Những nhân sự AI trong các nhà máy
![](https://media.doanhnhantrevietnam.vn/resize/50x50/files/user/2022/11/29/huyentrang-085122.jpg)
(DNTO) - Có thể làm việc 24/24, không phụ thuộc vào cảm xúc, tự động hóa các công việc tẻ nhạt và lặp lại, giảm bớt chi phí và lỗi mà con người có thể mắc phải… AI đang được ứng dụng nhiều hơn trong các nhà máy để thay thế lao động phổ thông, giúp các nhà máy trở nên thông minh hơn.
![Robot-AI thay thế con người trong nhà máy sản xuất của Rạng Đông. Ảnh: T.L](https://media.doanhnhantrevietnam.vn/files/content/2025/01/24/robot-0957.jpg)
Robot-AI thay thế con người trong nhà máy sản xuất của Rạng Đông. Ảnh: T.L
Năm 2024, nhà máy của Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông đón thêm nhân sự mới, đó là 80 robot ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Những cánh tay robot thực hiện lắp đặt các chi tiết trong dây chuyền sản xuất hệ thống chiếu sáng LED. AI ứng dụng trong kiểm tra ngoại quan mạch điện tử, ngoại quan sản phẩm.
Sự xuất hiện của các nhân sự Robot-AI không chỉ giúp các công nhân “nhàn” hơn, mà còn giúp những quản lý như ông Nguyễn Hoàng Kiên, Quản đốc xưởng LED Điện tử và Thiết bị chiếu sáng, cũng bớt áp lực hơn.
Bởi trước đây, để kiểm soát chất lượng sản phẩm, ngoài việc kiểm soát vật tư sẽ phải kiểm soát cả con người. Dù có quy trình, quy định kiểm soát nhưng không thể tránh khỏi việc cảm xúc, thái độ của con người ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm. Do đó, Rạng Đông luôn phải có một số cán bộ kiểm tra theo tần suất. Nhưng, kể từ khi có các nhân sự Robot-AI hoạt động trong 19/32 nhà máy đã giảm đáng kể số lượng lao động thủ công cần thiết, giảm thiểu sai sót, đảm bảo mọi sản phẩm đều đạt chuẩn trước khi đưa ra thị trường.
“Một số dây chuyền đã ghi nhận sự gia tăng năng suất vượt trội, với tỷ lệ tăng đến 30% so với trước khi áp dụng công nghệ Robot”, ông Kiên hào hứng nói.
Trí tuệ nhân tạo là công nghệ cho phép máy móc, đặc biệt là máy tính, "học hỏi" và "suy nghĩ" như con người. Hệ thống AI học từ dữ liệu, thông tin và đưa ra quyết định thông minh hoặc thực hiện các nhiệm vụ theo yêu cầu. Nhờ vậy, công nghệ này giúp tăng năng suất công việc, độ chính xác cao, hỗ trợ khả năng sáng tạo của người dùng, cá nhân hóa trải nghiệm.
![Eurowindow đã xây dựng hệ thống số hóa đồng bộ, ứng dụng AI trong sản xuất vật liệu. Ảnh: T.L.](https://media.doanhnhantrevietnam.vn/files/content/2025/01/24/ai-2-0958.jpeg)
Eurowindow đã xây dựng hệ thống số hóa đồng bộ, ứng dụng AI trong sản xuất vật liệu. Ảnh: T.L.
Báo cáo Tầm nhìn trong ngành sản xuất 2024 của Zebra Technologies cho thấy, 61% các doanh nghiệp sản xuất trên toàn cầu kỳ vọng công nghệ AI sẽ thúc đẩy tăng trưởng vào năm 2029, tăng đáng kể so với con số 41% của năm 2024.
Các công ty đang dần nhận thấy tiềm năng to lớn của công nghệ AI trong việc cải thiện quá trình quản lý dữ liệu và giám sát quy trình sản xuất. Ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, tỷ lệ này còn cao hơn với 68% doanh nghiệp dự báo AI sẽ đóng vai trò chủ chốt trong việc thúc đẩy tăng trưởng vào năm 2029, so với 46% hiện tại.
Tại Việt Nam, AI cũng trở thành công nghệ mà nhiều doanh nghiệp, tập đoàn kỳ vọng. Đặc biệt, với doanh nghiệp có 25 kinh nghiệm gia công linh kiện điện tử cho đối tác FDI như Hanel, việc ứng dụng các công nghệ mới không chỉ tăng năng suất, giảm thiểu rủi ro, mà còn là hy vọng để công ty thực hiện giấc mơ “Made in Việt Nam”.
“Nhờ ứng dụng tự động hóa, công ty tự nghiên cứu, thiết kế và đưa ra sản phẩm thương hiệu riêng cung ứng cho thị trường Việt Nam. Đó là sản phẩm máy sấy công nghiệp thông minh Sasaki, ứng dụng công nghệ sấy xanh”, ông Trần Đức Tùng - Phó Tổng Giám đốc, Công ty Cổ phần Sản xuất Gia công và Xuất nhập khẩu Hanel (Hanel PT), chia sẻ.
Hay tại Eurowindow, trí tuệ nhân tạo AI được tích cực ứng dụng trong sản xuất, thiết kế, tích hợp trong các giải pháp vật liệu xây dựng hoàn thiện nhằm đem đến trải nghiệm tiện nghi khác biệt cho người dùng.
Đặc biệt sản phẩm cửa thông minh thế hệ mới điều khiển bằng giọng nói, nhận diện khuôn mặt, điều khiển từ xa qua app điện thoại… được xem là “át chủ bài” để thương hiệu này cạnh tranh với các đối thủ trong lĩnh vực nhà thông minh.
Mặc dù việc ứng dụng AI sẽ ảnh hưởng tới khoảng 40% lao động toàn cầu vào năm 2030, theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2024, nhưng đây là cơ hội để chuyển đổi từ nhà máy truyền thống sang nhà máy thông minh.
Bởi nền sản xuất Việt Nam không thể tiếp tục dựa vào lợi thế lao động giá rẻ mà phải cạnh tranh bằng chất lượng và giá trị sản phẩm, tối ưu sản xuất và vận hành, hiệu quả trong quản trị và tay nghề lao động cũng như các yếu tố phát triển bền vững. Vì vậy, việc chuyển đổi số, ứng dụng AI cũng như công nghệ mới là cấp thiết cho quá trình chuyển đổi này, dù không hề dễ dàng.