Open Banking chỉ giới hạn với fintech sẽ đi rất chậm
(DNTO) - Open Banking (Ngân hàng mở) là xu hướng tất yếu trong hoạt động kinh doanh ngân hàng nhưng sẽ không nên chỉ bó hẹp với các công ty công nghệ tài chính (fintech).
Chia sẻ tại “Hội thảo Ngân hàng mở/Open Banking 2023: Chuyển dịch mô hình kinh doanh từ đóng sang mở” hôm 7/12, ông Nguyễn Bá Diệp, Phó Chủ tịch Công ty Cổ phần Dịch vụ di động trực tuyến (Ví điện tử MoMo) cho biết thực tế, các ngân hàng đã phối hợp với các công ty fintech triển khai Open API trong 10 năm qua, thông qua hình thức thanh toán điện tử, ví điện tử, dịch vụ thu hộ, chi hộ.
Thời gian gần đây, cú bắt tay này chặt hơn, khách hàng của các công ty fintech có thể đăng kí mở tài khoản, thẻ tín dụng ngân hàng. Ngân hàng lấy thông tin từ fintech, xử lý và chuyển trả lại fintech.
Nhờ những cú bắt tay này mà thanh toán trực tuyến trong những năm vừa qua luôn duy trì mức tăng trưởng trên 100%, đặc biệt khi triển khai VietQR, các ngân hàng miễn phí khiến mức tăng trưởng thanh toán trực tuyến lên tới 600-700%.
“Các ngân hàng giống như hồ nước còn fintech giống như kênh lệch nhỏ, chuyển nước (tức dòng vốn) đến cho khách hàng. Các công ty fintech tương tác và hiểu khách hàng giúp cho việc thiết kế sản phẩm mới, sáng tạo mà trước giờ chưa có điều kiện thực hiện.
Ví dụ các công ty fintech hiện tại đang kết hợp với các công ty quản lý vốn, các quỹ đầu tư giúp cho khách hàng có thể đầu tư từ 10.000 đồng. Hay MoMo kết hợp Tiền Phong Bank thiết lập ví trả sau, cho người thu nhập thấp vay khoản nhỏ, 5 triệu, 10 triệu. Điều này giúp cho dòng tiền ngân hàng đến nơi cần thiết, mở ra sản phẩm mới”, ông Diệp nói.
Hiện nhiều ngân hàng Việt Nam đang nghiên cứu chia sẻ dữ liệu qua giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API) và ứng dụng vào hoạt động thanh toán, nhận biết khách hàng điện tử, cung ứng sản phẩm, dịch vụ tài chính sáng tạo. Đây được xem là “đường cao tốc” kết nối giữa ngân hàng với fintech.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Hoàng Long, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) hiện nay, ứng dụng Open API không giới hạn trong việc Open Banking mà nó mở rộng ra toàn nền kinh tế như Open Finance (tài chính mở), Open Data (dữ liệu mở). Tức thông qua giao diện Open API, các ngân hàng có thể kết nối với các chủ thể của nền kinh tế.
“Không chỉ giới hạn trong fintech và tài chính mà có thể kết nối với các công ty bán lẻ, các công ty cung cấp dịch vụ logistics, từ đó cung cấp các dịch vụ ngân hàng đến toàn thể người dân. Việc nhìn nhận một cách tổng thể như vậy có thể đưa định hướng phát triển Open Banking vào định hướng phát triển nền kinh tế số của Chính phủ”, ông Long nói.
Đồng tình với quan điểm này, ông Akira Yamagami, Chuyên gia Tư vấn Công ty NTT Data Nhật Bản lấy ví dụ cụ thể hơn trong việc phát triển ngân hàng mở ở Anh và Nhật Bản.
Tại Nhật Bản, Hội đồng Tài chính họp vào năm 2015 và Luật Ngân hàng sửa đổi năm 2020, có 129 ngân hàng đã kí thoả thuận mở và cung cấp API cho các công ty fintech.
Tại Anh, năm 2016, Cơ quan thực hiện ngân hàng mở do CMA thành lập, gồm 9 ngân hàng lớn nhất. Nhưng đến hiện tại, 3/9 ngân hàng lớn vẫn chưa thực hiện mở API và CMA cho rằng một số hình phạt đối với trường hợp này là cần thiết.
Các API của Nhật không bắt buộc công khai API như Anh. Điều này khiến số lượng các nhà cung cấp khởi tạo thanh toán sử dụng API mở ở Nhật Bản chỉ bằng 1/2 của và đã đạt ở mức ổn định, trong khi ở Anh tăng đều mỗi năm. Điều này cho thấy, nhiều tổ chức tài chính ở Nhật Bản chưa sẵn sàng cung cấp các dịch vụ mới và họ chỉ tuân thủ theo các sửa đổi từ Luật Ngân hàng.
Tại Anh, với 7 triệu người đăng kí vào hơn 200 tổ chức cung cấp dịch vụ tài khoản, nó đã thành công trong việc duy trì vị trí hàng đầu ở châu Âu trong lĩnh vực này. Nhưng con số này vẫn cách xa so với kỳ vọng. Nguyên nhân do sự gián đoạn ở Open API (tổ chức do CMA thành lập để quản lý việc kết nối API của 9 ngân hàng). Cựu lãnh đạo tổ chức này nói rằng việc tranh chấp hàng ngày giữa 9 ngân hàng buộc người này luôn phải đưa ra các quyết định, nhưng sự tập trung quyền lực cũng lại khiến vị này phải từ chức.
Open Banking vì thế không nên giới hạn chỉ có ngân hàng. GS Naoyuki Iwashita, người từng công tác tại Ngân hàng Trung ương Nhật Bản chỉ ra rằng cuộc cách mạng khoa học kĩ thuật số tài chính không xảy ra vì sự số hoá chỉ giới hạn trong các tổ chức tài chính. Vị cũng tin rằng Open Banking nên là công cụ cải thiện quá trình chuyển đổi số ở Nhật Bản.
“Điều tương tự cũng đúng với những thách thức của ngân hàng mở ở Anh và Nhật. Hai nước này mắc phải sai lầm khi nghĩ rằng Open Banking chỉ giới hạn trong lĩnh vực tài chính. Tại Mỹ, ngành công nghệ tài chính đã phát triển mạnh mẽ, với các fintech tại Thung lũng Silicon và việc sử dụng API để cung cấp dịch vụ tài chính rất phổ biến. Ngược lại, các nước như Anh, Singapore, Nhật Bản vẫn chủ yếu cung cấp dịch vụ thông qua hệ thống các chi nhánh ngân hàng. Open Banking là mô hình chuyển đổi hệ thống ngân hàng chi nhánh truyền thống sang mô hình mới như các công ty công nghệ tại Mỹ đang làm. Đó là lý do phải chuẩn hoá API”, ông Akira Yamagami nói.