Sẽ rất lâu mới có thêm ‘kỳ lân’ fintech
(DNTO) - Mỹ, Trung Quốc, Anh..., đang chạy đua để dẫn đầu fintech nhưng Việt Nam vẫn rất chậm.
Cuộc chạy đua với fintech
Trong bảng danh sách 200 công ty fintech (công nghệ tài chính) hàng đầu thế giới của Statista, Hoa Kỳ chiếm tới 65 công ty fintech, con số này ở EU là 55 công ty và Ấn Độ là 17. Các nơi khác, số lượng kỳ lân fintech cũng rất lớn, đơn cử Anh với con số 15, Trung Quốc có 8 kỳ lân và Singapore cũng có 5 kỳ lân.
Các nước phát triển đang chạy đua với fintech, bởi công nghệ này không chỉ giúp thay đổi bộ mặt của ngành tài chính mà còn là động lực thúc đẩy kinh tế số.
Tại Việt Nam, báo cáo của Nextrans ghi nhận có hơn 260 công ty fintech vào cuối năm 2022. Nhưng đến thời điểm hiện tại Việt Nam mới chỉ ghi nhận 2 kỳ lân trong lĩnh vực này là MoMo và VNPay. Trong khi đó, các fintech Việt Nam hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực dịch vụ thanh toán (chiếm 31,1%). Lĩnh vực này đang bị án ngữ bởi các kỳ lân và các công ty lớn như Viettel Pay, Zalo Pay, Shopee Pay... nên việc gia nhập thị trường với các startup mới, hay việc chiếm thị phần nhiều hơn của các công ty nhỏ là rất khó khăn.
Các lĩnh vực khác như mảng cho vay ngang hàng (P2P Lending) (14,7%); Blockchain/Crypto (tiền điện tử) (11,9%)... chưa có khung khổ pháp lý điều chỉnh dẫn đến việc các công ty vẫn vừa đi vừa dò đường.
Ông Phạm Xuân Hoè, Tổng Thư ký Hiệp hội cho thuê tài chính, cho biết tính sáng tạo trong fintech rất lớn, nó tạo ra những mô hình kinh doanh mới, không có chi nhánh truyền thống, có thể bán qua app. Nhưng, Fintech chỉ có thể chiến thắng độc lập nếu có một quy luật số lớn, dữ liệu khách hàng lớn. Còn nếu đứng độc lập một mình mà nhỏ thì sẽ không thể bù đắp được chi phí.
Điều này được chứng minh qua thực tế thị trường Việt Nam, số lượng công ty fintech tăng trưởng nhanh nhưng chỉ có khoảng 5 công ty hàng đầu có doanh số lớn và đủ lớn để đứng vững, hầu như còn lại đều phải dựa vào hệ thống ngân hàng.
Thực tế ở Việt Nam, mô hình fintech kết hợp với ngân hàng truyền thống phát triển tốt hơn và có hiệu quả. MoMo bắt tay với rất nhiều ngân hàng, một số ví điện tử, hay moble money thực hiện thí điểm... Fintech có thể len lỏi trong mọi hoạt động của ngân hàng.
“Thanh toán ở Việt Nam phát triển được đó là trong Luật các tổ chức tín dụng đã đưa vào khái niệm trung gian thanh toán, đã mở đường cho fintech phát triển trong thời gian qua”, ông Hoè nói.
Rủi ro đẩy về phía startup
Pháp lý cho fintech ở Việt Nam mới chỉ mở đường cho thanh toán. Tuy nhiên, các lĩnh vực khác của fintech như tiền điện tử, P2P Landing, Quản lý quỹ, chứng khoán, Insutech không có luật điều chỉnh nên vẫn phát triển tự do trên thị trường, thường gặp nhiều rủi ro pháp lý.
“Fintech ở Việt Nam có thể phát triển độc lập chỉ ở trong một số lĩnh vực rất đặc thù. Ví điện tử với một số công ty cho vay P2P Landing rất nhỏ bé nhưng bị lợi dụng bởi một số app cho vay nặng lãi nên tự nhiên bị vạ lây, bị cơ quan pháp luật soi vào, khiến startup này khó phát triển”, ông Hoè nói.
Đồng tình với quan điểm tintech là thị trường rất tiềm năng nhưng ở Việt Nam vẫn đang tự phát, TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia, lấy ví dụ trong lĩnh vực cho ngang hàng P2P Landing đã phát triển tương đối len lỏi trong đời sống.
Ví dụ startup Tima, họ giống như nền tảng số ở giữa kết nối bên cung – người cho vay và bên cầu – người vay nhỏ lẻ hay các công ty siêu nhỏ. Ở góc độ công an, người ta sẽ nói rằng đó là tín dụng đen vì chưa có hành lang pháp lý. Còn góc độ startup người ta sẽ cho rằng họ không làm gì sai.
Có thời điểm, Tima ghi nhận khoảng 700.000 tỷ đồng giao dịch giữa bên cho vay và bên vay. Hàng ngày, họ tiếp nhận hàng nghìn hồ sơ vay vốn. Con số rất lớn tương đương với một ngân hàng quy mô trung bình. Các startup như Tima đang giải quyết nhu cầu rất lớn của thị trường, nhưng đối diện với rủi ro khi chưa có khuôn khổ pháp lý điều chỉnh.
“Khi tôi hỏi Tima, trong trường hợp rủi ro như bùng nợ, mất tiền, thì Tima làm như thế nào. Thì họ nói rằng họ không chịu trách nhiệm vì họ chỉ đứng ở giữa cung cấp nền tảng cho bên cung và bên cầu gặp nhau, vì hiện chưa có cơ sở pháp lý nào. Nên đây là lỗ hổng pháp lý”, ông Lực nói.
Theo ông Phạm Xuân Hoè, Fintech ra đời và ngày càng phát triển làm mờ đi ranh giới giữa các ngành. Vì kết hợp giữa công nghệ và tài chính nên các sàn thương mại điện tử lớn giờ đây cũng có thể cung cấp dịch vụ tài chính. Như vậy, nếu cứ rạch ròi câu chuyện quản lý ngành thì sẽ rất khó hình thành một hành lang pháp lý tương đối và rõ ràng dành cho fintech.
Theo vị này, Nghị định khung sanbox fintech phải rất cụ thể nhưng phải tổng thể cho cả 3 lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm. Vì ranh giới các lĩnh vực mờ đi nên nếu chỉ soạn thảo sanbox fintech cho ngân hàng thì không giải quyết, không kiểm soát được và không giúp ngành phát triển được.
“Bản thân các ngân hàng hiện cũng lấn sân sang quản lý quỹ, bảo hiểm... mặt tích cực chưa thấy nhưng mặt tiêu cực thì đã thấy rồi khi hợp đồng tiền gửi biến thành bảo hiểm nhân thọ. Vì vậy Nghị định khung sanbox cho fintech rất cụ thể rằng thí điểm sản phẩm gì, điều kiện nào được thí điểm, không gian nào, đối tượng nào được coi là khách hàng. Nếu chờ các bộ ngành soạn thảo ra thông tư và giấy phép con thì các sáng tạo của fintech phải lâu lắm mới xin được.
Trong trường hợp hậu thử nghiệm rủi ro, không thành công thì tất cả nhà đầu tư đã bỏ vốn vào đó phải chấp nhận mất. Nếu hậu thử nghiệm không xử lý, sau đó bị hình sự hoá thì tôi nghĩ sáng tạo fintech ở Việt Nam không còn đường để phát triển”, ông Hoè nói.