Giảm hàng trăm giờ làm việc mỗi tháng nhờ chuyển đổi số

(DNTO) - Lựa chọn giải pháp chuyển đổi số phù hợp giúp doanh nghiệp không chỉ tối ưu quy trình vận hành và khai thác dữ liệu một cách hiệu quả và bền vững mà còn giảm tải áp lực của nhân viên khi làm việc với công nghệ.

Sự kiện “Khai thác dữ liệu và tối ưu hóa quy trình với Low Code".
Tại sự kiện “Khai thác dữ liệu và tối ưu hóa quy trình với Low Code” hôm 21/2, do KHantix - công ty thành viên của Datapot và Microsoft Việt Nam phối hợp tổ chức, các chuyên gia cho biết trong bối cảnh hiện nay, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn với hệ thống báo cáo chậm trễ, dữ liệu phân tán và chi phí triển khai công nghệ cao.
Các công cụ low-code được minh chứng là giải pháp giúp doanh nghiệp tạo báo cáo và luồng tự động hóa thông minh, trực quan, hỗ trợ lãnh đạo theo dõi hiệu quả kinh doanh dễ dàng, đồng thời xây dựng các ứng dụng tự động hóa mà không cần lập trình phức tạp, giúp tiết kiệm thời gian nhập dữ liệu, tăng tốc xử lý công việc và nâng cao hiệu suất vận hành.
Đơn cử như tại Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), từ năm 2019 đã bắt đầu chuyển đổi số, 2022 bắt đầu triển khai Văn phòng điện tử (hay còn gọi là E-Office). Thời gian đầu, tập đoàn này sử dụng một giải pháp được may đo sẵn, giúp nhân viên chuyển từ làm việc, quản lý truyền thống sang quản lý công việc trên công cụ, đơn giản hóa thủ tục.
Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng, bà Phạm Thị Vân Hà, Trưởng Dự án Chuyển đổi số tại Vinatex, cho biết bất cập của giải pháp trên là chúng chỉ “nói chuyện một mình”, tức không thể kết hợp với giải pháp chuyển đổi số khác mà doanh nghiệp đang dùng. Thậm chí, có một số quy trình phải “bẻ” để phù hợp với công cụ. Điều này có thể ảnh hưởng tới quy trình của một số bộ phận và nhân sự.
Những bất cập này buộc Vinatex phải tìm hướng khác. Doanh nghiệp quyết định xây dựng bộ E-office trên nền tảng Low-code của Microsoft để thay thế cho giải pháp Saas truyền thống.
“Sự phối hợp chặt chẽ giữa công nghệ, đội ngũ nội bộ và đối tác triển khai là yếu tố then chốt để vận hành hệ thống mới linh hoạt, hiệu quả”, bà Hà nói.

Vinatex đã xây dựng thành công bộ E-office trên nền tảng Low-code, giúp tối ưu hóa quy trình vận hành, giảm thời gian, tăng hiệu quả công việc. Ảnh: T.L.
Chia sẻ kinh nghiệm thực tế khi ứng dụng Business Intelligence (BI) tinh gọn để hỗ trợ hoạt động kinh doanh và vận hành doanh nghiệp, ông Tô Mạnh Hoàng, CEO kiêm Founder Datapot cho rằng thay vì mua một phần mềm với quá nhiều chức năng cho một công ty ít nhân sự thì doanh nghiệp nên tìm phương án nào tối ưu nhất, ứng dụng đơn giản nhất để nhân sự không cảm thấy bị quá tải.
Ví dụ Power Bi để phân tích dữ liệu, xây dựng hệ thống báo cáo tự động giúp nhà quản lý theo dõi hiệu quả kinh doanh theo thời gian thực. Ngoài ra, một số giải pháp tự động hóa quy trình low-code cũng cho phép doanh nghiệp số hóa quy trình vận hành, loại bỏ hoàn toàn công việc nhập liệu thủ công và giảm hàng trăm giờ làm việc mỗi tháng.
“Nhờ ứng dụng BI hiệu quả mà tại Datapot hiện nay chúng tôi chỉ cần 1 nhân sự để vận hành hệ thống thông tin lớp học dữ liệu cho 1.000 học viên”, ông Hoàng cho biết.
Chia sẻ thêm, ông Nguyễn Đức Việt đến từ KHantix cho biết ngay cả với công cụ chatbot vốn đã quen thuộc với nhiều doanh nghiệp nhưng không phải ai cũng khai thác tối đa công năng mà nó có. Ví dụ doanh nghiệp hoàn toàn có thể tương tác với dữ liệu thông qua chatbot, giúp nâng cao trải nghiệm người dùng và tối ưu công việc hàng ngày.
Là đơn vị cung cấp giải pháp chuyển đổi số, bà Nguyễn Thị Hiền Gia đến từ Microsoft, cho biết mỗi doanh nghiệp có một bài toán riêng cần giải quyết. Vì vậy các ứng dụng chuyển đổi số phải có khả năng tùy chỉnh và thích ứng với hệ thống, quy trình của từng doanh nghiệp. Ví dụ một số ứng dụng của Microsoft là M365 Copilot và Nhân sự M365 Agents giúp tự động hóa công việc và tối ưu hiệu suất nhân sự, dù ứng dụng các công nghệ mới nhất nhưng vẫn phải thân thiện với người sử dụng, dễ dàng ứng dụng vào các doanh nghiệp.