Cuộc chơi mới của startup fintech
(DNTO) - Việc cạnh tranh với mã QR ngân hàng khiến nhiều công ty công nghệ tài chính (fintech) hụt hơi. Họ buộc phải chuyển trọng tâm sang các giải pháp tài chính cá nhân hay cho vay một cách thận trọng hơn.
Năm 2024 ghi nhận một số thương vụ gọi vốn nổi bật trong lĩnh vực fintech. Dẫn đầu là khoản đầu tư 13,8 triệu USD của V3V Ventures và các nhà đầu tư khác vào U2U Network trong vòng series A. Các thương vụ gọi vốn đáng chú ý khác từ Finviet Technology Corporation, Native Teams, 1Long cũng góp thêm phần sôi động cho thị trường.
Tuy vậy, so với năm 2023 với 10 thương vụ, huy động tổng số 132,7 triệu USD thì các giao dịch công nghệ tài chính năm 2024 giảm mạnh, với số lượng giảm xuống còn 6 và giá trị giảm 70% xuống còn 39,8 triệu USD. Các công ty khởi nghiệp blockchain dẫn đầu về tài trợ, nhưng không có giao dịch giai đoạn cuối nào xảy ra, báo hiệu sự suy giảm niềm tin của nhà đầu tư kể từ đỉnh cao tài trợ năm 2022, theo Báo cáo Hệ sinh thái khởi nghiệp Công nghệ Việt Nam của Vinventures công bố mới đây.
Thực tế, trong khoảng 5-7 năm trở lại đây, fintech luôn là lĩnh vực phát triển "nóng". Với quy mô thị trường là 16,62 tỷ USD (tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 20,23%), thị trường fintech của Việt Nam vẫn là thị trường tăng trưởng nhanh thứ hai ở Châu Á. Theo Ngân hàng Nhà nước, Việt Nam có hơn 187 công ty khởi nghiệp công nghệ tài chính phục vụ hàng trăm khách hàng, cung cấp nhiều dịch vụ đa dạng.
Tuy vậy đến nay, thị trường fintech vẫn chủ yếu được thúc đẩy bởi thanh toán và ví di động. Đến cuối năm 2024, Việt Nam sẽ có 50 triệu ví điện tử đang hoạt động, tăng gần 40% so với năm ngoái. Sự áp đảo của các ví điện tử trong thị trường cũng tạo ra sự cạnh tranh vô cùng gay gắt, không chỉ giữa các ví điện tử, mà còn là cạnh tranh với các app ngân hàng.
Theo Ngân hàng Nhà nước, đến hết 6/2024, toàn Việt Nam có hơn 193 triệu tài khoản thanh toán của khách hàng cá nhân. Tính đến cuối 2023, dân số trưởng thành Việt Nam có tài khoản thanh toán đạt 87,07%. Nhiều ngân hàng đã có trên 95% số lượng giao dịch được xử lý trên kênh số.
Hệ sinh thái ngân hàng số ở Việt Nam phát triển mạnh mẽ gây sức ép với các công ty fintech. Nếu trước đây, các ví điện tử được xem là cánh tay nối dài của các ngân hàng thì giờ đây các hệ thống app của ngân hàng đang dần thay việc của họ.
Chỉ tính riêng việc chuyển khoản qua mã QR ngân hàng đã cướp đi phần lớn khách hàng trong lĩnh vực thanh toán của các ví điện tử. Chưa kể các app ngân hàng giờ đây đã mở rộng nhiều dịch vụ khác như đặt vé máy bay, vé tàu, mua sắm, đầu tư, giải trí… Điều này khiến các fintech hụt hơi vì trước đó họ đã đốt hàng hàng triệu USD cho các chương trình khuyến mãi để thu hút người dùng.
Khi thanh toán đã trở thành "đại dương đỏ", các ví điện tử muốn tồn tại và mở rộng buộc phải tìm con đường mới. MoMo, ZaloPay tung ra các giải pháp tài chính cá nhân, bao gồm lập ngân sách, đầu tư cổ phiếu và tiết kiệm, tận dụng AI để nâng cao trải nghiệm người dùng và tạo sự khác biệt.
Ở phân khúc cho vay tiêu dùng vốn rất phổ biến ở thị trường phát triển giờ đây cũng bắt đầu được mở rộng ở Việt Nam. Tuy nhiên, thay vì dàn trải như trước, các fintech tại Việt Nam tập trung vào các phân khúc khách hàng ổn định hơn, chẳng hạn như Rootopia, Homecredit tập trung vào các khoản vay giáo dục, Gimo, VuiApp, Ekko tập trung cho phân khúc ứng lương sớm.
Các startup vẫn đánh trúng nỗi đau của thị trường – các khoản vay nhỏ phục vụ tiêu dùng, nhưng tập trung vào những người đi vay có trách nhiệm về mặt tài chính để hạn chế nợ xấu. Điều này giúp tăng cường sự ổn định của danh mục đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng bền vững trong lĩnh vực cho vực cho vay.
Bên cạnh đó, sự ra đời của Luật dữ liệu mở đường cho các công ty khởi nghiệp chấm điểm tín dụng Tài chính nhúng. Trước đây, các phương pháp đánh giá tín dụng truyền thống dựa trên điểm tín dụng từ Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC), nhưng thường không nắm bắt đầy đủ khả năng tín dụng của người vay.
Nhận ra hạn chế này, nhiều tổ chức tài chính đã áp dụng các giải pháp chấm điểm tín dụng kết hợp dữ liệu từ nhiều nguồn ngoài CIC. Việc này giúp các bên cho vay tiếp cận cơ sở khách hàng rộng hơn và sâu hơn. Luật dữ liệu có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, việc mua và bán dữ liệu cá nhân dưới mọi hình thức đã bị cấm. Điều này tạo cơ hội cho các công ty có dữ liệu người dùng lớn, như nền tảng thương mại điện tử, ứng dụng nhắn tin, phần mềm kế toán và hệ thống POS có thể tận dụng các nguồn dữ liệu của riêng họ, kết hợp với công nghệ AI để chấm điểm tín dụng.
Có thể thấy, khi các startup không còn cạnh tranh bằng việc "đốt tiền" hay lo lắng về rủi ro pháp lý thì họ cũng sẽ tìm thấy cơ hội mới trên thị trường, mở rộng ra lĩnh vực thừa nỗi đau nhưng thiếu giải pháp. Sự hoàn thiện về mặt pháp lý cũng như sự trưởng thành của các startup fintech góp phần thúc đẩy thị trường công nghệ tài chính Việt Nam phát triển bền vững hơn.