Trào lưu ứng dụng công nghệ A.I. trong tài chính ngân hàng - Bài 1: Lịch sử của A.I. trong ngành tài chính
(DNTO) - Thực ra, ngành tài chính ngân hàng đã ứng dụng công nghệ trí thông minh nhân tạo (A.I) hàng thập kỷ nay. Và giờ, việc đó sẽ trở nên phổ biến hơn bao giờ hết.
Trí thông minh nhân tạo, hay còn gọi là A.I. (Artificial Intelligence), đã trở thành một chủ đề “nóng” trong thời gian qua. Người dùng phổ thông lần đầu tiên sử dụng các dịch vụ chatbot như ChatGPT hay dịch vụ tạo hình ảnh như Stable Diffusion, ai cũng ngỡ ngàng trước khả năng của công nghệ A.I. Không trách gì khi các vị CEO hay CFO luôn miệng nhấn mạnh tiềm năng của công nghệ này, nhất là trong việc cải cách ngành nghề của họ.
“Điều ấn tượng nhất của công nghệ trí thông minh nhân tạo khởi tạo ngày nay là ai cũng có thể tiếp cận chúng một cách trực tiếp, kể cả các CFO” - theo lời Michael Birshan, chuyên gia chiến lược kinh doanh và tài chính tập đoàn của McKinsey.
Nhưng không mấy ai để ý đằng sau những lời bàn tán về A.I. rằng công nghệ này đã là một phần của ngành tài chính trong ít nhất 1 thập kỷ qua, và tùy theo cách ta định nghĩa công nghệ trí thông minh nhân tạo, sự tích hợp này đã tồn tại còn lâu hơn thế nữa.
Neal Baumann - lãnh đạo dịch vụ tài chính toàn cầu tại Deloitte nói: “Về mặt khái niệm, công nghệ này không phải mới. Điều thật sự đang diễn ra là trong hai năm qua, nó đã có nhiều bước tiến phát triển quan trọng”.
Ngược lại quá khứ
Máy tính đã giúp tự động hóa ngành tài chính kể từ 50 năm trước.
Trong những năm 1970, ngân hàng đã ứng dụng những cỗ máy rút/nạp tiền đầu tiên, với tên gọi Automated Teller Machines (ATM). Và đến 1984, đã có đến 84% gia đình tại Mỹ sở hữu thẻ ATM - theo dữ liệu của chuyên gia kinh tế James Bessen trong cuốn sách Learning by Doing.
Tương tự như thế trong 1975, hãng Vanguard tung ra chỉ số quỹ index đầu tiên. Seth Oranburg, một giáo sư luật, tác giả của Lịch sử Công nghệ Tài chính và Quy định, mô tả Vanguard Index là một “danh mục đầu tư được quản lý thụ động được mua và bán dựa trên thuật toán tĩnh”.
Sự tự động hóa của chỉ số index này là hoàn toàn “tĩnh”, chứ không sử dụng thuật toán để tiên đoán. Máy tính chỉ đưa ra các lệnh cơ bản đã được lập trình sẵn. Điều này thay đổi khi các tổ chức tài chính bắt đầu sử dụng rộng rãi các mô hình hồi quy trong hoạt động của họ, theo Gal Krubiner, Giám đốc điều hành và đồng sáng lập của công ty hỗ trợ cho vay sử dụng A.I.
Gal Krubiner ước tính đến những năm 1990, các nhà cho vay bắt đầu sử dụng mô hình hồi quy, một mô hình tính toán các khoản nợ chưa thanh toán, thu nhập và nhiều thuộc tính khác của khách hàng để dự đoán liệu khách hàng đó có đủ điều kiện để nhận khoản vay hay không.
Cách thức này lan rộng ra khắp các ngóc ngách của ngành tài chính, được sử dụng bởi tất cả mọi người, từ các nhà cung cấp bảo hiểm, chuyên gia kiểm tra gian lận, nhà phân tích thị trường đến nhà giao dịch chứng khoán.
Cho đến ngày nay, Krubiner nhận xét, các mô hình hồi quy phức tạp là “xương sống” cho ngành tài chính.