hồ sơ, sổ sách, giấy tờ, tài chính, sự kinh doanh minh bạch của công ty.
“Họ soi từ những thứ rất nhỏ như công ty có hoạt động đúng theo các quy định pháp luật hay không”, Tú nói.
Tại Teky, nhà sáng lập của startup này cho biết các quỹ giờ đây có thể chấp nhận doanh nghiệp chưa lớn nhưng phải tồn tại được, tầm nhìn và đội ngũ có thể phát triển trong tương lai.
“Nếu đội ngũ gọi vốn mà mang bức tranh tài chính cho thấy cứ phải phụ thuộc vào nguồn vốn, nhà đầu tư vào mới có thể tồn tại thì trong thời điểm hiện tại rất khó. Startup phải chủ động chứng minh khả năng quản trị điều hành như khả năng cắt giảm chi phí, tăng hiệu quả mỗi nhân viên... khi tiếp cận các quỹ”, bà Đào Lan Hương, Sáng lập Học viện Sáng tạo công nghệ Teky, cho biết.
Vị này cũng nhấn mạnh việc gọi vốn thành công không có nghĩa startup sẽ duy trì đà tăng trưởng. Vì khi có sự tham gia của các đối tác vào doanh nghiệp, đương nhiên doanh nghiệp cũng phải chia sẻ nhiều thứ, ví dụ như quyền điều hành
Bà này cho biết đã từng chứng kiến câu chuyện các “ngôi sao gọi vốn” đang thành công nhưng khi có nhà đầu tư mới lại thất bại. Hay khi có nhà đầu tư, công ty tăng tốc phát triển rất nhanh, nhưng vẫn thất bại. Điều đó khẳng định việc gọi vốn không phải là đích mà nó có thể dẫn tới nhiều con đường khác nhau.
Bởi trong bối cảnh có nhiều người tham gia hội đồng quản trị, có nhà đầu tư sẽ đặt kì vọng quá cao về tăng trưởng. Trong giai đoạn khó khăn như hiện nay điều này có thể dẫn tới việc doanh nghiệp tăng trưởng “nóng”, không kiểm soát được hiệu quả, doanh thu, chi phí.
“Nếu doanh nghiệp lúc nào cũng 'khát máu', khi dòng tiền đứt gãy, nhất trong giai đoạn 'mùa đông' thì rất rủi ro cho doanh nghiệp”, bà Hương nói.
Nữ founder nhấn mạnh đến tính đồng thuận trong chiến lược phát triển doanh nghiệp giữa nhà đầu tư và đội ngũ sáng lập. Đặc biệt ở các giai đoạn sau, các quỹ đầu tư tham gia rất sâu, thậm chí là cả công tác quản trị và điều hành doanh nghiệp, không giống như giai đoạn đầu chỉ là bệ phóng.
“Nếu quan hệ giữa đội ngũ sáng lập và người của quỹ không được quản trị tốt có thể dẫn đến mâu thuẫn, khiến việc điều hành kém hiệu quả. Vì vậy, đội ngũ sáng lập cần xây dựng mối quan hệ với nhà đầu tư và quản lý mối quan hệ đó hiệu quả”, bà Hương khuyến nghị.