Sự chuyển mình ở các ngân hàng
(DNTO) - Tại Việt Nam, ứng dụng Gen AI vào ngành ngân hàng vẫn đang trong giai đoạn đầu, nhưng nó cũng được kì vọng sẽ mang lại chuyển mình đáng kể của các ngân hàng.
AI đang làm được nhiều việc
“Liên là tôi đây
Tôi luôn tự do phóng khoáng, bay cao
Ngày qua tôi tiến bước, không ngại gian nan
Luôn giữ vững niềm tin, vươn tới tương lai”
Đây là những câu hát được tạo bởi nền tảng AI trong chiến dịch “Viết nên bài hát vượt trội trong bạn cùng Techcombank” . Chỉ sau vài tuần từ 21/8 – 6/9, đã có hơn 30,000 lượt chơi và hàng chục ngàn bài hát mang theo những ước mơ, những dấu ấn cá nhân của mỗi người. Sự trợ giúp AI giúp Techcombank tạo ra sự đột phá cho hoạt động truyền thông thương hiệu tại ngân hàng.
Nhưng ứng dụng AI vào tổ chức tài chính còn làm được nhiều điều bứt phá hơn thế. Chúng hiện được các ngân hàng ứng dụng trong cải thiện trải nghiệm khách hàng, tăng cường an ninh và phát hiện gian lận, tối ưu hóa quy trình vận hành, phát triển sản phẩm và dịch vụ mới, phân tích tín dụng và đánh giá rủi ro.
Tại MB, trí tuệ nhân tạo đang góp phần tự động hóa 50% phê duyệt tín dụng cho khách hàng các nhân và 30% cho khách hàng doanh nghiệp. Thậm chí quy trình phát hành Thư tín dụng (L/C) không cần tới nhân viên.
Hay tại Vietcombank, nền tảng trợ lý ảo chatbot VCB Digibot giúp giải quyết trực tiếp 88,5% thắc mắc của khách hàng. Trong đó, xử lý thành công 2 triệu trường hợp chỉ sau nửa năm triển khai.
Kênh ngân hàng tự động LiveBank của TP Bank giảm 30-40% nhân sự khối nghiệp vụ tương đương, tiết kiệm 60% thời gian giải ngân khoản vay, 30-60% thời gian giao dịch tại quầy.
Ông Lương Tuấn Thanh, Giám đốc công nghệ thông tin tại Ngân hàng OCB cho biết, trong khi nhiều ngân hàng ở Mỹ, châu Âu vẫn sử dụng hệ thống AS400 (máy chủ tầm trung do IBM phát hành vào năm 1988), Mainframe (máy tính kích thước lớn) từ 30-40 năm trước, thì các hệ thống ngân hàng ở châu Á, trong đó có Việt Nam nâng cấp hơn rất nhiều. Cơ hội sử dụng công nghệ mới như AI trong các dịch vụ thanh toán, cho vay đầu tư hay tiết kiệm sẽ sớm hơn so với các nước sử dụng hạ tầng cũ.
Nhận định trên cũng trùng khớp với khảo sát của Finastra năm 2023 rằng 44% các tổ chức tài chính Việt Nam đã áp dụng AI, cao nhất trong các thị trường được khảo sát.
“Lĩnh vực tài chính và ngân hàng có rất nhiều quy định, nhân viên cần rất nhiều thời gian để đọc và hiểu đúng các quy định, quy trình hướng dẫn. Khi ứng dụng AI, chúng có khả năng tập hợp các quy trình, quy định dành riêng cho chuyên viên theo từng mảng. Như vậy khả năng làm đúng của con người cao lên thì dù đó là phòng chống rửa tiền, thẩm định tín dụng hay các quy định chăm sóc khách hàng đều tốt lên”, ông Thanh cho biết.
Vấn đề đạo đức và pháp lý
Dù đi sớm về công nghệ nhưng con đường về tài chính ngân hàng của chúng ta vẫn đi sau, nên về mặt nghiệp vụ, sản phẩm hay kể cả quy định vẫn có khoảng cách với hệ thống tài chính trên thế giới. Điều này ảnh hưởng tới việc ứng dụng AI. Theo báo cáo của Gartner, 80% các hệ thống tài chính ở châu Á, trong đó có Việt Nam mới chỉ ứng dụng AI ở các nghiệp vụ đơn giản.
Để AI làm tốt nghiệp vụ thì chúng phải “học” từ nguồn dữ liệu “sạch”. Dữ liệu không nhất quán, không đầy đủ hoặc không có cấu trúc có thể dẫn tới những dự đoán không chính xác và kết quả không tối ưu.
Ông Nguyễn Chiến Thắng, Giám đốc Trung tâm Phát triển, Ngân hàng SHB thừa nhận, nguồn dữ liệu của các ngân hàng hạn chế, chủ yếu lấy từ dữ liệu lịch sử của các khách hàng. Họ cũng rất khó để chia sẻ dữ liệu trong ngành. Vì vậy, khi nghiên cứu AI sẽ thường xuyên phải làm việc với bộ dữ liệu của nước ngoài hoặc bộ dữ liệu giả lập, dẫn đến mô hình AI không có độ chính xác cao.
“Vấn đề là các doanh nghiệp cần tăng cường chia sẻ nguồn dữ liệu mở, đương nhiên sẽ phải áp dụng một số biện pháp làm mờ dữ liệu một cách khoa học”, ông Thắng nói.
Một nhánh khác của trí tuệ nhân tạo là Gen AI (trí tuệ nhân tạo tạo sinh). Công nghệ này có khả năng tạo ra văn bản, hình ảnh, âm thanh, video và thậm chí cả mã nguồn, từ những mẫu dữ liệu mà nó đã học. Mc Kinsey dự báo Gen AI được kỳ vọng có thể tạo ra thêm 200- 340 tỷ USD hàng năm cho ngành này.
Nhưng khi trí tuệ nhân tạo ngày một “thông minh” hơn, có thể sáng tạo ra các nội dung ngoài những thứ chúng được học, con người cũng khó kiểm soát hơn. Điều này yêu cầu các ngân hàng sự cam kết triển khai công nghệ AI một cách an toàn, bảo mật và có trách nhiệm.
Ngoài ra, xét về khía cạnh doanh nghiệp, nhất là với ngành tài chính - ngân hàng, để triển khai ứng dụng AI một cách hiệu quả cần có sự ủng hộ từ phía cơ quan quản lý nhà nước và các lực lượng chức năng về cơ chế, chính sách, các quy định cũng như tài nguyên hạ tầng cho các hệ thống AI.